Nhìn người đàn ông gầy gò ngày đi lang thang ăn mày, đêm lấy nghĩa địa làm chốn nghỉ ngơi, ai cũng cảm thương. Ít ai biết, ông đã từng là đại gia đất Cảng, lẫy lừng trong giới buôn đồ cổ. Theo lời ông kể, thời hưng thịnh của nghề, ông mang tiền về cho vợ tiêu không biết tiếc, để rồi đến lúc mạt vận, lại bị chính vợ con mình hắt hủi, đánh đập.
Một thời đại gia phố huyện
Chúng tôi tìm gặp ông Trần Văn Tuấn (SN 1941, ngụ thôn 4, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) khi ông đang cư ngụ trong căn phòng khoảng 15m2 được cho ở nhờ. Đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá.
Ông lão 73 tuổi gương mặt khắc khổ đã phủ kín những nếp nhăn, chiếc áo mỏng không ngăn được cơn gió lạnh làm ông co ro. Nhưng nhắc đến “thời kì hoàng kim”, khuôn mặt ông bỗng ánh lên niềm vui sướng.
Ông kể mình lấy vợ là do gia đình sắp đặt, đến nay đã được 53 năm. Ngày ấy, ông đến ở rể nhà mẹ vợ. Ban đầu ông bươn chải với đủ nghề từ bán thịt chó, đội đá, làm thuê để nuôi sống gia đình. Sau này, với khả năng buôn bán đồ cổ, ông “phất” lên nhanh chóng.
Những đỉnh đồng, lư hương, câu đối… mang về số tiền không hề nhỏ. Lần lượt sáu đứa con ra đời khiến cuộc sống thêm phần hạnh phúc. Trong khi mọi người phải đi lao động vất vả, vợ ông chỉ ở nhà chăm con, tiền bạc ông mang về tiêu không biết tiếc.
Ông lão cho rằng bị vợ con hắt hủi, đánh đập. |
Năm 1980, ông tân trang lại căn nhà dột nát bằng một ngôi nhà hai tầng khang trang kiên cố. Trong khi nhiều người chỉ cầu đủ ăn, thì xây được nhà như ông là cả niềm mơ ước. “Đại gia” mua thêm khoảng 400m2 đất “sát nhập” vào mảnh đất cũ để làm vườn, đào ao thả cá, trồng cau.
Khoảng gần 4 năm sau, ông Tuấn tiếp tục mua một mảnh đất 525m2 xây dựng ngôi nhà thứ hai hoành tráng không kém. “Lúc đó, tiền kiếm được không phải ít, tính tôi hay tích vàng, có bao nhiêu đều đưa cho vợ cất giữ. Xây nhà xong, ở chưa được bao lâu, con trai trưởng sang ở nhờ, rồi sau này chiếm làm của riêng luôn. Tôi bất bình định làm đơn thì nó chửi không thương tiếc, thậm chí đánh đập, xé tờ đơn tôi viết”, ông ngậm ngùi.
Buồn bã, chán nản, ông Tuấn lại rong ruổi với những chuyến hàng buôn đồ cổ, tiền bạc có bao nhiêu, ông đổ dồn vào xây dựng tiếp căn nhà thứ 3 với hi vọng đây sẽ là chỗ trú chân cuối cùng.
Nhưng với ông điều này là sai lầm, ông tiếp tục bị người con trai thứ hai hắt hủi. Bao nhiêu hi vọng đổ bể, ông cùng vợ về lại căn nhà trước đây từng ở rể. Từ đây cũng chính là những ngày tháng ông bị vợ dằn hắt, con xua đuổi, đánh đập tàn nhẫn.
Đại gia đắng cay chui gầm giường chứng kiến vợ ngoại tình
Mười năm trước đây ông bị vợ đuổi đi bởi bà cho rằng căn nhà ông đang ở là nhà mẹ đẻ mình, ông chỉ là ở nhờ. Người con trai út lúc này cũng đồng tình với mẹ, thường xuyên xúc phạm cha.
“Cuộc hôn nhân của tôi xuất phát không từ tình yêu nhưng tôi rất thương bà ấy, của cải vàng bạc có bao nhiêu tôi đều đưa cho bà ấy giữ. Nhưng có lần vì nghi ngờ ghen tuông tôi có tình cảm với một người trong xóm, bà ấy rạch mặt người ta.
Có lần 3h sáng bà ấy vùng dậy đòi đi trạm xá, đến nơi thì nói tôi về đun nước. Tôi thấy nghi ngờ, giả bộ đồng ý nhưng kỳ thực là chui dưới gầm giường để rình. Không ngờ, bà ấy ở phía trên hú hí với tình nhân”, ông cay đắng kể lại.
Lúc ấy ông chỉ nhịn nhục im lặng bỏ về, sợ nếu làm lộ ra thì hàng xóm bàn tán “xấu chàng hổ ai”. Từ đó, cuộc sống hôn nhân thêm nhiều vết rạn, hai vợ chồng đã ly thân cách đây nhiều năm. Sống trong căn nhà đó, ông Tuấn thường xuyên bị đánh đập đôi khi chỉ vì không ưa điều gì.
Ông Tuấn có một người con riêng, sau này đón về nhà nuôi. Trong khi những người khác được ăn bún, phở thì ông và cậu bé chỉ được ăn cơm nguội lót dạ. Nhiều lần thấy bất lực trước hoàn cảnh, ông lão khóc nhưng chỉ nhận được những cái nhìn lạnh lùng từ phía vợ con.
“Một lần thằng con tôi nói “sẽ không nấu cơm cho thằng già này ăn nữa”, tôi không chịu được nữa, tay trắng ra đi”, ông lão nghẹn ngào.
Ra đi ông Tuấn không có tiền, lang thang nhiều nơi. Cũng nhiều lúc xấu hổ vì có người biết mặt, nhưng cái đói cứ hành hạ khiến ông phải hành nghề ăn xin.
Lần đầu tiên, ông phải nói dối là xin cơm cho con chó ở nhà. Lúc mang đi, vừa ăn ông vừa thấy nghẹn đắng nơi cổ họng. Đêm về, “giường ngủ” của ông là nền xi măng lạnh lẽo nơi bậc thềm nghĩa trang liệt sĩ Thủy Đường.
Sống lay lắt với nghề ăn xin được khoảng gần một năm, ông Tuấn nghĩ đến việc sẽ ly hôn vợ. Dành dụm được số tiền ít ỏi từ việc ăn xin, ông nộp đơn hi vọng mình sẽ được giải thoát. Nhưng ông nhận được những lời tuyên bố từ vợ: “Không chấp nhận ly hôn”.
Ba căn nhà đều do ông một tay xây dựng, nhưng ông lão đều không được ở. Con trai út còn tuyên bố xây nhà ngang, tường hoa, cổng và sân nhà. Nhưng ông cho biết điều đó là bịa đặt bởi con ông sinh năm 1972, những công trình trên được xây năm 1980. Không lý nào một người con mới 8 tuổi mà đã xây dựng được như vậy.
Con cho rằng bố bị tâm thần?
Đưa phóng viên về lần lượt ba căn nhà mình từng xây dựng, nơi nào ông cũng dừng lại thật lâu ngắm nghía, thở dài, rồi những giọt nước mắt chực trào. Không ngôi nhà nào ông dám vào, bởi ông cho biết, họ sẽ đuổi mình đi không thương tiếc.
Tìm đến nơi ở của vợ và con út ông Tuấn, phóng viên nhận được câu trả lời lạnh lùng của một người con: “Ông ấy bị thần kinh, suốt ngày đi nói xấu vợ con”. Ngỏ lời muốn gặp bà vợ của ông, người con thông báo: “Mẹ tôi đang ốm nặng, không muốn cho người ngoài tiếp xúc”.
Ngày 6/12/2013 vừa qua lẽ ra tòa xét xử phúc thẩm việc ly hôn giữa hai ông bà, tuy nhiên vợ ông Tuấn viện lý do sức khỏe đã không đến được. Phiên tòa tạm hoãn.
Theo những người con, cha mình đi khỏi gia đình đã gần 20 năm nay. Một mình bà mẹ phải lo lắng cho con cái, còn ông đi vào Nam suốt, một năm về được vài ngày, có lần 3 năm với về một lần.
Ông từng có một đứa con riêng ở Nha Trang, sau này được mọi người thương tình đón về nuôi. Tuy nhiên, một thời gian sau cậu bé ăn cắp đồ khiến mọi người bất bình. Lên chùa ở một thời gian, sau này cậu bé được trả về Nha Trang.
“Có ai như mẹ tôi đón con riêng của chồng về nuôi dưỡng không? Mẹ tôi đã khổ nhiều rồi, chúng tôi cũng không muốn ở tuổi “gần đất xa trời” rồi mà ông còn làm khổ bà nữa”, người này nói.
Nói về việc ông Tuấn tố bị bạo hành, những người con chỉ lắc đầu. Họ cho rằng đó chỉ là những chuyện ông bịa đặt ra để sớm được giải quyết ly hôn. “Mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng, chúng tôi rất buồn vì việc ông đi bêu xấu vợ con như vậy. Mảnh đất này là của bà ngoại chúng tôi để lại, không thể để ông bán đi được”, người con trai út nói.
Hàng xóm bất bình
Đi một vòng xung quanh xóm để tham khảo ý kiến người dân, một số người nhận đinh: “Mấy mẹ con bà ấy ghê lắm, chỉ cần không vừa ý điều gì là lôi nhau vào tận nhà người khác chửi, không để yên đâu. Làm gì có chuyện ông ấy bị tâm thần, ông ấy còn minh mẫn lắm, đi chữa bệnh cho nhiều người ấy chứ”.
ông Tuấn giới thiệu những ngôi nhà này đều do ông bỏ tiền bạc, công sức ra xây dựng |
Theo một số người dân, trước đây ông Tuấn rất giàu có, sống rất hiền lành. Có tiền, ông đã không ít lần cho những người nghèo gần đó. “Tội nghiệp ông lão, đưa hết tiền cho vợ, xây được 3 ngôi nhà khang trang giờ lại bị đuổi đi như vậy. Việc ông bị bạo hành đánh đập là có thật. Hi vọng là ông ấy lấy lại được một phần tài sản để có chỗ nương tựa tuổi già. Chứ cứ lang thang, thi thoảng về ngắm nhà tội nghiệp lắm”, một hàng xóm nói.
Một người thân trong gia đình thì cho biết: “Có lần ông Tuấn đang nằm ở võng, bà vợ ra chặt đứt võng, khiến ông ngã lăn. Cũng có lần ông ấy đang rót nước vào phích, người con trai thẳng tay hất vào mặt mặc ông lão kêu than. Ông còn bị cậu này lấy lư hương ném vào khiến ông ngã quỵ. Vậy mà chúng vẫn chưa tha, tiếp tục dùng áo siết cổ ông lão.”.
Chủ nhà trọ đã cho ông Tuấn ở nhờ trong suốt gần hai năm qua cho hay, trước đây đi làm xe ôm, thấy ông ngủ ở nghĩa trang lạnh lẽo nên thương cảm cho về ở nhờ. Hai năm nay, không thấy một người thân thích nào của ông đến thăm. Những ngày tết, vợ chồng chủ nhà tốt bụng lại biếu ông cặp bánh chưng, chút tiền lì xì. “Tôi cũng được nghe kể về việc ông bị vợ con đánh đập mới bỏ đi. Thấy ông ngủ ở nghĩa trang nên thương tình tôi đưa về nhà. Dù mọi chuyện ra sao, nhưng giúp người già là điều đáng làm”, anh chia sẻ.
Bình luận