• Zalo

Ký ức Trần Hùng: Danh thủ Túc 'gù' lừng danh đất Cảng, đến người Pháp cũng mộ tài

Thể thaoThứ Năm, 02/11/2017 15:12:00 +07:00Google News

Mến tài ông, khi người Pháp rút khỏi Hải Phòng, một ông bầu Pháp đã mua vé máy bay, rủ Túc "gù" vào Sài Gòn nhưng ông từ chối.

Nguyễn Văn Túc, biệt danh “Túc Gù”, một trong những nhân tài bóng đá Hải Phòng giai đoạn những năm 50 của thế kỷ trước.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông Túc đi đánh giày, bán báo kiếm sống qua ngày. Ông lớn lên cùng đám trẻ lang thang đường phố với thú vui duy nhất là quả bóng quấn bằng giẻ rách trát mủ cây si, cây đa, rồi đến những trái bóng nỉ, những trận cầu được chơi bất cứ lúc nào rảnh rỗi.

Hải Phòng, những năm 1950-1954 thời thuộc Pháp, với những trận đấu Voi vàng đất Cảng – Thành Hoàng Diệu, Voi vàng đất Cảng – Cảnh sát Đô Thành rồi sau giải phóng là tuyển Hải Phòng – Thể Công – Đường Sắt – Công An Hà Nội đã thành kinh điển. Bọn trẻ chúng tôi ngồi trên những cây cơm nguội, cây phượng mọc quanh sân Bonnal xem thế hệ vàng của bóng đá Hải Phòng khi ấy chơi bóng.

Tuc gu

 Túc "gù" (thứ hai từ phải sang, hàng ngồi) và đội bóng Hải Phòng lừng lẫy thập niên 50 thế kỷ XX.

Thủ môn Thọ “ve” với đôi bàn tay nhựa, tiền vệ Trần Văn Ưng với mái tóc chải gôm bóng mượt chơi toàn diện, sang trọng. Trung vệ Quắn Mìn Te chơi dữ dằn như một bức tường thép. Ông Hữu Viễn chơi cánh trái sở trường với cái chân trái qua người và sút chính xác. Còn ông Mùi Pố to cao có khả năng đè người, sút mạnh như trái phá.

Giữa muôn vàn những ngôi sao bóng đá thời đó, nổi bật lên một Túc "gù” rất dị, điều khiển trái bóng như ảo thuật, giữ bóng chắc như “quỷ giữ cọc tiền” và chuyền bóng cực kỳ chuẩn xác. Trên hết là khả năng lừa bóng qua hai ba đối phương và những cú sút ghi bàn vào lưới đối phương đẹp đến ngỡ ngàng.

Xem ông Túc chơi bóng, mọi người đều bị cuốn theo từng động tác điêu luyện khi mềm mại uyển chuyển, lúc lại cực kỳ dũng mãnh. Trên sân bóng, Túc "gù" là nhạc trưởng, là thủ lĩnh dẫn dắt lối chơi. Ông chơi bóng đá ngẫu hứng, lối chơi của những người thành thị, và thực sự đưa bóng đá lên đỉnh cao cái đẹp thời kỳ đó.

Khi còn xem ông chơi bóng, tôi đã nghĩ rằng: “Ngày nào trên sân cỏ không còn Túc Gù thì cũng chẳng còn gì để xem nữa”.

Năm 1958, Hải Phòng gặp Bát Nhất (Trung Quốc), một mình ông ghi 2 bàn (Hải Phòng thắng Bát Nhất 2-0). Kể cả đội Thượng Hải sang Việt Nam đá giao hữu, thắng hết các đội Hà Nội, Thể Công, vẫn phơi áo ở đất Cảng 1-3.

Mến tài ông, khi người Pháp rút khỏi Hải Phòng, một ông bầu Pháp đã mua vé máy bay, rủ Túc "gù" vào Sài Gòn. Nhưng Túc "gù" chọn ở lại đất Cảng, cùng với lớp người áo thợ ngày đêm lao động say sưa kiến thiết chủ nghĩa xã hội nhưng cũng cuồng nhiệt với bóng đá và được xem ông chơi bóng.

Không có một nhà chuyên môn nào chê ông Túc chơi bóng, song thật tiếc, ông chẳng bao giờ được gọi lên đội tuyển quốc gia đi thi đấu ở nước ngoài với lý do không thật rõ ràng.

Ông Túc chơi bóng ở đội tuyển Hải Phòng, ở đội đất Cảng cho đến khi hết sức, về làm công nhân bốc vác ở bến cảng. Nghỉ hưu, danh thủ Túc "gù" lừng lẫy ngồi bán nước chè ở cổng sân Lạch Tray.

Thỉnh thoảng tôi đến thăm ông ở quán nước chè, cùng uống với ông vài ba chén rượu (cuối đời ông uống rượu nhiều). Ở ngoài đời, ông Túc ngoài sân cỏ hiền lành, chất phát, đôi khi dại khờ trong cuộc sống. Ông kiệm lời, nhưng khi nói về bóng đá thì khuôn mặt, đôi mắt ông sáng lên và tôi hiểu rằng, máu huyết chảy trong ông là bóng đá.

Ông Túc đã ra đi, sân cỏ cùng một lớp người cuồng nhiệt với bóng đá ngày nào không còn nữa.

Về lại Hải Phòng, tôi đến thắp nén hương trên mộ ông để tưởng nhớ một tượng đài bóng đá đất Cảng.

Trần Hùng
Bình luận
vtcnews.vn