Những ngày gần gây, dư luận đặc biệt quan tâm vụ việc xảy ra trường THCS Ngô Quyền (TP.HCM), khi một nam sinh lớp 8 bị phạt đọc bản kiểm điểm trước toàn trường do xúc phạm ban nhạc Hàn Quốc BTS, rồi quay lại video đăng công khai trên mạng xã hội. Phòng GD&ĐT quận Tân Bình yêu cầu trường phải kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân
Ngày 13/11, trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cần căn cứ vào Nghị định số 34 của Chính phủ để xem xét hình thức kỷ luật những cán bộ là công chức của trường cho phù hợp.
Với những công chức không giữ chức vụ lãnh đạo thì hình thức kỷ luật có thể là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc. Với người giữ chức vụ lãnh đạo có thể bị khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc. Những hình thức kỷ luật này tùy thuộc vào tính chất, mức độ và hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm gây ra.
"Tôi thấy có hai việc đáng buồn đã và đang xảy ra trong ngành giáo dục là quy định về kỷ luật học sinh được ban hành 30 năm nay chưa có sự thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên, cán bộ giáo dục không quan tâm đến các quy định này mà thường tự mình đưa ra các hình thức kỷ luật (thậm chí đánh đập) một cách tùy tiện" - ông Cường nói.
Trong số rất nhiều các vụ việc kỷ luật học sinh bằng cách đánh đập, hành hạ sai quy định pháp luật, thì việc bắt học sinh đọc bản kiểm điểm trước toàn trường rồi quay lại video đăng công khai trên mạng xã hội như trường THCS Ngô Quyền cũng là hành vi sai quy định pháp luật.
Theo luật sư Cường, học sinh là những người chưa thành niên, đang trưởng thành, chưa phát triển đầy đủ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của bản thân mình với người khác, với xã hội. Bởi vậy, việc các em mắc lỗi, vi phạm các quy định, quy tắc, ứng xử chưa chuẩn mực là chuyện bình thường.
Người lớn, bố mẹ, nhà trường, thầy cô giáo có trách nhiệm phát hiện, chỉ ra, khuyên bảo học sinh vi phạm. Nếu cố ý vi phạm mà việc nhắc nhở, khuyên răn không có tác dụng thì mới áp dụng các hình thức kỷ luật theo quy định.
"Việc kỷ luật nhằm mục đích giáo dục, phát huy vai trò giáo dục và không được làm tổn hại đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của học sinh, không để việc thi hành kỷ luật tác động xấu đến tâm lý và hình thành nhân cách của trẻ”, Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Đồng thời, luật sư Cường cho rằng, việc giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm của học sinh phải tuân thủ các quy định của luật giáo dục và các văn bản có liên quan, việc giáo dục cũng cần phải phù hợp với đạo đức, văn hóa, xu hướng phát triển của xã hội.
“Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông và đặc biệt là mạng xã hội khiến thông tin rất đa dạng, đa chiều, truyền tải nhanh chóng, điều này cũng tác động tích cực hoặc tiêu cực đến với con người và đời sống xã hội. Bởi vậy, mỗi thông tin được truyền đi, được phát đi từ mỗi tổ chức, cá nhân đều phải hết sức thận trọng, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực xã hội”, Luật sư Cường nói.
Do vậy, việc bắt học sinh xin lỗi rồi công khai hình ảnh, clip trên phương tiện thông tin đại chúng, rồi lan truyền trên mạng xã hội, khiến học sinh đó thấy xấu hổ, thậm chí có thể nảy sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Hình thức này của nhà trường là cách kỷ luật tự phát, không có trong các quy định của pháp luật. Việc làm này sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của học sinh, thậm chí đến phụ huynh, những người thân trong gia đình của học sinh này.
Bởi vậy, Phòng GD&ĐT yêu cầu Ban giám hiệu trường THCS Ngô Quyền phải kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân. Sau khi có báo cáo kiểm điểm từ trường, Phòng sẽ gửi lên Sở GD&ĐT để báo cáo về Bộ GD&ĐT; chờ ý kiến chỉ đạo từ các bên liên quan là có cơ sở.
Theo điều 42 của Thông tư 12, các hình thức kỷ luật gồm: Phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi vào học bạ; buộc thôi học có thời hạn. Không có quy định nào về việc đăng tải clip kỷ luật học sinh lên mạng, cũng không có nội dung buộc học sinh đọc bản kiểm điểm trước toàn trường.
Theo ông Cường, những hành động, hoạt động phải phù hợp với các quy định của pháp luật và không được gây phương hại đến sự phát triển và hình thành nhân cách của trẻ, vi phạm các quy định của pháp luật về quyền trẻ em.
Bình luận