Bán vé, tặng áo hay chạy xuống sân để tri ân người hâm mộ, những hành động rất nhỏ mà bất kỳ một ông chủ đội bóng nào cũng có thể làm được. Nhưng tại sao khi Công Vinh làm những điều nhỏ nhặt ấy, cả giới bóng đá đều thấy nó giống như một chuyện gì thật lạ lẫm chưa từng xảy ra ở Việt Nam.
Họ bảo Công Vinh đã cố tỏ ra như thế để "làm màu" trước ống kinh của báo giới và truyền thông. Bởi theo suy nghĩ của họ, ông chủ của một CLB thì chẳng có ai lại đi làm như Công Vinh cả và theo họ một đội bóng nếu muốn kéo được khán giả đến sân thì chỉ cần thắng là đủ.
Tuy nhiên, việc nhỏ ấy của Công Vinh chính là cả một quá trình thật dài mà cả nền bóng đá Việt Nam đã lãng quên và không chú trọng. Đó chính là việc trước khi đá bóng phải chinh phục được người hâm mộ. Sự chinh phục ấy không đơn giản chỉ là việc chinh phục về chuyên môn trên sân cỏ.
Một quãng thời gian đá bóng ở Nhật Bản và Bồ Đào Nha đã chỉ dạy cho Công Vinh hiểu rằng, bóng đá với họ không chỉ đơn thuần cuộc đấu giữa 22 cầu thủ trên sân, mà đó chính loại hình dịch vụ - giải trí cho người hâm mộ đến để thưởng thức. Một CLB chuyên nghiệp phải cung cấp cho khách hàng những dịch vụ mà họ cần nhất.
Một người mới chân ướt, chân ráo bước vào nghề như Công Vinh thì điều quan trọng đó là sự cầu thị và biết lắng nghe. Công Vinh đã làm rất tốt điều ấy khi sẵn sàng trao đổi và chia sẻ với người hâm mộ. Những hình ảnh rất nhỏ của Công Vinh cho thấy anh đã biết được điều mà người hâm mộ đang cần ở anh là cái gì và mình cần phải làm được điều đó.
Nhưng Công Vinh vẫn bị đánh giá với những đôi mắt ghen ghét, đố kỵ. Họ bảo kiểu làm của Công Vinh chỉ là "làm màu" và tô vẽ cho bản thân mình. Thậm chí, có người còn bảo đội bóng muốn kéo khán giả đến sân mà không đá hay, đá thắng thì 10 ông Chủ tịch có ra sân bán vé cũng như không.
8 năm qua, bầu Hiển đã bỏ ngót nghét hơn 500 tỷ đồng vào bóng đá, xây dựng đội bóng Hà Nội T&T trở thành thế lực mạnh và là đội bóng có thành tích tốt nhất Việt Nam trong quãng thời gian trên. Ở đội bóng thủ đô không thiếu ngôi sao, nhưng cái họ thiếu nhất là người hâm mộ.
Suốt những năm tồn tại, có lẽ chưa bao giờ đội bóng này có được lượng người hâm mộ đông như đội bóng của Công Vinh mới chỉ nhậm chức 10 ngày.
Nói thế để thấy rằng việc làm của Công Vinh tuy nhỏ, nhưng lại mang lại một giá trị rất lớn. Công Vinh không chỉ thổi vào bóng đá TP.HCM một luồng gió mát mà chắc chắn những việc làm nhỏ của Công Vinh sẽ khiến các đội bóng khác phải thay đổi cách phục vụ người hâm mộ.
Chúng ta được nghe rất nhiều câu khẩu hiệu đại loại như "Khán giả là cầu thủ thứ 12", "Người hâm mộ là tài sản lớn nhất của đội bóng"... xuất hiện tràn lan ở các sân bóng V.League. Nhưng Công Vinh là trường hợp đầu tiên mà người ta được nhìn thấy rất rõ anh đang lăn ra "chiến trường" để biến điều ấy thành hiện thực chứ không phải câu nói suông.
Thế nên, nếu như bóng đá Việt Nam có được thêm những nhà quản lý đội bóng nghĩ và làm được như Công Vinh đã làm thì dù "làm màu" đi chăng nữa thì hãy làm ngay và luôn đi, vì đó mới là cái mà bóng đá Việt Nam đang còn thiếu nhất.
Bình luận