Với tài trí con người, cây đa Tân Trào 300 tuổi bị bạo bệnh đã sinh một cây đa con chắc khỏe.
Kỳ tích này có công của
Th.S Nguyễn Anh Kết, Giám đốc Cty Cổ phần Thanh Hà. Năm 2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, bà Vũ Thị Bích Việt mời ông lên thăm khu di tích Tân Trào. “Lúc đó, cây đa Tân Trào đang suy kiệt, cành cây gãy và rơi xuống rất nhiều”, ông Kết nhớ lại.Quần thể di tích cây đa Tân Trào tháng 12- 2012. |
Nhiều nhà khoa học đã tìm cách cứu chữa nhưng đều bó tay. “Người ta bảo, cây chết từ trên ngọn xuống là dấu hiệu già cỗi. Có năm, chúng tôi phải cắt đi 26 cành cây chết”, ông Ngô Quốc Lập, Giám đốc Khu Di tích Tân Trào lúc đó, kể.
Ở Việt Nam, chưa thấy tài liệu nghiên cứu nào về cây đa vì nó không có trong danh mục cây lâm nghiệp, nông nghiệp. Tốn nhiều thời gian tự mày mò, ông Kết tìm ra cái mà ông gọi là “thuyết âm dương cân bằng kết hợp với các nguyên lý thực vật”.
Nghe có vẻ dị nhưng đại loại phương pháp dựa trên nguyên lý cơ bản là cơ thể sống phải cân bằng giữa sử dụng dinh dưỡng từ đất với quang hợp ánh nắng mặt trời. Vấn đề là hầu như quá trình trao đổi chất của cây đã không còn diễn ra nữa. Làm thế nào bây giờ? Ông Ngô Quốc Lập nhớ lại “Mười lăm phút đầu tiên nghe ông Kết trình bày phương pháp cân bằng âm dương, ai nấy đều khó hiểu”.
Mang phương pháp ấy áp dụng vào cây đa Tân Trào, sau hai tháng, 42 mầm nảy lộc từ thân cây cằn cỗi, già nua. Có mầm dài 15cm. Nhưng rồi, vì một số lý do, ông Kết phải rời bỏ công việc đang tiến triển. Ba tháng sau, khi ông quay lại, thân cây đã mục rất nhanh, chỉ còn một nhánh đang rũ đi. Đây có lẽ là cơ hội cuối cùng để hồi sinh cây đa Tân Trào.
Ông tạo sẹo trên nhánh cây này, rồi phun chế phẩm sinh học vào lá để đẩy rễ mọc ra từ vết sẹo. Tháng 3-2010, rễ cây bắt đầu nhú từ vết sẹo, nhỏ li ti với đường kính chỉ một milimet. Ông Kết chỉ đạo dựng một hàng thùng phi cao hơn bốn mét, chứa đất, nước và các chế phẩm sinh học để nhử rễ cây nhanh tiếp đất. Từ đó, đều đặn mỗi tuần một lần, đoàn công tác một cán bộ, hai thạc sỹ, một kỹ sư của Công ty Thanh Hà lại lên Tân Trào để hỗ trợ Ban Quản lý Khu Di tích (BQL).
Sau hơn một năm, rễ cây đã vươn dài trên bốn mét và chui xuống lòng đất. Sự sinh thành một thế hệ mới bắt đầu. Chăm sóc đặc biệt Tháng 3-2011, ông Ngô Quốc Lập, khi ấy đang làm Giám đốc Khu Di tích Tân Trào. Đến về hưu, dự án kích cây đa Tân Trào sinh cây con vẫn dang dở. Rễ cây đã gần chạm đất nhưng vẫn cần một quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, tỉ mỉ. Nhận lời đề nghị của ông Kết, ông Lập tiếp tục tình nguyện ở lại BQL.
Chùm rễ của cây đa hậu duệ. |
Cách nhà hơn 10 km, hằng tuần, ông đi xe máy đến khu di tích để cùng mọi người hằng ngày tưới nước, chăm bón cây con. Khi đó, BQL chưa có máy tưới nước. Thầy giáo làng Bế Văn Hai đã cần mẫn gánh nước tưới cây nhiều tháng trời. Được ông Kết nhờ tưới nước, ông Hai sắm ngay một đôi thùng, một đòn gánh.
Mỗi sáng ông dậy sớm, gánh nước từ nhà đến cây cách đó chừng 200m. Có sẵn một chiếc thang, ông xách nước, leo lên các bậc thang và tỉ mẩn múc từng gáo. Sau hơn ba năm, 30 rễ mọc ra từ vết sẹo đã hình thành một gốc đa mới tươi tốt, xum xuê bên gốc cây đa mẹ lịch sử. Rễ to nhất ước chừng 10 cm.
Mấy tháng trước, cây đa con được tách ra khỏi thân cây mẹ. Giờ đây nó sống độc lập, trở thành hậu duệ duy nhất của cây đa Tân Trào mẹ 300 tuổi, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu Đoàn Việt Nam Giải phóng quân tiến về giải phóng tỉnh Thái Nguyên mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa 1945.
Theo Nguyễn Hoài - Trường Phong/TPO
Bình luận