Tại Hội nghị đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chiều 3/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm, NHNN đã liên tục bốn lần điều chỉnh lãi suất, với mức giảm 0,5-2,0%/năm cho các loại. Mức lãi suất trung bình của ngân hàng thương mại cũng giảm 1,5 - 2% tùy loại. Nhiều ngân hàng đã có những khoản vay ưu tiên, ưu đãi.
Lãi suất cho vay cần về dưới 10%/năm
Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia và doanh nghiệp, mức giảm của lãi suất cho vay hiện vẫn chưa thấm vào đâu.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), cho rằng, mức giảm của lãi suất cho vay hiện chỉ mới tác động một phần tới tâm lý, chứ chưa thực sự trở thành đòn bẩy để vực lại thị trường bất động sản.
“Mức giảm hiện naychỉ có ý nghĩa tích cực với các đơn vị có nợ sẵn, họ vay để cơ cấu lại nợ, còn với người vay đầu tư mới gần như không có nhiều ý nghĩa. Đa phần các nhóm đầu tư trên thị trường vẫn đang chờ lãi suất giảm nhiệt. Giai đoạn này, nhiều đơn vị sẽ ưu tiên dành thời gian hoàn thiện hồ sơ pháp lý”, ông Toản nói.
Còn theo ông Phạm Anh Khôi, thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường Hội Bất động sản Việt Nam (VARS), biểu đồ lãi suất là yếu tố quyết định tới việc dòng tiền có quay lại thị trường bất động sản hay không. Nếu con số này vẫn neo cao, sẽ gây bất lợi cho thị trường.
"Trong trường hợp lãi suất cho vay chỉ "nằm vùng" quanh ngưỡng 12-13%/năm, dòng tiền nhiều khả năng vẫn bị đứng. Người giữ tiền mặt tạm thời cầm tiền quan sát, chờ đợi chứ không dịch chuyển tiền vào nền thị trường. Khi nào mức lãi suất cho vay về quanh mức 8-9% thì khi đó thị trường bất động sản mới phản ứng tích cực. Vì đây là ngưỡng mà các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay", ông Khôi nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG cũng kiến nghị nên hạ lãi suất trung hạn xoay quanh 8,5% cộng trừ như 2 năm trước đây.
Theo ông Minh, lãi suất trung hạn ở Việt Nam hiện vẫn khá cao, 5-6 tháng trước vào khoảng 12-14%, các doanh nghiệp không muốn vay, không dám vay, còn khách hàng nhiều người dồn tiền cho lĩnh vực khác thay vì chọn bất động sản.
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc nêu nhận xét, lãi suất đầu vào đã hạ nhiều nhưng lãi suất đầu ra, cho vay chưa hạ bao nhiêu. Người vay mua nhà hiện vẫn chịu lãi suất 11-12%, thực sự khó khăn để kéo thanh khoản bất động sản đi lên. Lãi suất cho vay phải giảm xuống dưới 10%, thị trường sẽ có tác động rõ nét hơn.
“Với doanh nghiệp bất động sản, bài toán lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí. Doanh nghiệp có dự án muốn bán giá hợp lý, giá rẻ nhưng chi phí đầu vào, nhất là chi phí lãi suất vẫn cao, chi phí giá thành như vật liệu xây dựng, nhân công không giảm…thì buộc giá bán nhà phải cao. Khi giá bán cao thì tính thanh khoản không tốt được”, ông Quyết phân tích.
Chính vì vậy, theo ông Quyết, phải làm sao lãi suất cho doanh nghiệp vay cũng phải giảm xuống 9-10% để các doanh nghiệp dễ “thở” hơn. Khi đó, sẽ có các nguồn hàng đẩy ra thị trường với giá tốt hơn.
Còn đối với người mua nhà, mức lãi suất mong muốn để họ sẵn sàng đi vay là dưới 8%/năm.
Cụ thể, khảo sát mới đây của Batdongsan.com.vn đã cho thấy, khi bàn về kỳ vọng lãi suất vay mua nhà trong năm 2023 - 2024, khoảng 44% người được khảo sát cho rằng mức lãi suất cho vay mua nhà dưới 8% là hợp lý để họ có thể xoay sở tài chính và kỳ vọng lãi suất sẽ giảm xuống mức này trong năm 2024.
Ngoài ra còn có 33% người mua nhà chấp nhận đi vay nếu lãi suất vay dao động từ 8 -10%, và chỉ có khoảng 14% đồng ý với mức lãi suất từ 10 - 13%.
Theo ông Lê Bảo Long, Giám đốc chiến lược của Batdongsan.com.vn, nguyên nhân khiến nhiều người mua nhà chưa dám mạnh dạn dùng đòn bẩy tài chính là do lo lắng kinh tế khó khăn, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh khiến họ gặp áp lực, không kham nổi lãi vay.
“Phần lớn nhóm gia đình có thu nhập dưới 40 triệu đồng/tháng chỉ có thể dành ra tối đa 20 triệu đồng đổ lại để chi trả cho việc mua nhà đất hàng tháng. Nhóm đối tượng có thu nhập trên 40 triệu đồng/tháng cũng chỉ có thể chấp nhận chi phí dành cho trả nợ mua nhà cố định hàng tháng không vượt quá 30 triệu đồng. Với nhóm khách hàng thu nhập thấp, dưới 20 triệu đồng/tháng thì con số này rơi vào tầm 8 - 10 triệu đồng là tối đa”, ông Long chia sẻ.
Thủ tướng chỉ đạo NHNN rà soát để DN, người dân tiếp cận được vốn tín dụng
Kết luận tại Hội nghị đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản chiều tối 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo NHNN rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản, có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, người mua nhà tiếp cận được vốn tín dụng. Phải chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý quan tâm phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. Đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần chú trọng công tác này, thực hiện thực chất, hiệu quả, không hình thức.
"Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án sắp hoàn thành", Thủ tướng nói.
Bình luận