• Zalo

Làm gì để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH?

Đời sốngThứ Tư, 09/08/2023 15:12:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Năm 2023 tình trạng doanh nghiệp trốn, nợ, chậm đóng BHXH có xu hướng tăng, điều này ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.

Theo ngành BHXH tính đến 6 tháng đầu năm 2023, có 302.372 đơn vị chậm đóng BHXH; số lao động bị chậm đóng là 4.541.857 lao động. Những con số này cho thấy tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH bắt buộc đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) tại nhiều doanh nghiệp.

BHXH Thừa Thiên - Huế cho hay, tính đến 20/9 địa phương này có gần 3.000 đơn vị nợ BHXH với tổng số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hơn 255 tỷ đồng. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng ngàn người lao động trên địa bàn.

Trong ngày 20/9, BHXH tỉnh  tổ chức thanh tra tại Công ty CP May mặc xuất khẩu Impulse Fashion Tae Hee (viết tắt là Công ty) đóng tại KCN Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) - là một trong những doanh nghiệp nợ BHXH của người lao động. Công ty được thành lập từ tháng 11/2021 với số lượng lao động hơn 550 người. Thời gian qua, Công ty gặp một số khó khăn về đơn hàng nên nợ 3 tháng BHXH với tổng số tiền nợ hơn 2,7 tỷ đồng.

Theo BHXH Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, đơn vị triển khai nhiều biện pháp để găn chặn tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH.

Theo BHXH Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, đơn vị triển khai nhiều biện pháp để găn chặn tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH.

Sau khi BHXH tỉnh công bố Quyết định về việc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT thì hiện, Công ty đã chuyển trả đủ số tiền nợ. Đồng thời, cam kết sẽ trả số tiền BHXH các tháng tới nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như tuân thủ các quy định của cơ quan BHXH.

Nhằm góp phần đảm bảo quyền lợi người lao động, trong tháng 9/2023, BHXH tỉnh tiến hành thanh tra 12 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị thanh tra gồm: Công ty CP Xây dựng 26, Công ty CP Thiên An, Công ty CP Hàng không lữ hành Việt Nam, Công ty CP Trường Phú…

Số liệu thống kê của cơ quan BHXH cho thấy, số tiền chậm đóng BHXH tăng dần qua các năm, trong đó, số tiền chậm đóng BHXH từ 3 năm trở lên chiếm hơn 34% tổng số chậm đóng, trốn đóng BHXH. Số tiền chậm đóng BHXH khó thu có xu hướng ngày càng tăng: Năm 2020 là 2.564 tỷ đồng, chiếm 22% tổng số chậm đóng BHXH, gấp 1,6 lần so với năm 2016, tương ứng tăng 1.000 tỷ đồng; số đơn vị chậm đóng, trốn đóng là 9.263 đơn vị; số lao động bị ảnh hưởng là hơn 62.650 lao động.

Phân tích về hệ lụy của vấn đề này, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng BHXH, NLĐ sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Họ sẽ không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác... Điều này khiến NLĐ mất niềm tin khi tham gia hệ thống BHXH và chính sách an sinh xã hội.

Đề cập về nguyên nhân của tình trạng chây ì nợ BHXH, tại Hội thảo “Hoàn thiện quy chế của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của NLĐ bị nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc” được tổ chức dưới sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các đại biểu chỉ ra nhiều nguyên nhân, như: Cơ quan BHXH chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được Quốc hội giao.

Một số địa phương chưa thực hiện tốt vai trò cơ quan quản lý nhà nước BHXH; tính tuân thủ quy định của pháp luật về BHXH của một bộ phận người sử dụng lao động chưa cao; vẫn thiếu cơ chế để NLĐ theo dõi, giám sát việc người sử dụng lao động tham gia BHXH cho mình; quy định của Luật BHXH về công đoàn khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ chưa thực sự đi vào cuộc sống...

Mặc dù danh chính ngôn thuận công đoàn được giao quyền khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH của NLĐ nhưng việc triển khai của tổ chức công đoàn còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Đơn cử, từ năm 2015 đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa 189 vụ tranh chấp ra khởi kiện, trong đó có 29 vụ đã hòa giải thành công, 1 vụ tạm đình chỉ, 77 vụ tòa án xem xét thời hiệu khởi kiện, một số vụ khác tòa án không có văn bản trả lời.

Nguyên nhân của bất cập là do việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH chịu sự chi phối của 4 luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, quá trình xây dựng luật, cơ quan chức năng không để ý đến sự thống nhất, nên các đạo luật có sự mâu thuẫn nhau.

Tại Diễn đàn NLĐ năm 2023 diễn ra chiều 28/7 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức công đoàn” dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiều ý kiến thẳng thắn đề cập đến vấn đề này. Các ý kiến cho rằng, mặc dù công đoàn hết sức cố gắng nhưng do mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật nên dẫn đến hiệu quả không cao.

Để khắc phục điều này, theo kiến nghị của nhiều đại biểu, Quốc hội cần sửa đổi đồng bộ các quy định của pháp luật có liên quan; đồng thời bỏ quy định trong dự thảo Luật BHXH rằng công đoàn khởi kiện phải được NLĐ ủy quyền, thay vào đó, chỉ cần NLĐ đề nghị với công đoàn thay mặt họ khởi kiện là đủ. 

Được tham gia BHXH là quyền lợi của người lao động. (Ảnh: Hải Lan)

Được tham gia BHXH là quyền lợi của người lao động. (Ảnh: Hải Lan)

Nhiều ý kiến gửi về diễn đàn cho rằng, cùng sớm gỡ vướng để công đoàn có đầy đủ chức năng bảo vệ quyền lợi về BHXH của NLĐ, cần áp dụng các biện pháp “mạnh” như: Cơ quan chức năng phong tỏa hóa đơn của doanh nghiệp như cơ quan thuế khi doanh nghiệp trốn đóng BHXH.

Đối với các trường hợp doanh nghiệp nợ BHXH trên 12 tháng, có thể áp dụng hình thức cấm xuất cảnh đối với người đứng đầu doanh nghiệp. Các địa phương cũng không cho các doanh nghiệp nợ BHXH được đấu thầu những dự án đầu tư công. Làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường trách nhiệm giám sát của các tổ chức, cá nhân liên quan và đẩy mạnh các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử phạt người vi phạm...

Đề cập đến các giải pháp, biện pháp nhằm “đặc trị” căn bệnh chây ì, trốn đóng BHXH, theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, BHXH Việt Nam xây dựng ứng dụng BHXH số-VssID.

Đặc biệt, từ ngày 1/5/2023, trong ứng dụng này đã báo tình hình chậm đóng BHXH từ một tháng trở lên của bất cứ doanh nghiệp nào. Bởi vậy, NLĐ khi cài ứng dụng này, doanh nghiệp nào đang nợ hoặc chậm đóng BHXH sẽ phát hiện ra.

Trên cơ sở đó, NLĐ sẽ cùng với tổ chức công đoàn và BHXH Việt Nam đôn đốc doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho NLĐ. Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo thu nợ BHXH; chủ trương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đồng thời sử dụng các biện pháp khác, như: Công khai danh sách nợ, phối hợp với lực lượng công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Mạnh, việc căn cơ là tới đây khi sửa đổi Luật BHXH cần đưa vào những biện pháp đủ mạnh để doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc đóng BHXH cho NLĐ.

BẢO HƯNG
Bình luận
vtcnews.vn