• Zalo

Kỳ lạ nơi cưới nhau tuổi 13 và đàn ông phải phục vụ đàn bà

Phóng sựThứ Ba, 02/02/2016 06:37:00 +07:00Google News

Nơi đây, trai gái cưới nhau từ thuở 13 tuổi; hay đàn bà nhậu, đàn ông phải phục vụ; thích đẻ con gái hơn con trai…

Từ bỏ cuộc sống hang đá, người dân nơi đây mang theo nhiều phong tục tập quán độc đáo, như trai gái cưới nhau từ thuở 13 tuổi; hay đàn bà nhậu, đàn ông phải phục vụ; thích đẻ con gái hơn con trai…


Vui vẻ nhận phạt “tảo hôn”


Trên danh mục thống kê Nhà nước Việt Nam, người A Rem được xem như là nhóm địa phương của người Chứt, nói ngôn ngữ Việt – Mường (bao gồm như Sách, Mày, Mã Liềng, Rục, A Rem). Nhóm người này sống tập trung ở xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), trong một bản duy nhất có tên gọi là 39.

Trên con đường bê tông trải từ đầu làng đến cuối xã Tân Trạch, người viết khá ngạc nhiên khi bắt gặp rất nhiền nam nữ khuôn mặt đang “búng ra sữa” nhưng đã có con bồng con bế bên hông.

Bí thư xã Nguyễn Trí Sỹ, người “hướng dẫn viên” của tôi cho biết, trai gái ở đây thực ra tuổi đời còn khá trẻ, vì lập gia đình sớm nên giờ đều đã có con. Khi buột miệng hỏi độ tuổi kết hôn của “nam thanh nữ tú” A Rem, tôi khá giật mình: 13 tuổi.

Chỉ tay về cô gái có khuôn mặt khá bầu bĩnh đang bế một đứa bé độ chừng hơn 1 tuổi, ông Sỹ bảo: “Nó là Y Nê, năm nay mới 15 tuổi, lấy chồng từ khi mới qua 13 tuổi một chút”. Không biết “bà mẹ trẻ” ấy có hiểu gì không, nhưng cô bất chợt nhoẻn cười bẽn lẽn.

Cô bé Y Rai mới 16 tuổi đã có con bồng, con bế. Ảnh: T.M
Cô bé Y Rai mới 16 tuổi đã có con bồng, con bế. Ảnh: T.M  

Bí thư Sỹ nhìn sang cậu thanh niên đang ngồi sửa lại tấm vải địu con trong hội trường UBND xã, ông cho biết đó là Đinh C’Rai, sắp tròn 17 tuổi, cũng lấy vợ từ năm 13. Bình thường không lên rẫy, thì “người cha” này ở nhà địu con lòng vòng khắp thôn bản.

Thấy mấy cậu bé choai choai, người nhỏ thó đi qua, ông Sỹ nói câu gì đó bằng tiếng A Rem với một thanh niên, rồi quay sang phiên dịch cho tôi, đại loại là ông hỏi cậu bé có tên Đinh Trặp, 13 tuổi, “mặt búng ra sữa” kia là tối có đi tán gái không? Thì được cậu chàng trả lời lại là có. “Nhìn vậy thôi chứ đều có người yêu cả rồi đó cô ơi”, Bí thư xã Tân Trạch tếu táo.

Hoàng hôn buông khá nhanh, khiến chúng tôi không kịp trở ra thành phố Đồng Hới như dự định nên đành ghé lại Tân Trạch một đêm. Nhân tiện, tôi cũng muốn được bám theo chân Định Trặp, để xem trai gái nơi đây thể hiện tình yêu với nhau như thế nào.

Theo chân trai bản đi tán gái

Ánh trăng thượng tuần ở nơi miền sơn cước thăm thẳm này đã mọc lên đầu non. Trên đường đi “cưa gái”, Đinh Trặp kể: “Tuổi của bọn cháu bây giờ ít ngủ ở nhà với mẹ lắm, chủ yếu là đi ngủ bọn ở nhà bà Y Chu”.

Đang hào hứng, Trặp khoe luôn chuyện bố mẹ chuẩn bị bán trâu đi để “bỏ của” cho mình với bạn gái. Đám bạn của cậu đã lấy vợ gần hết rồi. Thấy mặt tôi nghệt ra vì ngạc nhiên, Bí thư Sỹ đi cạnh bèn gật đầu xác nhận.

Bản A Rem chưa có điện, nên thanh niên A Rem rất thích những đêm trăng sáng. Khi ánh trăng đã lấp ló gần cây sào, trai gái cả bản bắt đầu đổ về nhà bà Y Chu. Bởi từ lâu, căn nhà này được ví như “công viên” dành cho các đôi trai gái đến tìm hiểu.

Người đàn bà đang vùi ngô nướng trong đống tro than củi kể cho chúng tôi nghe: “Thực ra tục này đã có từ lâu đời rồi, khi tôi sinh ra đã được nghe kể về nó. Đối với dân tộc A Rem, trai gái đến tuổi cập kê phải tự đi tìm hiểu nhau, người lớn không can thiệp. Những đêm trăng sáng, chúng kéo đến đây tâm sự, chuyện trò. Cặp nào ưng bụng nhau thì đêm đó ngủ lại đây luôn, không về”.

Khi số trai gái tụ tập về nhà bà Chu đã đông đáng kể, họ bắt đầu hát giao duyên bằng tiếng A Rem. Tối khuya, các đôi trai gái ngủ lại luôn ở nhà bà. Sau nhiều đêm tự tìm hiểu, nếu cô gái đồng ý thì chàng trai đó sẽ đến nhà vợ tương lai để “bỏ của”, cứ thế họ về sống với nhau. Vậy nên, mới có hình ảnh nhiều cặp vợ chồng địu con lên rẫy nhìn như hai đứa trẻ chưa hết mùi sữa trên miệng.

Đinh C’Rai mới 17 tuổi nhưng cũng đã có con đầu lòng. Ảnh: T.M
Đinh C’Rai mới 17 tuổi nhưng cũng đã có con đầu lòng. Ảnh: T.M  

Ngay như ông Đinh Rầu, Chủ tịch xã Tân Trạch, đường đường là một cán bộ, nhưng trong gia đình ông vẫn có cô con dâu cưới thuở 13 tuổi. Cô bé đó tên Y Trinh, vợ của Đinh Đa (con đầu ông Rầu). Hai vợ chồng bằng tuổi nhau, cưới được 2 năm rồi. Nói về chuyện của con, ông Rầu bảo: “Nó ưng cái bụng nhau rồi, miềng không cấm được mô”.

Góp vui vào câu chuyện của chúng tôi, già làng Đinh Đe cười bảo: “Thanh niên của bản cứ theo cái tập tục của các cụ để lại thôi. Phụ nữ người A Rem được toàn quyền quyết định chuyện hôn nhân. Con gái đến tuổi lấy chồng, con trai phải làm lễ “bỏ của” theo yêu cầu của nhà gái”.

Video hủ tục hiến tế trẻ em ở Uganda


Gặp một cô bé mặt trẻ măng địu đứa nhỏ đứng gần trụ sở UBND xã, tôi lại gần hỏi thăm: “Em cháu đây à”? Nghe hỏi vậy, cô bé nhìn tôi rất ngạc nhiên: “Con của mẹ cháu đấy”. Hóa ra, cô bé có tên là Y Rên lấy chồng cách đây 2 năm. Mẹ chồng Rên vừa sinh đứa con gái được mấy tháng, nên cô bế em hộ mẹ.

Những thanh niên trong bản lấy vợ sớm đã đành, ngay cả con cán bộ xã cũng không thực hiện chủ trương của nhà nước đề ra. Nhìn quanh thấy người ta có cháu bế bồng, mình cũng muốn, nên nhiều người chấp nhận phạt. Với cái lí như thế thì cán bộ chỉ có nước “bó tay”.

Nhìn cho rộng ra thì đây là một hủ tục cần sớm được thay đổi, bởi hệ lụy của nó sẽ ảnh hưởng lâu dài. Bí thư xã Tân Trạch Nguyễn Trí Sỹ cho biết, trước tới nay, chính quyền địa phương cũng đã vận động, tuyên truyền cho bà con hiểu, nhưng sắp tới đây sẽ đẩy mạnh hơn nữa các công tác này, để tiến tới xóa bỏ hủ trục trên.

Con gái A Rem rất có giá

Bản người A Rem nằm giữa lòng di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẽ Bàng (Quảng Bình). Ngôi làng của người A Rem lọt thỏm trong dãy núi Trường Sơn hùng vĩ.

Sau 55 năm được phát hiện với tổng số người chỉ trên dưới 100 nhân khẩu, đến nay, cuộc sống của người dân A Rem xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã có nhiều thay đổi, để hòa nhập với cuộc sống hiện tại. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nét văn hóa lạ lẫm.

Đàn bà được đi nhậu thoải mái, trong khi đó, đàn ông trông nom công việc nhà, phục vụ, chăm sóc khi vợ… say. Tộc người này không lấy người ngoài dân tộc mình, nên con gái A Rem rất có giá. Thế nên mới có chuyện trong số 54 dân tộc của nước ta, hiếm có dân tộc nào lại thích đẻ con gái như người A Rem. Ai sinh được nữ nhi là cả bản mở tiệc ăn mừng.

Những đứa trẻ A Rem ở Tân Trạch. Ảnh T.M
Những đứa trẻ A Rem ở Tân Trạch. Ảnh T.M  

Theo lý giải của ông Đinh Rầu, Chủ tịch xã: “Khi con trai sang làm lễ “bỏ của” nhà con gái, nếu gia đình nhà gái nhận thì người này sẽ được coi là vợ luôn. Người A Rem thích sinh con gái hơn con trai, thậm chí trong gia đình, họ còn có quyền hành hơn đàn ông. Mỗi khi các mế, các cô trong bản uống rượu, đàn ông phải ra khỏi nhà. Họ không được uống rượu chung mâm, ngồi chung bàn tiệc với phụ nữ. Còn nếu người đó không ra khỏi nhà thì phải phục vụ cho những người đàn bà ở đó uống rượu”.

Trong cuộc sống hằng ngày, không chỉ riêng người chồng mà ngay cả gia đình chồng cũng phải e dè với những cô con dâu. Bởi nếu để họ phật ý bỏ về nhà mẹ đẻ, gia đình chồng sẽ bị phạt “lỉnh kỉnh” thứ.

Khi rơi vào hoàn cảnh này, phía nhà chồng phải chuẩn bị 3 con gà trống, 3 hũ rượu ngon và 2 triệu đồng làm quà cho nhà gái để xin lại vợ. Nếu để vợ bỏ về lần nữa thì lễ xin vợ tăng lên gấp đôi. Nhà trai không đủ tiền thì khất nợ và sau đó, chú rể phải đến làm việc cho nhà cậu cô dâu trả nợ. Hoá ra, phụ nữ A Rem có một cái quyền được coi là thượng tôn.

Ông Nguyễn Trí Sỹ chia sẻ các tập tục, văn hóa của người A Rem với PV. Ảnh: T.M
Ông Nguyễn Trí Sỹ chia sẻ các tập tục, văn hóa của người A Rem với PV. Ảnh: T.M  

Ông Đinh Rầu cho biết tiếp: “Đây là những bản sắc riêng của người A Rem từ khi còn sống trong hang đá. Người phụ nữ ở đây rất được coi trọng, họ có những thứ đặc quyền nhất định.

Người A Rem bao đời nay hễ nhà nào sinh con gái thì rất vui sướng, làm gà, mổ lợn, nấu rượu mở tiệc ăn mừng. Con gái được xem là tài sản quý của dòng họ. Việc cưới xin ở đây cũng khá độc đáo, lễ "bỏ của" bên nhà gái do cậu ruột (em hoặc anh trai của mẹ cô dâu - PV) quyết định và hưởng trọn vẹn quà lễ, bố mẹ của cô gái không được gì”.

Không phải câu chuyện một sớm một chiều

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Trí Sỹ, Bí thư xã Tân Trạch cũng không giấu giếm: “Cũng như các dân tộc khác của Việt Nam, tộc người A Rem có khá nhiều lễ cúng bái. Họ chẳng những cúng ma nhà (tổ tiên) mà còn cúng cả ma rừng.

Mang trong mình nhiều nét văn hóa đặc sắc, lạ lẫm, tuy nhiên, vì ít tiếp xúc với cuộc sống văn mình nên ở đây vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm lạc hậu. Chính quyền cũng thường xuyên phối hợp với các thầy cô giáo vùng xuôi lên công tác ở đây tổ chức tuyên truyền, vận động bà con hủy bỏ những tập tục trên. Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện một sớm, một chiều”.

Nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng già Trường Sơn, nhờ những tấm lòng thơm thảo từ khắp mọi miền Tổ quốc, người A Rem hôm nay không còn sống kiểu “ăn lông ở lỗ” như mấy mươi năm về trước, nhưng cuộc chiến chống đói nghèo, mù chữ vẫn còn gian nan lắm…


Nguồn: Túc Mạch(Người đưa tin)
Bình luận
vtcnews.vn