• Zalo

Làm 2km đường 5 năm không xong, nhà thầu vẫn được ưu ái giải ngân

Bạn đọcThứ Tư, 05/10/2016 09:49:00 +07:00Google News

Gần đây, nhiều người dân tại xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc đã phản ánh một số vấn đề quản lý xây dựng, đất đai của chính quyền địa phương khiến dư luận bức xúc.

Theo đó, từ năm 2011, UBND xã Duy Phiên được đầu tư xây dựng một con đường giao thông nông thôn (GTNT) với chiều dài khoảng hơn 2km, tổng mức đầu tư đoạn đường là hơn 3 tỷ đồng. Tuyến đường này được kỳ vọng sẽ làm cho bộ mặt nông thôn được đổi mới, xóm làng được khang trang, người dân đi lại thuận tiện hơn.

Thế nhưng, từ khi đi vào thực hiện cho đến nay đã hơn 5 năm, dự án mới chỉ làm được khoảng 600m đường. Do thi công dang dở nên nhiều năm qua con đường ngổn ngang vật liệu, bụi mù, nhếch nhác khiến người dân bức xúc gọi nó là “con đường đau khổ”.

Theo tìm hiểu của PV, dù chậm trễ trong thi công nhưng nhà thầu vẫn đươc chính quyền xã “ưu ái” giải ngân hơn 1,4 tỷ đồng.

IMG_2833

Đồi Sông Mun không nằm trong diện được cấp phép nhưng vẫn bị khai thác trái phép. 

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Duy Phiên cho biết: “Đúng là con đường này đã làm được 5 năm nhưng chưa hoàn thành. Việc trước đây chỉ định thầu hay đấu thầu thì tôi không được biết vì mới nhận công tác chưa được 1 năm.

Xã cũng nhiều lần đôn đốc nhà thầu trở lại thi công, tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà nhà thầu không trở lại làm, thậm chí điện thoại còn tắt máy không trả lời. Còn việc xã đã giải ngân hơn 1,4 tỷ đồng để xây dựng con đường là có và việc này nằm trong các hạng mục đã triển khai.”

Ngoài ra, người dân còn phản ánh tại đồi Sông Mun thuộc xã Duy Phiên, thực trạng khai thác đất rừng trái phép đã gây bức xúc, nghi ngờ có sự mập mờ, nới lỏng trong công tác quản lý của chính quyền xã.

Được biết, tại xã Duy Phiên có hai ngọn đồi được UBND tỉnh cấp phép khai thác, nhưng không hiểu vì sao đồi Sông Mun là nơi không nằm trong vị trí được khai thác vẫn bị “xẻ thịt” một cách ngang nhiên.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Bộ cho biết, xã đã phát hiện ra trường hợp xe máy xúc khai thác trái phép tại đồi Sông Mun, đã lập biên bản với trường hợp cá nhân vi phạm, còn chiếc xe máy xúc này do đơn vị nào quản lý thì không rõ.

14536684_10202167655548769_1089792162_o

Ông Nguyễn Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Duy Phiên. 

Cũng theo phản ánh, nhiều hộ dân tại xã Duy Phiên đã được chính quyền địa phương cho đổ đất để làm nhà trên đất được giao trước đây. Hầu hết, những thửa đất này là ao hồ nên được chính quyền hợp thức hóa cho người dân có nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Bộ, Chủ tịch xã Duy Phiên cho biết, ở trong xã hiện nay có nhiều mảnh đất xen ghép không sử dụng được nên tùy vào nhu cầu người dân, xã xem xét, đồng ý cho những ai có nhu cầu về nơi ở để hợp thức. Đây cũng là quỹ đất mà tỉnh cho phép xã sử dụng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy trình để hợp thức này phải có đơn xin mua lại đất để làm đất ở; kết hợp với tờ trình của xã cho Phòng Công thương, UBND huyện; khi có quyết định của huyện rồi thì bắt đầu những thủ tục cần thiết để được chuyển đổi và làm nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp này, không hiểu vì lý do gì mà khi chưa có quyết định của cấp trên, xã đã cho người dân tự san lấp mặt bằng như việc có đơn là có đất?

Video: Chuyện kỳ lạ về những cuốn sổ đỏ ở Thanh Hóa

Điều nghiêm trọng hơn là đồng nghĩa với việc san lấp người dân có đất phải đóng cho xã số tiền 20 triệu đồng để “làm tin”. Việc viết phiếu thu 20 triệu đồng theo lãnh đạo xã là để đảm bảo việc chấp hành nộp tiền sử dụng đất khi có thông báo nộp thuế sử dụng đất.

Khoản thu này theo dư luận là không nằm trong điểm nào của các hạng mục thu chi của chính quyền xã. Như vậy, mục đích của khoản thu này là gì? Và việc lãnh đạo xã tự ý đưa ra khoản thu liên quan đến đất đai nhằm mục đích gì? Trong khi đơn xin mua lại đất của người dân và tờ trình của xã chưa được phê duyệt nhưng dân thì đã san lấp đất và tiền đã đóng cho xã?

VTC News sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.

Khánh Thy
Bình luận
vtcnews.vn