• Zalo

Làm gì khi cơ thể nhớt nhợt mồ hôi và "bốc mùi" khó chịu?

Góc của nàngThứ Hai, 07/09/2015 12:11:00 +07:00Google News

Ra nhiều mồ hôi khiến bạn khổ sở vì cầm vật gì cũng bị ướt "nhớt nhợt", chưa kể triệu chứng “hách từ trong nôi” khiến nhiều người xa lánh. Làm sao để giải quyết tình trạng này?

Ra nhiều mồ hôi khiến bạn khổ sở vì cầm vật gì cũng bị ướt "nhớt nhợt", chưa kể triệu chứng “hách từ trong nôi” khiến nhiều người xa lánh. Làm sao để giải quyết tình trạng này?

MỒ HÔI KHỞI NGUỒN TỪ ĐÂU?

Mồ hôi được sản xuất từ các tuyến nằm ở lớp hạ bì của da, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể. Dù được tìm thấy trên khắp cơ thể, nhưng tuyến mồ hôi lại tập trung nhiều nhất quanh trán, nách, lòng bàn tay và chân. Bình thường bạn có thể đổ mồ hôi vào những lúc vận động nhiều hay trời quá nóng. Một số người bị đổ mồ hôi quá mức (tăng tiết mồ hôi) ngay cả khi nghỉ ngơi hay làm việc ít. Tay chân luôn ẩm ướt, có khi nhỏ thành giọt gây bất tiện trong giao tiếp và làm việc.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, có hai loại tăng tiết mồ hôi:

- Tăng tiết mồ hôi nguyên phát: Khi một người ra mồ hôi quá nhiều mà không do bệnh lý trong cơ thể, họ đã bị hội chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát. Hội chứng này có thể xảy ra ở mọi người, nhất là người có tiền sử gia đình bị tăng tiết mồ hôi. Có hai cách để điều trị. Thứ nhất là dùng thuốc giảm tiết mồ hôi, bôi bột hút ẩm. Tuy nhiên, hiệu quả của cách điều trị này tương đối thấp, thời gian tác dụng ít. Thứ hai là phương pháp cắt đốt hạch giao cảm nội soi, tỷ lệ thành công cao (95%), hiệu quả lâu dài (ít bị tái phát). 

 Bàn tay ướt mồ hôi khiến bạn ngại ngần không dám chạm vào ai hay vật gì.

- Tăng tiết mồ hôi thứ phát: Người bệnh cường giáp cũng thường tiết nhiều mồ hôi. Cường giáp là tình trạng tăng quá mức lượng hormone tuyến giáp lưu hành trong máu do tăng hoạt động tuyến giáp. Chúng có thể đẩy nhanh sự trao đổi chất trong cơ thể, dẫn đến nhịp tim nhanh và đổ mồ hôi nhiều. Biểu hiện của cường giáp là thấy nóng trong người, hay cáu gắt, khó chịu, tăng thèm ăn, ăn uống nhiều nhưng lại sụt cân nhanh, mắt lồi, hay mệt mỏi và khó ngủ. Có thể điều trị nội khoa với thuốc kháng giáp, nếu tái phát có thể phẫu thuật.

NHỮNG THỰC PHẨM CẦN TRÁNH ĐỐI VỚI NGƯỜI HAY RA MỒ HÔI

- Tỏi là thực phẩm đầu bảng cần tránh với người bị bệnh ra mồ hôi. Tỏi chứa hợp chất lưu huỳnh, khi đưa vào cơ thể nó sẽ chuyển hóa thành methyl sulfide. Chất này không được tiêu hóa mà theo đường máu đến phổi và da, cuối cùng được bài tiết ra ngoài. Tỏi không chỉ khiến hơi thở có mùi mà ngay cả mồ hôi tiết ra cũng có mùi.

Tỏi tuy tốt nhưng rất nặng mùi, không thích hợp với người hay ra mồ hôi. 

- Hành tây: Tùy thuộc vào mức độ tiêu thụ hành tây mà bạn có thể đổ mồ hôi nhiều hoặc ít. Vị hăng, cay của hành tây có tác dụng sưởi ấm và làm tăng sự lưu thông của máu, khiến nhiệt độ cơ thể tăng và gây ra hiện tượng đổ mồ hôi.

- Caffeine có trong cà phê, nước ngọt có ga, ca cao, nước tăng lực và chocolate… Đây là một chất kích thích làm tăng huyết áp, tăng lưu thông máu và nhịp tim. Cơ thể con người giống như một bộ máy, hoạt động ở nhiệt độ nhất định, khi tăng tốc các bộ phận trong cơ thể, thì cơ thể sẽ nóng lên và ra nhiều mồ hôi hơn.

- Thực phẩm cay: giúp thúc đẩy sự trao đổi chất, làm cơ thể nóng lên và đây chính là nguyên nhân gây hiện tượng đổ mồ hôi.

- Rượu: Lúc mới uống, rượu có tác dụng đào thải nước ra khỏi cơ thể nên bạn đi tiểu nhiều hơn. Sau một lúc, rượu sẽ làm cơ thể nóng lên, nhiệt độ cơ thể gia tăng và bắt đầu toát mồ hôi.

Nên hạn chế uống rượu để ngăn nhiệt độ cơ thể tăng lên, gây tiết mồ hôi. 

CÁC THỰC PHẨM NÊN TIÊU THỤ

- Uống nhiều nước: Nhiều người cho rằng uống nhiều nước hơn sẽ làm họ đổ mồ hôi nhiều hơn. Tuy nhiên trên thực tế việc uống nhiều nước mát sẽ làm giảm nhiệt độ cơ thể và giữ mồ hôi. Các chuyên gia khuyên những người có bệnh ra mồ hôi nên uống đủ 8 ly nước mỗi ngày.

- Uống trà: Trong trà có chứa hàm lượng cao axit tannic, đây là một chất làm se tự nhiên. Khi uống trà, kể cả trà nóng, bạn sẽ đưa vào cơ thể chất chống ra mồ hôi tự nhiên. Các chuyên gia khuyên nên uống 2 ly trà một ngày mới có thể thấy được tác dụng.

- Trái cây: Đây là một thực phẩm vừa tăng cường sức khỏe lại vừa ngăn chặn ra mồ hôi. Trái cây chứa 80% nước, và nó có tác dụng làm mát cơ thể, hạn chế đổ mồ hôi. 4 phần trái cây mỗi ngày làm giảm quá trình ra mồ hôi.

Trái cây sẽ làm mát cơ thể, giúp hạn chế đổ mồ hôi. 

- Dầu ô liu giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, tạo ít nhiệt hơn. Ngoài ra, dầu ô liu là một chất béo lành mạnh làm giảm cholesterol và huyết áp. Hai yếu tố này cũng sẽ cắt giảm lượng mồ hôi của bạn.

- Ngũ cốc nguyên hạt: Chứa lượng lớn vitamin B1, giúp cơ thể hoạt động hiệu quả, đỡ tiêu hao nhiệt lượng, giảm ra mồ hôi. Một số thực phẩm khác cũng chứa nhiều vitamin B như: cá, trứng, thịt, bơ, đậu Hà Lan, khoai lang, cà rốt.

- Canxi, magie giúp cơ thể đối phó với căng thẳng và lo lắng, có tác dụng ngăn chặn mồ hôi tiết ra. Canxi có nhiều trong nước cam, sữa chua, phô mai, rau bina, đậu… Magie có nhiều trong gạo, yến mạch, bí đao, hạt lanh, hạt mè, hạt hướng dương...

Lam Dung

Bình luận
vtcnews.vn