• Zalo

BLV Quang Huy: Nên kỳ vọng vào PVF

Thể thaoThứ Tư, 22/11/2017 07:00:00 +07:00 Google News

Bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng người hâm mộ vẫn nên hy vọng vào trung tâm PVF.

- Thưa anh, với sự xuất hiện của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF ở miền Bắc, tiếp nối sau những trung tâm HAGL, Viettel, là một người theo dõi bóng đá Việt Nam anh cảm thấy như thế nào?

BLV Quang Huy: Tôi đã có mặt ở PVF trong ngày khai trương 20/11, chứng kiến cơ sở vật chất và các hạng mục thể thao ở đây thì phải nói tôi thấy cực kỳ phấn khởi cho bóng đá Việt Nam vì có được những trung tâm như thế.

Đây là một tổ hợp thể thao được xây dựng bài bản, cập nhật những công nghệ tốt nhất, mới nhất của thế giới. Tôi đã đi nhiều nước ở Đông Nam Á, thậm chí cả châu Á thì cũng chưa thấy có trung tâm nào lớn và qui mô thế này (có lẽ chỉ Học viện Aspire của Qatar là sánh được thôi).

giggs pvf2 (3) 22

Ryan Giggs cắt băng khánh thành trung tâm PVF.

Trước khi có trung tâm này, PVF cũng là nơi cung cấp cho các đội tuyển quốc gia nhiều cầu thủ tài năng, điển hình là trong đội hình U20 Việt Nam dự U20 World Cup cũng có nhiều cầu thủ của PVF.

Với kinh nghiệm sẵn có cộng với một cơ sở vật chất được đầu tư tốt thế này, PVF hoàn toàn có thể trở thành một cú hích để bóng đá Việt Nam vươn tầm. Tất nhiên, từ việc đào tạo trẻ tốt đến việc chúng ta có đội tuyển lớn đi World Cup thì chặng đường vẫn còn rất dài. Nhưng tôi nghĩ sự xuất hiện của PVF lần này mang tính chất như một niềm cảm hứng để những người làm bóng đá nhìn vào đó mà tiếp tục cố gắng.

- Thưa anh, cách đây gần 10 năm bóng đá Việt Nam từng xuất hiện một học viện tốt, được truyền thông và người hâm mộ rất kỳ vọng là HAGL-Arsenal-JMG. Đến năm 2014, lứa cầu thủ khoá 1 của học viện này là Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường… khi mới xuất hiện đã gây nức lòng người hâm mộ.

Nhưng sau đó thì dường như họ chết chìm trong sự kỳ vọng của công chúng, và mục tiêu của khoá 1 như bầu Đức thừa nhận là “phải vô địch SEA Games” đã không thành công. Vậy với trung tâm PVF lần này, theo anh chúng ta có nên tiếp tục kỳ vọng họ sẽ tạo nên những cầu thủ xuất chúng trong tương lai?

Tôi nghĩ chúng ta vẫn nên hy vọng, nhưng không nên kỳ vọng quá.

Bóng đá trẻ Việt Nam những năm gần đây phát triển rất tốt, tuy nhiên ở trên đỉnh thì vẫn chưa được như dự kiến. Để một sản phẩm tốt từ các trung tâm đào tạo phát huy được thì các cầu thủ trẻ đó cũng cần cả những môi trường tốt, cụ thể ở đây là giải V-League.

PVF (6)

 Trung tâm PVF được đánh giá cao về cơ sở vật chất.

Chúng ta cần một V-League vừa trong sạch vừa có tính đối kháng cao, mà điều này lại chưa có, thành ra bóng đá Việt Nam đã lãng phí nhiều thế hệ cầu thủ tốt những năm vừa qua.

Cầu thủ trẻ rất tiềm năng nhưng trong một môi trường thế này thì cũng chững lại rồi mất hút. Tôi thấy trong chương trình đào tạo của PVF có chú trọng đến cả kiến thức xã hội bên cạnh chuyên môn bóng đá. Hy vọng nếu có nhiều cầu thủ được đào tạo từ môi trường này thì bóng đá Việt Nam sẽ trong sạch hơn.

Đây là một cú hích về đào tạo trẻ, nhưng cũng là một hiện tượng xã hội, để từ đó những người làm thể thao có trách nhiệm hơn.

- Thưa anh, để nâng tầm một nền thể thao, ngoài chuyện có nhiều trung tâm đào tạo tốt thì một phương pháp mà người Nhật, người Hàn Quốc từng làm là khuyến khích phụ nữ nước họ kết hôn với người châu Âu để cải thiện gen. Theo anh điều này có thể áp dụng được ở nước ta không?

Với những công nghệ và tiềm lực hiện có, tôi tin chúng ta sẽ tìm ra được một cách chơi phù hợp với người Việt Nam, yếu tố thể lực cũng được nâng dần dần để cạnh tranh với thế giới. Còn những phương pháp như bạn nói theo tôi hiện nay chưa áp dụng được thì không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Chúng ta có thể tích cực tìm kiếm những cầu thủ Việt kiều, những có dòng máu Việt đang sinh sống ở nước ngoài mơi họ về cống hiến cho quê hương. Còn giải pháp khuyến khích phụ nữ Việt kết hôn với Tây theo tôi là không nên.

- Trong lễ khai trương trung tâm PVF, tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) Datuk Seri Azzuddin Ahmad có đề xuất mong muốn PVF có thể trở thành nơi đào tạo cầu thủ trẻ cho một số quốc gia Đông Nam Á khác chứ không chỉ Việt Nam. Đó cũng có thể là một kênh thu hút ngoại tệ về cho quốc gia. Anh nghĩ sao về điều này?

Tôi nghĩ gợi mở này cũng đúng thôi, nhất là sau khi ông tổng thư ký AFF chứng kiến cơ sở vật chất của PVF. Nhưng đây là trung tâm của người Việt Nam, để phục vụ cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Bạn hãy nhớ lại tên gọi của nó: Quỹ Hỗ trợ Phát triển Tài năng Bóng đá Việt Nam.

Đương nhiên, nếu các nước bạn sang đây chúng ta sẵn sàng đón nhận. Nhưng trên hết vẫn phải phục vụ cho người Việt Nam. Một cầu thủ nước ngoài sang đây chi phí cũng rất lớn, mà tương lai thì cũng chưa biết đi đến đâu. Kể cả có mở cửa cũng chưa chắc có nhiều người sang đâu. Nên điều thiết thực nhất vẫn là hãy phục vụ cho chính đất nước của chúng ta.

- Xin cảm ơn anh Quang Huy về những phân tích vừa rồi.

Anh Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn