Tôi mà là ông Đoàn Ngọc Hải, chắc tôi sẽ ngồi yên vị ở bàn giấy làm việc cho nhanh, vừa đỡ tốn công nhọc sức, vừa đỡ “mua chửi” của cả thiên hạ.
Ai đời đi làm việc công quyền, đòi lại quyền lợi cho người dân, mà cứ như đi đòi cho mình, mang về nhà cất đi làm của riêng, trên đe dưới búa, hết người này đến người kia dọa dẫm, bình luận, chỉ trích.
Đám côn đồ lộng hành thì nhắn tin dọa giết, “xử đẹp” vì dám động đến quyền lợi của chúng, dám lấy đi cái vỉa hè chúng ăn cắp của người khác, dám phá dỡ tịch thu những thứ chúng bày ra ở nơi không phải nhà mình.
Đến cái câu ví von “Không hiểu luật thì về rừng U Minh mà sống”, đến giờ tôi vẫn không hiểu có gì sai mà Ban Tuyên giáo huyện U Minh phải làm hẳn một cái công văn yêu cầu xin lỗi. Giờ tôi ví von “không tuân thủ quy định thì ra đảo mà sống một mình”, không lẽ tất cả các huyện đảo gửi công văn bắt tôi xin lỗi? Sống trong bất cứ cộng đồng nào đương nhiên phải tuân theo pháp luật của cộng đồng đó, làm sao có thể thích làm gì thì làm?
Rồi mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, trong buổi tiếp xúc cử tri quận 1, nghe dân bức xúc nhắc đến miếng cơm manh áo, gánh nặng mưu sinh, chỉ trích bộ phận tham mưu vô cảm với dân, ông cũng đồng tình với việc lấy lại lòng đường vỉa hè không thể làm theo kiểu phong trào, chiến dịch. Ông khẳng định: “Có những gia đình buôn bán trên vỉa hè nuôi cả gia đình, làm không khéo sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, đặc biệt người dân nghèo. Phải có kế hoạch căn cơ, chứ đẩy đuổi là không nhân văn".
Thăm dò ý kiến: Bạn có đồng ý với ý kiến của ông Nguyễn Thành Phong?
Ôi, lại mưu sinh và nhân văn. Cái lý do cửa miệng tưởng chỉ được đưa ra ngụy biện của những người mang danh cái nghèo, bất chấp mọi quy định hiện hành của pháp luật mà kiếm kế sinh nhai giờ được hợp thức hóa đàng hoàng bằng câu nói của một vị lãnh đạo cấp Thành phố.
Dân chê ông Hải cứng nhắc, rồi giờ đến cả quan chê ông Hải làm việc thiếu căn cơ. Cái căn cơ ông Chủ tịch UBND TP HCM nhắc đến là gì? Là “đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành…” như mấy chục năm trước và cả mấy chục năm sau.
Xin lỗi ông Phong, chắc lâu lắm rồi ông không xuống đường mua mớ rau con cá, không phải dắt tay con đi học về học trên vỉa hè, không vật lộn lỉnh kỉnh đồ đạc lách từng tí một dưới lòng đường nên ông mới rập khuôn cái cách thức giải quyết truyền thống mà trước đây, bây giờ hay sau này áp dụng vẫn không sai và không bao giờ có hiệu quả đó.
Nhân văn với những kẻ cướp vỉa hè khiến người khác chết thê thảm dưới lòng đường vì bị xe cộ va quệt; nhân văn với những kẻ sọt to sọt nhỏ đứng chiếm mất nửa con đường, ai động đến thì gào lên ăn vạ tôi đang “mưu sinh”?
Ông có biết vì sao ông Hải không xử lý bằng tình, không áp dụng cái phương pháp ông cho là “căn cơ” kia? Nhìn thì thấy ngay, tình mãi rồi, trước giờ là tình, không riêng gì quận 1, xã hội này cứ nơi nào có nước mắt, nơi đó có lòng thương. Kêu gọi mãi, vận động mãi, vi phạm gì cũng mang hoàn cảnh nghèo khổ, cơ nhỡ ra để xin xỏ, mặc cả. Nói nặng nề hơn chút, thì cứ nghèo là nghiễm nhiên được làm bậy, được đòi người khác nhân văn với mình?
Nhân văn với những kẻ cướp vỉa hè khiến người khác chết thê thảm dưới lòng đường vì bị xe cộ va quệt; nhân văn với những kẻ chở mái tôn cứa cổ con nhà người khác tới chết; nhân văn với kẻ giăng tấm biển hiệu cẩu thả, lửa bén thiêu rụi cả 5,7 ngôi nhà bên cạnh; nhân văn với những kẻ sọt to sọt nhỏ đứng chiếm mất nửa con đường, ai động đến thì gào lên ăn vạ tôi đang “mưu sinh”? Lẽ nào chỉ người nghèo được quyền sống, người không nghèo thì cái chết không đáng giá?
Đấy là chưa nói đến chuyện, ông Đoàn Ngọc Hải, phó Chủ tịch UBND quận 1 TP.HCM rõ ràng là cấp dưới của ông Nguyễn Thành Phong. Trong khi ông Hải thay mặt chính quyền quận 1 cùng các cơ quan chức năng thuộc quận ra quân rầm rộ thực hiện chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ trong thời gian dài, tuyệt không thấy UBND TP.HCM, đứng đầu là ông Chủ tịch, có bình luận gì. Vậy mà đến khi có ý kiến của dư luận chỉ trích ông Hải, ông Phong mới lên tiếng bình luận y như người ngoài cuộc.
Trước một chủ trương lớn như vậy, đáng lẽ chính quyền TP.HCM phải thống nhất từ trên xuống dưới rồi mới thực hiện. Đằng này, khi cán bộ của mình - với sự nhiệt huyết tả xung hữu đột, đi đầu giành lại vỉa hè - bị chỉ trích, ông Phong lại góp thêm tiếng nói ủng hộ cho những kẻ chỉ trích. Thử hỏi ông làm vậy, lính của ông liệu có dám nhiệt huyết, xông pha nữa không? Đương nhiên, cách thức thực hiện của ông Hải cũng cần rút kinh nghiệm nhiều điều.
Đừng hy vọng thay đổi
Gần 9 tháng từ ngày ông Đoàn Ngọc Hải khẳng khái tuyên bố “Nếu không đòi lại được vỉa hè cho người đi bộ, tôi sẽ cởi áo về vườn”, người ta thấy dường như ông Hải vẫn đơn độc trong cuộc chiến cho một xã hội thượng tôn pháp luật, và với tình trạng này, đừng hy vọng cuộc chiến ấy thay đổi được điều gì.
Chính một vị lãnh đạo thừa nhận, rất nhiều chính quyền địa phương tê liệt hoàn toàn trong quản lý trật tự đô thị. Tê liệt rồi đến lúc có người dám đứng ra làm cho nó hoạt động hiệu quả thì các ông chê không căn cơ với thiếu nhân văn.
Các ông không hiểu, hay cố tình không hiểu, việc đấu tranh với một người, một nhóm người, một cơ số người không nhỏ sai đã là cuộc chiến, huống hồ là đấu tranh với cả một xã hội quen cái thói bừa bãi, tùy tiện, nhếch nhác đến thê thảm.
Bạ đâu bán hàng đó, chỗ nào cũng la liệt vảy cá, cuống rau, bì lợn thừa ném toẹt xuống đất. Hoặc may mắn “được” đi trên đống rác đó, hoặc trên đống rác còn không có lối mà đi, xuống đường chen lấn với xe cộ, lỡ chết thì phải chịu.
Vỉa hè không quán bia cũng xe máy giăng khắp lối, đi trên vỉa vè dành cho mình mà ngỡ như đi qua phòng ngủ nhà người khác, đôi khi còn được tặng kèm chửi miễn phí nếu lỡ đi chậm hoặc vô tình đứng nghe điện thoại.
Mà dân mình hay lắm, có thói quen ca ngợi các nước trên thế giới không ngớt, cháu bé đánh đàn trên phố đi bộ bị nhắc nhở thì so sánh với những người chơi nhạc đường phố ở châu Âu; người Nhật xếp hàng thì coi là biểu tượng của văn minh…Nhưng bảo đi xin giấy phép trước khi xuống đường biểu diễn như châu Âu; hay xếp hàng trật tự đợi vào bãi gửi xe như người Nhật thì tuyệt không thấy ai làm. Cứ thích là xuống đường ca hát, thích là vứt xe gửi ở bãi trông giữ vỉa hè cho tiện. Đến kỳ tiếp xúc cử tri lại chỉ trích những người thực thi pháp luật vô cảm.
Ông Hải ạ, cứ với tình trạng này, đừng mơ thay đổi được tư duy hồn nhiên, thích gì làm nấy, không thích bị bó buộc trong luật lệ, không nghĩ đến hậu quả có thể xảy ra cho người khác của số đông. Một đời lãnh đạo như ông cởi áo về vườn, chứ nhiều đời nữa, e là vẫn cứ “mưu sinh” với “nhân văn” thôi.
Video: Quận 1 giải thích quyết định "trói chân" ông Đoàn Ngọc Hải
Bình luận