• Zalo

Lạ lùng nơi người dân không được bén mảng ra mộ tổ tiên

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 19/11/2013 01:16:00 +07:00Google News

Khi đã đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng thì không được phép quay trở lại nghĩa địa với bất cứ lý do gì.

Ở bản Bạch Sơn (xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, Nghệ An), người dân quan niệm rằng, khi đã đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng thì không được phép quay trở lại nghĩa địa với bất cứ lý do gì.


Những ngày mùa Đông mưa rét, đường vào bản Bạch Sơn càng trở nên khó khăn hơn. Chiếc xe máy của chúng tôi phải "oằn mình" xả khói đen mù mịt mới vượt qua những con dốc cao đầy ổ voi, ổ gà. Sau rất nhiều những nỗ lực, những căn nhà sàn của bà con dân tộc Thái trong bản đã thấp thoáng hiện ra dưới màn sường mù mịt của núi rừng.

Len lỏi qua từng con đường nhỏ, chúng tôi cũng tiếp cận được khu nghĩa địa của người Thái, nơi từ bao đời nay, không một ai dám đặt chân đến bởi một quan niệm rất lạ: Sợ người chết không được yên ổn nơi chín suối. Bà Can Thị Lâm (SN 1976) đang dở tay làm cỏ dưới ruộng lúa vừa nói chuyện với PV: "Vào đó là có "ma" đấy. Bao đời nay ở đây, chúng ta cũng có dám vào đâu. Nguy hiểm lắm, các chú nên tìm hiểu xung quanh thôi, đừng vào tận nơi mà bỏ mạng đó...".

Bà Lô Thị Thơm (68 tuổi), người được xem là dũng cảm nhất trong vùng, dám chọn một mảnh đất gần khu nghĩa địa để dựng lều canh tác cho biết: "Nghĩa địa này có cách đây 60 - 70 năm. Trong bản khi có người chết đều được chôn cất theo phong tục truyền thống của đồng bào người Thái".

nghệ an
Khu nghĩa địa của bản Bạch Sơn được bao bọc toàn cây cối 

Nghe vợ tiếp chuyện với khách, ông Lương Văn Hoàn (72 tuổi, chồng bà Thơm) nói với ra ngoài: "Dân ở đây, ngoại trừ ngày táng chôn cho người chết thì không được đặt chân vào khu nghĩa địa đó dù chỉ là nửa bước".

Để chứng minh lời nói của ông Hoàn là đúng, bà Thơm khẳng định: "Gia đình tôi có 6 chị em, 3 trai, 3 gái. Sau khi bố mẹ chúng tôi mất, ngoại trừ ngày chôn cất (táng) ra, chúng tôi không ai được phép đặt chân vào khu nghĩa địa đó. Chính vì vậy, bây giờ phần mộ của bố mẹ nằm ở đâu, chị em tôi cũng chịu. Ngày Tết, thấy dân dưới xuôi lên đây làm ăn thi nhau đi tảo mộ, tưởng nhớ người chết, chúng tôi nghĩ cũng chạnh lòng. Nhưng quan niệm từ đời xưa đến nay thế rồi, chúng tôi đành chịu".

Theo hướng tay bà Thơm chỉ, chúng tôi mới biết, nơi cây cối um tùm, rậm rạp phía trước là khu nghĩa địa được xem là đặc biệt của bản làng. Sau một hồi thuyết phục, bà Thơm cũng đồng ý dẫn chúng tôi đường vào khu nghĩa địa. Tuy nhiên, khi đến gần, bà Thơm nói lời thông cảm rồi bỏ mặc chúng tôi và quay lại căn lều của mình.

Được biết, cách đây khoảng 4 năm, do quy hoạch mới của huyện nên nghĩa trang của bản được chuyển ra một nơi khác. Cũng từ đây, khu nghĩa trang cũ vốn hoang vu nay càng rậm rạp đủ loại cây rừng. Do những ngôi mộ không được đắp cao theo phong tục nên kể cả khi đã ở trung tâm của khu nghĩa địa, chúng tôi cũng không thể phân biệt được chỗ nào có xác người chết ở phía dưới. Và có một điều đặc biệt, dù có thêm nghĩa trang mới nhưng quan niệm cũ vẫn tồn tại. Nghĩa là, ngoài những lần đi đưa người chết, không ai được đến thăm nghĩa địa với bất cứ lý do gì.

nghệ an
Ông Căn Văn Thường, trưởng bản Bạch Sơn chia sẻ về phong tục lạ kỳ ở bản 

Bản Bạch Sơn có hàng trăm hộ dân và tất nhiên, không phải 100% người dân thực hiện theo quan niệm của tổ tiên. Theo người dân nơi đây, đó một điều rất kỳ lạ, những ai cố tình vượt qua lời nguyền để bước chân vào khu nghĩa trang đặc biệt ấy một cách trái phép, thì y như rằng, gặp chuyện chẳng lành.

Theo lời ông Hoàn thì theo phong tục địa phương, người dân chỉ tổ chức lễ chôn cất một lần và không ai được đến thăm mồ của người đã khuất, kể cả tảo mộ vào dịp Tết Nguyên đán. Họ quan niệm rằng, nếu đến, linh hồn người chết sẽ theo họ về nhà để phá phách. Hơn nữa, những hành động như phát quang ngôi mộ sẽ làm cho ngôi mộ đang yên trở nên bị động (gọi là động mồ) từ đó sẽ xảy ra chuyện không hay.

Cách đây 3 năm, ông Lô Văn Việt (SN 1969) bất chấp phong tục, cùng gia đình mang hương hoa đến thắp hương tại ngôi mộ người đã khuất gần dịp Tết Nguyên đán. Hành lễ xong và trở về nhà, cả gia đình của ông Việt không hiểu sao đồng loạt lăn ra ốm?.

Tết năm ấy, cả nhà ông Việt không ai dám đi đâu, chỉ ở nhà thắp hương tạ tội. Thật ra chuyện cả nhà ông ốm, cũng như chuyện người chết sẽ theo về và cuộc sống của người trần sẽ không được yên ổn? Chỉ là những trùng hợp ngẫu nhiên không liên quan đến ma quỉ gì ở đây...

Trưởng bản Bạch Sơn, ông Lang Văn Thường chia sẻ: "Khu nghĩa địa đó không hẳn là đáng sợ như vậy. Tôi cũng từng nghe nhiều người đồn đại về sự trừng phạt của "ma". Tuy nhiên, bình thường tôi vẫn làm rẫy xung quanh khu nghĩa địa mà có thấy hiện tượng gì xảy ra đâu. Có chăng, theo phong tục của người dân bản thì mình nên tôn trọng nơi yên nghỉ của những người đã khuất, nghĩa là không bao giờ được vào sau khi chôn cất".

Vừa nói, ông Thường vừa dẫn chúng tôi đến xem những nương lúa đang thời kỳ phát triển rất tốt của gia đình bên cạnh khu nghĩa trang đầy lời đồn đoán ấy. Cũng theo ông Thường: "Với người trong bản thì việc ma chay họ chỉ tổ chức đúng một lần nên những ngôi mộ theo thời gian sẽ chìm xuống, bằng phẳng với lòng đất chứ không thành nấm mồ như ở dưới xuôi. Tuy nhiên, việc không vào, không phát quang nơi chôn cất là có vì đó là phong tục. Đến ngày lễ giỗ, con cháu thành tâm vẫn có thể thắp hương ở nhà nhưng tuyệt đối không được thắp ở ngoài nghĩa địa theo đúng như truyền thống để lại".

Cùng suy nghĩ với ông Tường, cụ Lô Đình Niên (76 tuổi) cho biết: "Nghe người ta đồn đại đã nhiều nhưng theo tôi sự việc chưa hẳn đã như vậy. Có thể, do những người đó bị ốm đau, bệnh tật lại đi vào vùng rừng sâu, xác người chết đang phân hủy nên dễ bị trúng gió sinh ra ốm đau mà thôi".


TheoLê Giáp - Hà Hằng (ĐS&PL)

Bình luận
vtcnews.vn