Thiên hạ đệ nhất… ngón
Thử gõ vào trang tìm kiếm google.com.vn, cụm từ “người nhiều ngón tay, ngón chân nhất” thì kết quả cho thấy, trên thế giới chỉ có duy nhất một em bé tận bên Ấn Độ là người có nhiều ngón tay, ngón chân hơn những thành viên trong gia đình chị Keo.
Chú bé có tên Akshat ấy có 14 ngón tay và 20 ngón chân được ghi vào kỷ lục thế giới là người có nhiều ngón tay, ngón chân nhất. Còn ở Việt Nam, chỉ mới nghe nói có người 6 ngón, chưa ai có tới 12 ngón tay, 14 ngón chân cả. Chú bé người Ấn Độ chỉ có một mình, nếu tính cả gia đình thì có lẽ chẳng ai nhiều ngón hơn nhà Hồ Thị Keo.
Có lẽ vì vậy mà khi chúng tôi vào bản Ka Ai, ngồi chưa ấm chỗ, trưởng bản Hồ Xuân Triêm đã kéo ngay đến nhà chị Keo để khoe. Ông khoe như thể đó là kỳ tích của người Mày ở miền biên viễn này vậy: “Bốn người, mỗi người 26 ngón, 12 ngón tay, 14 ngón chân, tổng cộng là 104 ngón tay, chân luôn”, phép cộng của vị trưởng bản, người hiếm hoi biết tính, biết chữ ở Ka Ai.
Có lẽ ngón tay, ngón chân là tài sản lớn nhất của gia đình Hồ Thị Keo bởi nhà họ nghèo lắm. Cái nghèo không chỉ chung chung như bao hộ dân người Mày khác ở đây mà có phần thê thảm hơn nhiều.
Chồng chị là Hồ Thanh mất từ khi chị sinh đứa út chưa đầy một tuổi. Ngoại trừ căn nhà được nhà nước dựng cho cái hồi người Mày chuyển từ rừng núi trong khe nước rụng, điểm khởi nguồn sông Gianh ra Ka Ai thì 4 con người chỉ có một bộ nồi niêu xoong chảo là có giá. Nhà trống huơ trống hoác, đến như cái giường cũng chẳng có, cả nhà cuốn chiếu ngủ sàn bên bếp lửa.
|
Còn chị Keo, chị nào có biết di truyền là gì đâu. Chị nói tiếng Kinh không sõi, không nhớ tuổi của mình, không biết chữ, thậm chí đến tên tuổi của con mình chị cũng phải bóp trán một lúc lâu thì nói chuyện di truyền e là không phù hợp.
Ngồi lỏng thỏng bên cầu thang gỗ nhà sàn, chị Keo lần lượt xòe hết các ngón tay chân để chúng tôi quan sát. Trời ạ. Đôi bàn tay chị Keo 5 ngón giống người thường nhưng ở chân hai ngón út mọc thêm hai “củ lạc” chìa thẳng ra hai bên.
Còn đôi bàn chân, một bàn gần như không có kẽ chân, 5 ngón đều nhau khin khít, trên ngón út và ngón cái mọc thêm 2 ngón tõe ra khiến bàn chân chị chẳng khác nào một nải chuối đều đặn có thêm hai trái thừa. Một bàn nữa thì lại khác, ngón nào cũng tõe. Tôi thử ướm bàn chân mình, cố xòe hết cỡ tất cả các ngón cũng chỉ đủ hai phần ba dấu chân của chị. Mới đầu nhìn sờ sợ, nhưng nhìn mãi cũng quen, cũng chỉ thấy hơi lạ mà thôi.
Mẹ chị, bà Keng nói một tràng tiếng Mày, đại ý là đẻ ra đã thấy như thế rồi, càng lớn thì các ngón chân thừa đều phát triển như những ngón khác. Vừa nói, bà Keng vừa chỉ tay lên mặt chị Keo, sẹo chi chít. Đó là vết tích những năm tháng người Mày sống trong rừng, mỗi lần đi lại do bàn chân cồng kềnh quá nên chị Keo vấp ngã mỗi lúc lên nương, vướng cây cỏ.
Thuở vừa sinh ra chị, người Mày ở miền biên viễn này vốn dĩ sợ ma có thêm cơ hội để mặt xanh mắt trố. Họ cho rằng mẹ con chị đã bị con ma rừng làm cho ra nông nỗi ấy. Chốn núi rừng vốn cô độc, cộng thêm sự kỳ thị nên Hồ Thị Keo gần như chỉ có cơ hội nói chuyện với mẹ mình.
Căn nhà trống hơ trống hoác của gia đình chị Keo |
Lại thêm chuyện mấy năm trước, chẳng hiểu vì sao chồng chị đột tử, không rõ nguyên nhân, những lời dị nghị về ma quỷ lại rộ lên trong bản Ka Ai. Cũng may, nhờ có Tổ công tác của Đồn biên phòng Cha Lo che chở, vận động dân bản cảm thông và chia sẻ nên gia đình chị cũng có một cuộc sống yên bình.
Khổ vì nhiều ngón quá
Thành thử, bà Keng và chị sống bằng nguồn gạo trợ cấp của Chương trình 30a. Nguồn gạo ngày càng ít ỏi, những gia đình khác còn có thêm nương rẫy, có thêm sắn, thêm ngô, hay ít ra cũng chăn nuôi được con lợn, con gà, còn như bà Keng, chị Keo thì chịu. Mấy đứa con cũng được hỗ trợ gạo, nhưng không đủ ăn nên phải vào rừng đi săn, lên rẫy cắt cây chổi chít về đổi gạo.
Cả gia đình chỉ mỗi thằng Kẹc biết chữ, nó học khá giỏi nhưng không ai chắc có tiếp tục được học không vì nhà nghèo quá. Nó phải phụ giúp gia đình kiếm ăn bằng việc đi cắt chổi chít. Đám trẻ như nó một ngày có thể cắt được gần 5 kg, mỗi kg 4 ngàn, được 20 ngàn, riêng thằng Kẹc chỉ cắt được tầm phân nửa vì vừa leo núi vừa phải gỡ cỏ ở chân.
Thằng Cào có đi học nhưng chỉ được vài ngày. Những buổi đầu tiên đến trường, mặc cảm về đôi bàn tay, bàn chân kỳ lạ, cộng thêm những lời dị nghị, chỉ trỏ của bạn bè càng khiến nó thêm quyết tâm để bỏ. Bây giờ nó là trụ cột kinh tế của cả gia đình. Nó theo cánh đàn ông trong bản vào rừng săn chuột, đi biền biệt có khi cả tuần mới ghé về nhà một lần.
Đêm vùng cao Ka Ai khá lạnh, cả gia đình chị Keo giữ ấm cho những đôi bàn tay, bàn chân kỳ lạ bằng cách ngồi bên bếp lửa. “Khổ nhất là mùa đông, đường đất lầy lội mà họ cứ chân trần lội khe, lội suối. Bổ (ngã) thường xuyên”, trưởng bản Triêm nói giọng đầy chia sẻ.
Ở đời ai chẳng có ước mơ. Ước mơ của gia đình có những bàn tay, bàn chân kỳ lạ này thật giản dị, họ mơ có được một bữa cơm thật no. Với riêng chị Keo, dù không suy nghĩ được sâu xa như người khác nhưng nhìn những đứa con dị thường của mình, không ít lần chị giấu nước mắt thầm ước chúng được trở thành người bình thường, lành lặn như bao đứa trẻ khác.
TheoNNVN
Bình luận