Dù độ quyết liệt của ông Hải trong nỗ lực dẹp nạn ''ăn cướp'' vỉa hè ở TP.HCM ít người sánh, nhưng không nhiều người nghĩ ông lại dứt khoát xin nghỉ đúng như lời hứa ''không dẹp được vỉa hè sẽ về vườn''.
Theo dõi sát nỗ lực dẹp nạn ''cướp'' vỉa hè ở quận 1 TP.HCM, người ta mong mỏi nếu quận nào, thành phố nào cũng có nhiều ông Đoàn Ngọc Hải, chắc chắn họ sẽ được an toàn hơn; vỉa hè nơi họ sinh sống sẽ bớt bệ rạc, nhếch nhác, bẩn thỉu, vô tổ chức, vô pháp luật, đầy rẫy hiểm nguy...
Bao nhiêu ấm ức dồn nén bấy lâu do bị những kẻ vô văn hoá, vô cảm chiếm hết vỉa hè, đẩy vào chốn hiểm nguy, không ai đứng ra giải quyết nay được dịp tuôn trào.
Những danh xưng bày tỏ sự yêu mến hiếm thấy dành cho một người lãnh đạo cấp quận xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội và trên báo chí. Người ta gọi ông Hải là ''người hùng'', là ''hot man''.
Ông đi dẹp nạn cướp vỉa hè không quản đêm hôm. Ông không ngán va chạm, cẩu cả xe biển xanh của cơ quan trung ương, cẩu bốt gác công an, đập cả trụ sở dân phố, thậm chí yêu cầu xử phạt cả nhà hàng của mẹ vợ để “Mục tiêu là xây dựng khu vực quận 1 sạch đẹp như Singapore” và “Không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn.”
Hôm nay, ông về vườn thật. Ông nói là làm, đúng như những gì ông đã thể hiện theo tinh thần “dĩ công vi thượng” rất quyết liệt. Ông về vườn vì chiến dịch dẹp nạn cướp vỉa hè do ông làm chủ công đã thất bại hoàn toàn.
Những nỗ lực của ông và các cơ quan chức năng sát cánh cùng ông đã trở về con số 0 tròn trĩnh. Vỉa hè quận 1 lại bị ''tàn sát'' không thương tiếc, lại trở nên nhếch nhác như nó vốn có trước đây; người đi đường lại bị đẩy xuống lòng đường lẫn vào dòng xe vun vút và có thể bị tông chết bất kỳ lúc nào.
Người hùng cô đơn
Vì sao ông Hải lại ''cởi áo về vườn''? Có phải vì “Việc xử lý hành vi lấn chiếm lòng, lề đường đã động chạm đến lợi ích rất to lớn hàng ngàn tỉ của các bãi ôtô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó” như viết trong đơn từ chức đã làm ông Hải nản chí?
Không phải. Ông nói rõ: “Là người cán bộ đảng viên, tôi đã kiên định vượt qua mọi khó khăn, sự chống phá công khai và ngấm ngầm, sự đe doạ đến sinh mạng bản thân và gia đình từ phía các đối tượng mất đi nguồn lợi phi pháp từ lấn chiếm tài sản công và không gian sống của xã hội.”
Một mình ông phải chống đỡ sự phản kháng quyết liệt của những kẻ “mất đi nguồn lợi phi pháp” và bên kia là sự chần chừ, do dự, nếu không muốn nói là mang tính “cơ hội” “mị dân” của bộ máy, của cấp trên ông.
Ông cô đơn giữa những lãnh đạo của mình. Một mình ông phải chống đỡ sự phản kháng quyết liệt của những kẻ “mất đi nguồn lợi phi pháp” và bên kia là sự chần chừ, do dự, nếu không muốn nói là mang tính “cơ hội” “mị dân” của bộ máy, của cấp trên ông.
Điển hình của việc dội những gáo nước lạnh vào ngọn lửa đang rực cháy quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ, cho thành phố văn minh là phát biểu của ông Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 15/11/2017: “Có những gia đình buôn bán trên vỉa hè nuôi cả gia đình, làm không khéo sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, đặc biệt người dân nghèo. Phải có kế hoạch căn cơ, chứ đẩy đuổi là không nhân văn.”
Trước một chủ trương lớn như vậy, đáng lẽ chính quyền TP.HCM phải thống nhất từ trên xuống dưới rồi mới thực hiện. Đằng này, khi cán bộ của mình - với sự nhiệt huyết tả xung hữu đột, đi đầu giành lại vỉa hè - bị chỉ trích, ông Phong lại góp thêm tiếng nói ủng hộ cho những kẻ chỉ trích, những kẻ “mất đi nguồn lợi phi pháp từ lấn chiếm tài sản công và không gian sống của xã hội” như trong đơn ông Hải viết.
Biện pháp “căn cơ”, theo ông Phong là gì? Liệu có phải là “đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành…” như mấy chục năm trước và cả mấy chục năm sau này, để rồi vi phạm chồng chất vi phạm khiến chính quyền bó tay?
Còn “nhân văn”, theo ông Phong là gì? Nhân văn với những kẻ cướp vỉa hè khiến người khác chết thê thảm dưới lòng đường vì bị xe cộ va quệt; nhân văn với những kẻ chở mái tôn cứa cổ con nhà người khác tới chết; nhân văn với kẻ giăng tấm biển hiệu cẩu thả, lửa bén thiêu rụi cả 5, 7 ngôi nhà bên cạnh; nhân văn với những kẻ sọt to sọt nhỏ đứng chiếm mất nửa con đường, ai động đến thì gào lên ăn vạ tôi đang “mưu sinh”? Lẽ nào chỉ người nghèo được quyền sống, người không nghèo thì cái chết không đáng giá?
''Lưu đắc đan tâm''
Và như thế, cuối cùng ông Đoàn Ngọc Hải đã trở thành kẻ chiến bại. Đó cũng là sự thất bại của người dân bị kẻ cướp vỉa hè cướp trắng quyền lợi của mình đang ngày đêm đặt niềm tin vào ngọn lửa rực cháy và người truyền lửa Đoàn Ngọc Hải đến những địa phương trong cả nước.
Nhớ chuyện xưa, thầy Chu Văn An - tấm gương tiết tháo, suốt đời trong sạch, dâng “thất trảm sớ” chém đầu những kẻ nịnh thần hại nước hại dân lên vua Trần Dụ Tông, không được triều đình chấp thuận đành cáo quan về quê dạy học. Chưa thể so sánh với thầy Chu Văn An, nhưng ông Hải thật đáng mặt Chí làm trai như Nguyễn Công Trứ: “Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ/ Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh/ Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh/ Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ.”
Ai sinh ra trên đời cũng có một công việc, sự nghiệp. Nhưng quan trọng sự nghiệp, công việc ấy phải để lại tấm lòng son, tiếng thơm lưu truyền.
Với lá đơn xin từ chức của mình, ông là người có khí tiết, đầy lòng tự trọng, nói là làm.
Video: Ông Đoàn Ngọc Hải viết gì trong đơn từ chức?
Bình luận