• Zalo

Lãi suất tăng cao, người mua nhà và doanh nghiệp địa ốc 'méo mặt'

Bất động sảnThứ Bảy, 01/10/2022 07:44:42 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo các chuyên gia, lãi suất tăng cao sẽ tác động đến những người dùng đòn bẩy tài chính để mua nhà và doanh nghiệp địa ốc.

Theo các chuyên gia, nếu lãi suất thấp, người dân có xu hướng rút tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản để tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn. Nhưng nếu lãi suất cao, ngược lại, người dân sẽ gửi tiền vào ngân hàng, dòng tiền vào bất động sản hạn chế. Mặt khác, lãi suất cho vay tăng, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính không có khả năng trả nợ sẽ buộc phải bán cắt lỗ. 

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, việc các ngân hàng tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh hiện nay là điều dễ đoán.

Khi các ngân hàng tăng lãi suất huy động, thì sớm hay muộn cũng sẽ tăng lãi suất cho vay. Đó là chưa kể, vừa qua, hàng loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, nếu các ngân hàng trong nước không tăng theo, đồng Việt Nam sẽ rất dễ bị mất giá, và điều này không tốt cho nền kinh tế", ông Thịnh nhấn mạnh.

Lãi suất tăng cao, người mua nhà và doanh nghiệp địa ốc 'méo mặt' - 1

Doanh nghiệp, người mua nhà đứng ngồi không yên vì lo lãi suất tăng cao.

Theo chuyên gia, khi lãi suất cho vay tăng, những người đã vay tiền để mua nhà, mua xe trước đó, đương nhiên sẽ phải "cõng" thêm mức lãi suất mới.

"Hiện nay, ngân hàng nào cho vay mua nhà đều có ưu đãi trong 1 – 2 năm, khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù lãi suất có thấp như năm 2021 đi chăng nữa, thì cũng phải tính đến việc lãi suất sẽ tăng cao trở lại. Do đó, trước khi lựa chọn vay ngân hàng mua tài sản là đất hoặc nhà trả góp, người dân phải tính toán mức lãi suất lâu dài, tránh trường hợp không thể thanh toán được theo tiến độ", vị chuyên gia khuyến cáo.

Cũng theo ông Thịnh, bất động sản là lĩnh vực huy động vốn rất lớn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của bất động sản gần 12%, vẫn cao hơn so với nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân.

Việc tăng lãi suất này cũng làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp bất động sản. Việc chi phí cao lên thì giá bán phải cao lên, nhưng trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay thì người dân sẽ khó mua hơn, dẫn đến tính thanh khoản thấp và thị trường trầm lắng sẽ kéo dài hơn”, ông Thịnh nói.

Ngoài ra, theo ông Thịnh, hiện nay Ngân hàng nhà nước nới room tín dụng nhưng thực tế, dòng vốn được nới chủ yếu đi vào các lĩnh vực khác chứ tiền vào bất động sản sẽ không cao. Tuy nhiên, Nghị định 65 về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ra đời cũng phần nào giúp các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn để đảo nợ.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc tăng lãi suất sẽ tác động đến tâm lý của thị trường bất động sản trong giai đoạn này.

Theo ông, tăng lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ thu hút được rất nhiều tiền gửi. Tuy nhiên, lãi suất huy động tăng đồng nghĩa lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo, điều này không tốt cho thị trường bất động sản.

Nhất là trước đây, khi thị trường bất động sản sốt nóng, không ít người vay để lướt sóng bất động sản. Nhưng hiện nay giao dịch trên thị trường bất động sản đang chậm, nhiều người vẫn đang bị kẹt. Do đó, nếu lãi suất ngân hàng tăng cao, việc vay đầu tư bất động sản sẽ khiến nhà đầu tư cân nhắc”, ông Điệp nói.

Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết 2 tháng nay, vấn đề hết room tín dụng dẫn đến khó khăn trong việc cho vay đối với cả doanh nghiệp và người dân, nhất là doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Hiển, gần đây, lãi suất tiền gửi cũng từng bước được nâng lên, có ngân hàng họ đã tăng tới 1,5%. Đầu vào tăng thì chắc chắn sẽ gây áp lực cho đầu ra – là lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước đã chính thức nâng lãi suất cơ bản lên thì lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại cũng sẽ tăng.

Những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nhất là doanh nghiệp có vòng quay vốn chậm, áp lực lãi suất sẽ lớn. Bất động sản là doanh nghiệp có vòng quay vốn chậm nên áp lực lãi vay rất lớn”, ông Hiển nói.

Ông cũng cho biết chính người dân mua nhà trả góp cũng bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng. Việc này khiến các doanh nghiệp vốn đang gặp khó ở thị trường lại càng thêm áp lực.

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng lần này các ngân hàng không bị áp lực nhiều như giai đoạn 2011-2012-phải bằng mọi cách để có tiền. Giai đoạn trước, nhiều chủ ngân hàng cũng là chủ công ty bất động sản sân sau. Họ vừa là chủ nợ, đồng thời cũng là con nợ nên áp lực về trả tiền cho người gửi rất cao. Lãi suất thời điểm đó liên tục tăng, lên tới 14% và lãi suất cho vay lên tới 20%, tạo áp lực rất lớn cho người ôm đất.

Còn hiện nay, các ngân hàng cơ cấu tài chính mạnh hơn, vấn đề sở hữu chéo cũng ít hơn nên ngân hàng có khó khăn nhưng cũng không khó khăn như giai đoạn trước. Ngoài ra, ông Hiển cũng cho rằng hiện nay Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước có kinh nghiệm xử lý nên sẽ không bị áp lực như giai đoạn trước; đồng thời, vấn đề thế chấp, thu hồi nợ cũng ít áp lực hơn giai đoạn trước vì các chủ đầu tư cũng có nhiều kênh huy động vốn.

Hy vọng giai đoạn này không có sự rớt giá của bất động sản và sự phá sản hàng loạt của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, theo tôi dự đoán lần này có thể cũng phải khoảng 20% doanh nghiệp cũng phải “buông”. Đó là những doanh nghiệp đầu tư lớn bằng vốn vay, không đủ uy tín để huy động vốn, dự án họ ôm không có tính thanh khoản cao thì có thể họ phải phá sản hoặc giao đất cho ngân hàng phát mại”, ông Hiển nói.

Trong LandShow số 22 của VTV Money với chủ đề “Lãi suất tăng, bất động sản sẽ ra sao?” diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đánh giá, lãi suất tăng sẽ làm giảm khả năng mua nhà của người dân, từ đó tác động mạnh đến tình hình cung cầu trên thị trường bất động sản.

Trong ngành ngân hàng, chúng tôi tính tỷ lệ trả gốc và lãi cho ngân hàng khi vay mua nhà chia cho thu nhập bình quân người mua nhà ở khoảng 60% là hợp lý. Nhưng với lãi suất tăng như hiện nay, tôi nghĩ tỷ lệ này đã vượt ngưỡng an toàn, có thể làm nhiều người không đủ điều kiện vay ngân hàng để mua nhà”, ông nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ông Hiếu đánh giá động thái tăng lãi suất của Ngân hàng nhà nước là hợp lý để chống lạm phát và ổn định giá trị của tiền đồng. Sự điều chỉnh cũng phù hợp với những đợt tăng lãi suất liên tiếp của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Chuyên gia này còn nêu một số giải pháp cho thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay.

Các hoạt động đầu cơ, găm hàng, thổi giá rất phổ biến ở Việt Nam. Thị trường bất động sản cần có điều chỉnh và cải tổ mạnh mẽ như xây dựng hệ thống thông tin minh bạch về phân khúc thị trường, giá cả sản phẩm để mọi người có thể tham khảo và ra quyết định phù hợp với nhu cầu của mình. Cuối cùng thì thị trường phải hướng đến mục đích phục vụ cho đại bộ phận dân chúng”, ông nói.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn