Lãi suất ngân hàng trong vòng 1 tháng qua đã liên tục tăng mạnh, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành lần thứ hai vào ngày 25/10.
Nếu như cùng thời điểm này năm trước, số ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm cao nhất trên 7%/năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì nay, đã có ngân hàng huy động trên 10%/năm và một nửa số ngân hàng trong hệ thống niêm yết lãi suất cao nhất trên 8%/năm
Ngân hàng đua lãi suất
Theo biểu lãi suất huy động mới nhất đăng trên website các ngân hàng thương mại, lãi suất ngân hàng cao nhất hôm nay là 10,5%/năm. Đây là lãi suất áp dụng đối với sản phẩm tiền gửi An Khang, kỳ hạn 12 tháng, mức gửi từ 500 tỷ đồng trở lên của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). Tiếp sau đó là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với lãi suất 10,02%/năm dành cho tháng đầu tiên khi khách hàng gửi tiền kỳ hạn 36 tháng sản phẩm Tiết kiệm gửi góp Prime Savings.
Vẫn nằm trong top đầu các ngân hàng có mức lãi suất huy động hấp dẫn nhất hệ thống, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) niêm yết lãi suất cao nhất lên tới 9,3%/năm dành cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn từ 15 tháng trở lên.Ngoài 3 ngân hàng trên còn có tới 15 trong số hơn 30 ngân hàng được khảo sát đang niêm yết lãi suất cao nhất từ 8%/năm trở lên, thậm chí tiến sát mốc 9%/năm.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) huy động cao nhất là 8,9%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP An Bình(ABBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cùng niêm yết mức cao nhất 8,8%/năm.Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) lần lượt áp dụng lãi suất cao nhất 8,75%/năm và 8,7%/năm...
Trong khi đó, tại 4 ngân hàng lớn "Big 4", lãi suất cao nhất dù đã tăng mạnh 1%/năm so với cách đây 1 tháng nhưng vẫn có sự cách biệt đáng kể so với các ngân hàng thương mại khác. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ngày 27/10 đồng loạt tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ mức 6,4%/năm lên thành 7,4%/năm.
Chỉ sau 1 ngày, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng có động thái tương tự. Tính đến thời điểm này, 7,4%/năm cũng là mức lãi suất huy động cao nhất tại "Big 4".Tính trung bình trong vòng 1 tháng qua, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại các ngân hàng đã tăng từ 1-2%/năm so với trước đó, dần tiến về mức lãi suất huy động hồi trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng nhiều ngân hàng đã tăng lên mức kịch trần 6%/năm như tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)...
Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng cao nhất đang được niêm yết tại NCB, VPBank, Techcombank, VietCapitalBank... dao động từ 8-8,75%/năm.
Lãi suất huy động cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng hiện nay thuộc về SCB với 8,8%/năm; NCB 8,75%/năm; VietCapitalBank 8,6%/năm; VPBank, Techcombank, NamABank cùng mức 8,5%/năm; Saigonbank 8,3%/năm...
Dòng tiền dịch chuyển
Trước những biến động mạnh về lãi suất, không ít người gửi tiền đã rút tiền từ nơi có lãi suất thấp để gửi vào ngân hàng có lãi suất cao hơn.Chị Hà Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết chị vừa tất toán sớm một khoản tiết kiệm online để chuyển sang gửi ngân hàng khác vì chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng đang khá lớn.
Theo chị Thu, khoản gửi cũ của chị mở cách đây 2 tháng với lãi suất hơn 6%/năm kỳ hạn 6 tháng, đã thuộc nhóm lãi suất cao trên thị trường. Vậy mà nay, có ngân hàng huy động đến hơn 8%/năm. "Tiền nhàn rỗi chưa dùng tới nên ngân hàng nào lãi suất cao và uy tín thì tôi gửi vào đó", chị Thu nói.
Ngược lại, cũng có khách hàng còn tỏ ra e ngại khi lãi suất tăng nhanh đột biến. "Tuy có nhiều ngân hàng lãi suất cao gấp rưỡi nơi tôi đang gửi. Nhưng không biết liệu lãi suất cao như vậy thì có an toàn hay không. Hoặc khi cần rút tiền mặt gấp thì các ngân hàng nhỏ có đáp ứng kịp không. Vì thế tôi vẫn giữ nguyên khoản gửi ở ngân hàng lớn, dù lãi suất thấp hơn tương đối", bác Minh Quang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
Theo một lãnh đạo ngân hàng, có thể sẽ có một sự chuyển dịch dòng tiền gửi giữa các ngân hàng do sự chênh lệch lãi suất hiện tương đối lớn. Bởi vậy sẽ khó tránh được việc một số ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất huy động để cạnh tranh, thu hút nguồn vốn phục vụ cho nhu cầu cuối năm.Không khó để nhận thấy chi phí đầu vào của các ngân hàng tăng nhanh sẽ không tránh khỏi những áp lực lên lãi suất đầu ra.
Dựa trên biến động lãi suất huy động, các ngân hàng sẽ tính toán lại mức lãi suất cơ sở (lãi suất dùng để xác định lãi suất cho vay sau thời gian điều chỉnh) lên cao. Từ đây, cộng thêm biên độ 3-4%, lãi suất cho vay có thể lên tới 11-13%/năm.Giới chuyên gia dự báo lãi suất ngân hàng thời gian tới sẽ khó hạ nhiệt, cả trong huy động và cho vay.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.
Bên cạnh đó, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020. "Lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng. Tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND", Thống đốc cho hay.
Bình luận