Trong thế kỷ qua, hầu như mọi tàu biển trên thế giới đều chạy bằng dầu. Trung bình mỗi ngày, có hơn 50.000 tàu biển hoạt động trên khắp thế giới, tiêu tốn hơn năm triệu thùng dầu. Một phần hai mươi lượng dầu mỏ trên trái đất được khai thác để phục vụ các tàu biển. Tuy nhiên, thời kỳ “vàng son" của dầu mỏ trên thế giới sắp đi đến hồi kết.
Điều đó là do Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO - cơ quan của Liên Hợp Quốc quản lý vận chuyển) đang lặng lẽ đưa ra một bộ quy tắc mới, chuẩn bị thay đổi ngành hàng hải ngoài sức tưởng tượng.
Sau nhiều năm đấu tranh, IMO cuối cùng cũng thông qua các biện pháp để giảm lượng khí thải carbon của ngành vận tải biển. Tổ chức này muốn cắt giảm cường độ phát thải xuống 60% mức thải năm 2008 (tương đương 476,4 triệu tấn CO2), với tổng ô nhiễm CO2 tới năm 2050 giảm xuống bằng 50% con số của năm 2008 (tương đương 397 triệu tấn CO2). Từ đầu năm 2023, tất cả các tàu hàng hải phải báo cáo lượng khí thải và đưa ra kế hoạch cải thiện hoạt động nếu tàu không tuân thủ các quy định mới.
Đây giống như là một bước tiến mới trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ngành vận tải biển nổi tiếng bảo thủ và IMO có xu hướng bị chi phối bởi chính ngành công nghiệp bộ phận này quản lý. Các quy định hiện nay phần lớn là do các công ty tự nguyện và phù hợp tập quán của ngành, chủ yếu vì mục đích quản lý chi phí và tăng cường doanh thu. Đối với các quy định mới, các tàu hoàn toàn có thể thực hiện các biện pháp rất đơn giản như giảm tốc độ tàu và vệ sinh thân tàu thường xuyên, thay vì xem xét lại lượng tiêu thụ dầu hiện có.
Mặc dù vậy, việc cung ứng nhiên liệu cho tàu thuyền vẫn đang trải qua một cuộc cách mạng - bao gồm nhiều thay đổi lớn cộng lực. Ba năm trước, hầu hết tàu thuyền được cung cấp năng lượng bằng dầu nhiên liệu nặng (HFO) - một thứ phẩm của nhà máy lọc dầu, thường có giá thấp hơn một phần ba so với dầu thô.
HFO tuy rẻ nhưng cực kì gây hại cho môi trường. Hàm lượng lưu huỳnh nặng trong HFO làm ô nhiễm nước biển và không khí. Vào đầu năm 2020, IMO đã thắt chặt các quy định về khí thải lưu huỳnh, khiến bất kỳ tàu thuyền nào không thể lắp đặt thiết bị kiểm soát ô nhiễm phải ngay lập tức chuyển sang dầu diesel - loại dầu sạch hơn HFO.
Có thể nhiều vấn đề lớn trên thị trường dầu mỏ ngày nay bắt nguồn từ quyết định này của IMO. Việc này ngay lập tức làm tăng lượng cầu thêm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong khi toàn bộ thị trường dầu mỏ sản xuất khoảng 27 triệu thùng mỗi ngày. Nhu cầu dầu diesel nhảy vọt đã kéo theo giá dầu thô tăng cao trong năm qua.
Trong hai năm đại dịch, tắc nghẽn cảng trở thành khó khăn chính đối với các hãng vận chuyển. Năm nay, các hãng tàu lại tiếp tục đối mặt với chi phí nhiên liệu tăng cao, do lưu lượng tàu thuyền quay trở lại mức bình thường. Giá dầu diesel hiện giờ gấp đôi giá HFO.
Đáp án cho vấn đề là khí hoá lỏng?
Đối mặt với chi phí tăng vọt, các chủ tàu đang nhanh chóng chuyển sang các giải pháp thay thế. Họ chuyển sang ưu tiên sử dụng LNG - khí tự nhiên hóa lỏng. LNG rẻ hơn diesel, nhưng trong quá khứ hầu như không được sử dụng như một loại nhiên liệu hàng hải.
Theo một nghiên cứu vào năm 2021 của Total Energies SA, khoảng 98% tàu hàng chở ô tô hiện đang chạy bằng LNG, cùng với 49% tàu du lịch, 32% tàu chở hàng rời, 28% tàu chở dầu và 26% tàu container. Trong số các tàu mới được đặt hàng trong năm nay, 444 trong số chúng - 63% tổng số theo trọng tải - đã được chạy bằng nhiên liệu thay thế, theo công ty Clarksons chuyên cung cấp dữ liệu vận chuyển.
Tuy nhiên, sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng trong ngành công nghiệp hàng hải không góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường. Mặc dù lượng khí thải carbon của LNG tốt hơn so với các sản phẩm dầu thô, nhưng khí tự nhiên có thể trực tiếp thoát ra ngoài môi trường mà không được đưa vào động cơ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và phổ biến đối với các tàu hàng hải.
Những lựa chọn "xanh" hơn
Giá dầu diesel tăng cao cũng khiến các loại nhiên liệu khác trở nên hấp dẫn hơn. Methanol làm từ khí tự nhiên và hỗn hợp 30-70 nhiên liệu sinh học và dầu diesel cũng trở thành một lựa chọn khả dĩ khác, cạnh tranh trực tiếp với dầu có hàm lượng lưu huỳnh thấp, theo báo cáo của IMO vào tháng 10 vừa qua.
Tất cả những thay đổi trên gộp lại sẽ làm giảm lượng cầu dầu của ngành vận tải biển. Tuy nhiên, thay đổi “xanh" nhất vẫn là đưa ngành hàng hải gia nhập vào nền kinh tế hydro mới nổi. Một con tàu chạy bằng hydro hoặc hợp chất amoniac (chất chứa hydro, dễ lưu trữ hơn), có thể đạt mức thải carbon bằng không nếu nhiên liệu hydro được sản xuất bằng điện tái tạo. Chi phí cho hệ thống sẽ cao hơn nhiều lần so với động cơ diesel được sử dụng hiện nay, nhưng đã có 136 đơn đặt hàng sản xuất tàu vận chuyển yêu cầu thiết kế hệ thống chạy bằng hydro hoặc amoniac.
Tính chất tự do của ngành vận tải biển và xu hướng chi phối ngược lại IMO có thể đẩy nhanh, thay vì cản trở, quá trình gia nhập nền kinh tế hydro. Điều này là do người gánh chi phí sau cùng cho quá trình thay đổi này không phải là chủ tàu mà là người mua hàng. Vận chuyển hàng hóa qua đường biển bằng các nhiên liệu mới trở nên quá rẻ nếu chia đều ra từng món hàng - tương đương 0,01 USD hoặc hơn cho mỗi kg hàng. Giá tiền này rẻ tới mức chúng ta, người chịu giá sau cùng, hầu như không nhận thấy sự thay đổi, đặc biệt là khi so sánh với mức tăng gấp 10 lần trong chi phí sinh hoạt mà người dân đã trải qua.
IMO đã ban hành các bộ quy định để tăng tính thống nhất trên thị trường và giảm tình trạng “kẻ ăn không" (free-rider). Các chủ tàu lớn có lựa chọn tốt nhất là tăng giá vận chuyển và đẩy gánh nặng chi phí lên người tiêu dùng, đồng thời giúp củng cố thêm vị trí và uy tín của họ. AP Møller–Mærsk A/S, hãng tàu container lớn nhất thế giới, quyết định không chuyển sang các tàu chạy bằng nhiên liệu LNG và đặt cược rằng ngành hàng hải sẽ chuyển thẳng sang nhiên liệu không carbon. Vào tháng 5 vừa qua, IMO đã đạt được sự đồng thuận về đưa phí thải carbon vào bộ biện pháp giảm phát thải sắp tới.
Hiện tại vẫn chưa “chắc như đinh đóng cột" rằng ngành hàng hải sẽ thành công chuyển sang các nguyên liệu thân thiện hơn với môi trường. Nhưng có thể thấy rằng, bằng cách này hay cách khác, thời kì dầu mỏ thống trị đường biển sẽ sớm lụi tàn, giống như kỷ nguyên động cơ hơi nước trước đó.
Bình luận