• Zalo

Lại mắc 'bẫy' thương lái Trung Quốc, dân Khánh Hòa điêu đứng

Kinh tếThứ Tư, 11/06/2014 07:19:00 +07:00Google News

Rong mơ tiếp tục là mặt hàng nằm trong chiến dịch mua vét nguyên liệu nông sản gây rối loạn thị trường của thương lái Trung Quốc.

Rong mơ tiếp tục là mặt hàng nằm trong chiến dịch mua vét nguyên liệu nông sản gây rối loạn thị trường của thương lái Trung Quốc.

Tại Khánh Hòa, những ngày này rong mơ phơi khô của người dân xã Ninh Phước, Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đang rơi vào tình cảnh "phải đắp đống".

Lý do là vì giá rong mơ bị sụt giảm nghiêm trọng, hiện chỉ ở mức  3.000-3.200 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với giá hồi đầu năm.

Trả lời báo chí, bà Trà Thị Bông Sen – chủ tịch UBND xã Ninh Vân, địa phương có nhiều người dân lặn biển hái rong mơ ở tỉnh Khánh Hòa – cho biết nguyên nhân giá rong mơ sụt giảm mạnh vì các thương lái Trung Quốc ngừng mua, còn các đầu mối người Việt làm trung gian chỉ mua cầm chừng vì không còn nơi chứa rong.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, diện tích phân bố các thảm rong mơ ở Khánh Hòa ước hơn 1.167ha, trữ lượng khoảng 7.302 tấn rong khô/năm, tập trung ở các khu vực như vịnh Vân Phong, đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh.

lông mơ
Người dân xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) phơi rong mơ sau khi lặn vớt từ biển (Ảnh: TTO) 

Mùa thu hoạch rong mở kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, tuy nhiên từ năm 2010, các thương lái Trung Quốc thường mua nhiều rong mơ vào tháng 2 nên không ít người dân đã thu hoạch rong non để bán cho họ, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt loại rong này.

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, năm nay Trung Quốc dần hạn chế mua rong mơ, rồi cả tháng 5 hầu như không mua sản phẩm này nữa.

Tình trạng thương lái nước ngoài mua vét nguyên liệu nông sản, thủy, hải sản gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh trong nước là vấn đề gây bức xúc thời gian qua.

Trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho hay, hiện tượng này đã được Bộ kiểm soát và không còn xuất hiện nữa.

Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 6, báo chí phản ánh tình trạng người dân miền biển các tỉnh Cà Mau, An Giang, Kiên Giang… ồ ạt “vét biển” để tìm nguồn banh lông, bán cho thương lái Trung Quốc rồi phải nhận thua "đau đớn".

Vẫn bài học cũ, sau khi đẩy giá con banh lông với giá “khủng” 1-2 triệu/kg thì nay, tại Kiên Giang, giá của sản phẩm này chỉ còn bằng 1/10.

Nhiều người dù không hiểu gì về giá trị con banh lông, nhưng do lợi nhuận đã mạo hiểm dồn hết tất cả vốn liếng để chuyển đổi sản xuất, tập trung vào việc khai thác banh lông bán cho thương lái Trung Quốc.

Để rồi khi thị trường đang trong cơn sốt ảo, họ “vô tình” biến mất, để lại những khoản nợ khổng lồ cho người dân.

Cũng trong 3 tháng đầu năm 2014, các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin thương lái nước ngoài thu mua cây huyết đằng tại tỉnh Kon Tum, lá khoai lang tại tỉnh Vĩnh Long, cây culi, cây lông khỉ (cây kim mao cẩu tích) tại Nghệ An, mầm thảo quả tại Hà Giang...

Thế nhưng, cũng tại báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Hoàng cho biết, báo cáo từ các địa phương thì sự thực lại không hoàn toàn phải như vậy.

Cụ thể tại Vĩnh Long, trên địa bàn có thương lái người Trung Quốc đứng ra thu mua lá khoai lang với số lượng không giới hạn, nhưng giờ cũng không mua nữa.

Hoạt động thu mua cây culi, cây lông khỉ (cây kim mao cẩu tích) tại Nghệ An cũng đã diễn ra từ năm 2013, còn hiện nay không có thương nhân (cá nhân) người Trung Quốc thu mua, báo cáo viết tiếp.

Riêng với việc thu mua mầm thảo quả tại Hà Giang, Bộ trưởng cho biết theo báo cáo nhanh của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh này thì sau khi xác minh đã xác định là không có hiện tượng thương nhân Trung Quốc thu mua thảo quả trên địa bàn như các báo đã đưa tin.

Còn tại Kon Tum không có hiện tượng thương lái người Trung Quốc tổ chức thu mua cây huyết đằng, mà chỉ có các đại lý thu mua cây huyết đằng là người địa phương.

Thực tế những hoạt động thu gom nông, thủy, hải sản từ trước tới nay đều do trung gian là người Việt thu mua rồi bán lại cho thương lái Trung Quốc.

Đã có nhiều bài học cho nông dân Việt Nam khi ham lợi trước mắt mà bán hàng cho thương lái Trung Quốc, như mua râu ngô non, chè vằng, chè bẩn, sừng trâu, thậm chí là… đỉa. Sau “cơn sóng” chè bẩn hồi năm 2011 đến vụ thu mua đỉa làm đảo lộn nhiều vùng quê, đe dọa môi trường sinh thái, bây giờ, vùng trồng dứa, khoai lang, sầu riêng ở nhiều vùng thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đang sống dở chết dở vì sự “đỏng đảnh có chủ ý” của thương lái Trung Quốc.

Ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), cho rằng thực chất ở đây thương lái Trung Quốc đã tạo ra nguồn cung ảo, cầu ảo và loại cung ở đây là không có giá trị.

Lý do là họ có thể thổi giá nguồn cung tùy ý vì không có giá trị, như con đỉa thì làm sao xác định được giá nó là bao nhiêu, không ai biết nó có giá trị sử dụng thế nào. Khi đã thổi được giá, thao túng được thị trường thì họ… biến luôn.

Cuối cùng, người dân và thương lái nước ta lại mua chính hàng mình đã bán, hàng hóa không tiêu thụ mà chỉ chuyền tay qua lại và thương lái Trung Quốc kiếm lợi nhuận, còn ai ôm hàng thì mang nợ, nông dân thì làm hại ruộng vườn mình. Chiêu bài này họ làm hoài được vì lòng tham.

Theo Thái An/Baodatviet

Bình luận
vtcnews.vn