• Zalo

Kỷ niệm Cách mạng tháng 10 đúng 50 năm trước, nhân dân Liên Xô biểu thị ủng hộ Việt Nam chống Mỹ ra sao?

Thế giớiThứ Sáu, 27/10/2017 09:40:00 +07:00Google News

Cách đây 50 năm, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam đang diễn ra khốc liệt, nhân dân Liên Xô và các nước XHCN anh em đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ quý báu.

Nhiều cuộc mít tinh, diễu hành ủng hộ nhân dân Việt Nam diễn ra khắp địa cầu, thu hút hàng triệu trái tim yêu chuộng hòa bình. Báo chí Xô Viết và khối XHCN anh em là nhịp cầu nối đưa hình ảnh Việt Nam anh hùng bước ra vũ đài quốc tế.

Báo chí Liên Xô nói riêng và báo chí tiến bộ thế giới nói chung đã đóng góp rất lớn trong công cuộc chiến đấu bảo vệ XHCN và thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm 50 năm kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, trong số đặc biệt ra ngày 07/11/1967, báo “Lao Động”, cơ quan thông tin của Ủy ban trung ương Công đoàn Liên Xô đã đăng bài viết của nhà báo B. Stolpovsky dưới tiêu đề “Sự thống nhất và tình anh em”, nhằm biểu thị tin thần đoàn kết ủng hộ cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Dưới đây là bài viết của nhà báo Stolpovsky

3 4

 Bài viết của nhà báo B. Stolpovsky đăng trên báo Lao động số 262 ra ngày 07/11/1967.

Sự thống nhất và tình anh em

Mít-tinh đoàn kết ủng hộ cuộc kháng chiến của  nhân dân Việt Nam

Tháng Mười đã đến trên toàn thế giới. Cuộc đấu tranh vì lý tưởng của người lao động ngày càng mạnh mẽ. Với khí thế mới, đại diện Tổng liên đoàn của hơn 80 nước từ 5 châu lục tổ chức lễ mít-tinh bày tỏ tình đoàn kết với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Tại khán phòng lớn Cung lao động của Tổng liên đoàn lao động Xô Viết treo bức khẩu hiệu bằng vải đỏ lớn: “Lời chúc mừng của những người anh em tới nhân dân Việt Nam, đang đi đầu trong cuộc đấu tranh anh dũng chống ách xâm lược của đế quốc Mỹ”.

Đông đảo các nhà hoạt động công đoàn thủ đô Xô Viết đã tham gia buổi mít-tinh này. Tại đây, có mặt các nhà lãnh đạo từ các đoàn đại biểu Liên minh công đoàn hòa bình thế giới, Tổng liên đoàn khối xã hội chủ nghĩa anh em, Liên minh công đoàn toàn Châu phi, Liên hiệp công đoàn quốc tế khối Ả rập, Ban thường trực công đoàn lao động thống nhất châu Mỹ Latin, Tổng liên đoàn các nước châu Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ Latin.

Đáng chú ý là Chủ tịch Liên minh công đoàn hòa bình thế giới Renato Bitossi, Tổng thư kí Liên minh công đoàn hòa bình thế giới Louis Saiyan, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Xô Viết A.N.Shelepin và đại diện Liên minh công đoàn Giải phóng Miền Nam Việt Nam, người đứng đầu Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam Di Bá Tỵ, cùng đoàn đại biểu Tổng liên đoàn Việt Nam do phó Chủ tịch Nguyễn Công Hòa làm trưởng đoàn và nhiều đại diện khác.

Tại cuộc mít tinh, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Xô Viết A.N.Shelepin biểu thị tình đoàn kết với Việt Nam. Trong bài phát biểu, Shelepin nói: "Trong nhiều năm qua, nhân dân Việt Nam đang tổ chức cuộc đấu tranh anh hùng chống lại giặc Mỹ xâm lược.

Tất cả người dân Xô Viết ủng hộ hết mình cho nhân dân Việt Nam. Nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, người dân các nước mới được giải phóng ở châu Âu – Á – Phi và Mỹ Latin cũng nhiệt thành ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đế quốc Mỹ đang gây bao tội ác, nhưng chúng sẽ không bao giờ phá hủy được tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân Việt Nam, bởi vì dân tộc Việt Nam chiến đấu vì lẽ phải và nhất định thắng lợi".

2 3

 Ông A.N Shelepin cùng phái đoàn Liên Xô sang thăm Việt Năm năm 1966.

Bí thư Tổng liên đoàn lao động Xô Viết V.I.Prokhorov phát biểu: "Hôm nay, chúng ta có mặt đông đủ tại đây để biểu thị sự phản đối gay gắt tới bọn đồ tể chiến tranh. Lương tâm con người lao động không thể câm lặng, khi mà tại Việt Nam, tội ác của quân đội Mỹ đang gợi nhớ  lại cảnh tượng tàn ác về những con quái vật phát xít".

Thay mặt Tổng liên đoàn lao động Xô Viết, ông V.I.Prokhorov chân thành chào đón sự có mặt trong khán phòng những đại biểu ưu tú của dân tộc Việt Nam, dân tộc anh hùng. Thông qua đoàn đại biểu, V.I.Prokhorov chuyển lời chúc mừng nồng ấm tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà cách mạng xuất sắc, nhà hoạt động cộng sản quốc tế, người tiên phong  trong cuộc đấu tranh vì lí tưởng chủ nghĩa xã hội, vì tình hữu nghị Việt – Xô bền chặt. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười, huân chương Lênin được trao tặng cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông V.I.Prokhorov nói: “Công đoàn Xô Viết, cũng như nhân dân chúng ta, trong lúc này đây, đã và đang bày tỏ quyết tâm ủng hộ toàn diện và giúp đỡ mọi mặt cho dân tộc Việt Nam”.

Sau đó là lời phát biểu của đại diện người lao động cộng sản. Chủ nhiệm xưởng tiện tự động thuộc Nhà máy sản xuất Quốc doanh thứ  Nhất  N.P Salnhikov, thay mặt tập thể nhà máy và lực lượng lao động Matxcơva nồng nhiệt chào mừng đoàn đại biểu lao động Việt Nam.

Tiếp tục chương trình kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, Phó tổng thư ký Liên minh công đoàn hòa bình thế giới Pierre Jansus tuyên bố: “Chúng ta dành sự quan tâm tới dân tộc, đang có cuộc kháng chiến anh dũng chống đế quốc siêu cường nhất”.

Với tình cảm ấm áp, các nhà lãnh đạo tham dự mít tinh lắng nghe lời phát biểu của trưởng đoàn đại biểu Công đoàn Giải phóng miền Nam Việt Nam Di Bá Tỵ, trình bày cụ thể cuộc kháng chiến của nhân dân yêu nước miền Nam Việt Nam.

Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới sự ủng hộ anh em của nhân dân lao động và công đoàn Liên Xô, ông nhấn mạnh: “Trong buổi lễ hân hoan và đầy nhiệt thành  tại thủ đô Liên Xô – thành phố Matxcơva này, cho phép chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc vì sự ủng hộ quốc tế cao cả tới các đồng chí, những người anh em, những người bạn khắp 5 châu”.

Trong buổi lễ này, có sự góp mặt của Bí thư Tổng liên đoàn lao động Pháp Germain Guillier. Trình bày về phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam tại Pháp, bà tuyên bố, giới lao động Pháp sẽ lấy ngày 20/11, là ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, thành ngày hành động toàn quốc ủng hộ Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng kiểm tra trung ương Công đoàn thống nhất tự do Đức (FDGB) Herbert Warnke cho biết, hàng ngàn cuộc mít tinh đoàn kết diễn ra ở Cộng hòa dân chủ Đức. Giới lao động kiên quyết yêu cầu đặt dấu chấm hết cho hành động xâm lược của Mỹ nhằm vào Việt Nam. Ông Herbert Warnke nhấn mạnh, ở Tây Đức, đặc biệt giữa các công đoàn và giới trẻ, phong trào phản chiến đang lan rộng và mạnh mẽ.

1

 Bài viết của hãng thông tấn TASS biểu thị sự ủng hộ của Liên Xô và thế giới với Việt Nam: “Chúng tôi sẽ ở bên các bạn, Việt Nam!”.

Thay mặt tầng lớp lao động châu Phi, Bí thư Liên đoàn lao động toàn châu Phi Amadu N’Diai lên phát biểu. Ông kêu gọi huy động toàn thể cộng đồng quốc tế chống lại hành động diệt chủng và khủng bố mà đế quốc Mỹ đã gây ra tại Việt Nam.

Cũng tại buổi lễ có mặt Tổng thư ký Liên hiệp công đoàn quốc tế khối Ả rập Fawzi Elb Sayed. Ông cho rằng, Mỹ đã bị cô lập và đánh mất danh dự của mình. Và bây giờ, để đánh lạc hướng sự chú ý về phía Việt Nam, nước Mỹ đang thực hiện âm mưu chống lại nhân dân Ả rập, bằng việc đẩy Israel vào cuộc xâm lược. Tuy nhiên, tại Trung Đông, Mỹ cùng với Israel đang thất bại, cũng như kết quả đang chờ họ ở Việt Nam.

Nhân dân các nước Mỹ Latin cũng bày tỏ tinh thần đoàn kết với dân tộc Việt Nam, Bí thư thường trực Công đoàn lao động thống nhất châu Mỹ Latin Huan Vargas Pueblo cho biết.

Cả hội trường hoan nghênh vang dội sau khi người đứng đầu đoàn đại biểu Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Công Hòa xuất hiện trên bục phát biểu:

“Không có bom đạn hay tên lửa nào của Mỹ có thể đe dọa dân tộc Việt Nam và lay chuyển ý chí của nhân dân Việt Nam.Tinh thần đoàn kết anh em của 31 triệu đồng bào Việt Nam không ngừng thắt chặt. Chúng tôi đấu tranh với khẩu hiệu : “Kháng chiến chống Mỹ để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc và tiến lên hòa bình thống nhất đất nước”.

Ông nói tiếp: “Lời hứa chiến thắng này biểu thị quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam, là chúng tôi sẽ sử dụng sức mạnh ủng hộ to lớn của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, sẽ phát huy mọi sự hỗ trợ của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, sự ủng hộ và chia sẻ của Liên minh công đoàn hòa bình thế giới và các tổ chức dân chủ quốc tế”.

Cuộc mít tinh kết thúc, nhưng tiếng vỗ tay vẫn tiếp tục ngân lên rất lâu để vinh danh nhân dân Việt Nam. Buổi lễ đã biểu thị dân chủ trong sáng của tinh thần đoàn kết giai cấp công nhân quốc tế và phong trào công đoàn với dân tộc Việt Nam anh hùng.

Tác giả: B. Stolpovsky – đăng trên báo Lao động số 262 ra ngày 07/11/1967

Đọc thêm:Kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga, Cung điện Mùa đông đỏ rực trong đêm

Minh Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn