Bức thư viết tiếp: “Vừa rồi tôi có đi làm xét nghiệm để cho ông HLV trưởng đội bóng đá Việt Nam Rét Đi (Alfred Riedl - PV) người Áo mà không hợp. Vậy quý vị đừng ngần ngại, cháu nào cần đến sự sống tôi sẵn lòng san sẻ sự sống ấy. Giúp người khác nối dài sự sống sẽ như một tiếng chuông chùa giữa đêm khuya giúp tỉnh lại nghĩa sống ở đời”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, tổng số tiền chi phí cho một ca ghép thận rất đắt đỏ. Nếu phẫu thuật ở nước ngoài sẽ mất 500 - 600 triệu đồng còn ở Việt Nam cũng phải mất ít nhất 200 - 300 triệu đồng. Thế nên chuyện một người đang khỏe mạnh bỗng dưng tình nguyện san sẻ một lá gan hay một quả thận cho người không quen là chuyện còn hơn cả động trời.
Kỳ lạ thay, việc thiện nguyện ấy không chỉ bộc phát trong chốc lát mà nó kéo dài bằng sự quyết tâm ghê gớm. Kể từ khi gửi bức tâm thư thỉnh thoảng người ấy khi thì điện thoại khi lại đích thân đến bệnh viện để…giục giã xem chuyện sắp xếp hiến tạng đến đâu rồi. Khi biết khó tìm người thích hợp để nhận gan, anh chuyển sang hiến thận.
Lá thư hiến nội tạng |
Lại một chuỗi ngày lê thê chờ đợi cho đến năm 2007 bệnh nhi Nguyễn Hữu Hiệp ở thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) làm xét nghiệm thì thấy hoàn toàn phù hợp với thận của người hiến tặng. Hiệp là ca thứ ba xét nghiệm, hai ca đầu đều cho kết quả không tương thích. Gia cảnh Hiệp nghèo lắm! Bố làm bảo vệ, mẹ bán rau dưa ở chợ, trầy trật bán sức ngày ngày họ cũng mong đủ cơm cháo nuôi con. Không may là năm Hiệp đang học lớp ba trong một lần ốm nặng người ta phát hiện ra em bị bệnh suy thận. Nghĩ tình máu mủ ruột rà, bố Hiệp xung phong hiến thận cho con trai nhưng 9 tháng sau run rủi thế nào em lại nhiễm siêu virus khiến cho quả thận ghép bị hỏng.
Từ bấy, sức khỏe Hiệp giảm sút nhanh như cái bình thủng đáy. Trung bình một năm thời gian em nằm ở bệnh viện cấp cứu còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Người hiến thận phù hợp là bố thì đã cho và thất bại, người khác hiến không hợp hoặc có hợp gia đình cũng không biết đào đâu ra mấy trăm triệu để mua. Cả nhà em chua xót khi biết cửa tử của con trai mình đã cận kề, sự sống của nó mỏng manh như lửa trên ngọn bấc của chiếc đèn dầu đã cạn. Hy vọng của họ lại trở về khi biết tin có người tình nguyện hiến thận và xét nghiệm thì người đó hoàn toàn phù hợp với Nguyễn Hữu Hiệp.
PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm thực sự bị ấn tượng bởi người hiến tạng vô cùng đặc biệt kia bởi nhẽ: “Khi có bệnh phải tiêm một mũi đã đau biết chừng nào đằng này quá trình chuẩn bị cho việc ghép thận phải trải qua 59 xét nghiệm, mỗi xét nghiệm lại có vài xét nghiệm nhỏ, đau đớn như một cực hình. Người hiến đã chuẩn bị tinh thần cho một tình huống xấu nhất nếu ca phẫu thuật có biến chứng…”.
Anh Thọ cho gà ăn |
Tháng 11/2007, ca ghép thận thành công. Nguyễn Hữu Hiệp được tái sinh lần thứ hai trong niềm vui sướng đến vỡ òa của họ hàng, dòng tộc. Sau khi phục sức, người hiến tạng lặng lẽ trở về với công việc thường ngày của một anh nông dân và từ chối những món quà hay cả những lời thăm hỏi từ phía gia đình Hiệp.
Phải rất kỳ công đến tận nhà bố vợ của anh ở một tỉnh khác để xin địa chỉ rồi nhờ một người hàng xóm thân thiết thuyết phục, anh mới chấp nhận gặp mặt trong chốc lát để kể tôi nghe chuyện đời mình.
Là con trai duy nhất trong một gia đình có tới sáu chị em, bố là thương binh thời chống Pháp bị mù cả hai mắt còn mẹ là một cô thợ cấy chính hiệu. Chẳng may bố mẹ mắc bạo bệnh lần lượt ra đi đột ngột với hai bàn tay trắng, anh bắt tàu vào Nam vạ vật kiếm miếng ăn qua ngày bằng nghề thợ nề nay đây mai đó. Tình cờ một lần khi đang thất nghiệp, anh có ghé vào một ngôi chùa ở huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng xin cơm chay và được thượng tọa giác ngộ giáo lý nhà Phật. Cảm tấm chân tình, anh xin ở lại luôn trong chùa để sáng tụng kinh, bửa củi, chiều hái chè, hái cà phê. Chốn cửa thiền như làm cho anh thấm đấm những huyền diệu của đạo Phật, của từ bi, hỉ xả, của lẽ sống cao đẹp ở đời.
Anh bảo Bồ Tát dạy lục độ tức sáu phương pháp để cứu vớt mình và cứu vớt người gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Tự nhủ với lòng kẻ có tiền của thì làm từ thiện còn người như mình sẽ tình nguyện hiến tạng, thế là anh viết đơn. Khi chuẩn bị lên bàn mổ để gây mê, bác sĩ hỏi có sợ không, anh trả lời không chút do dự: “Tôi bình thường”. Nghi hoặc lời của người hiến tạng, ông cầm cổ tay anh bắt mạch một hồi rồi thốt lên thán phục: “Anh nói đúng, nhịp đập hoàn toàn bình thường! Lắm người mang tiếng là bố, là mẹ xung phong hiến tạng cho con nhưng khi chuẩn bị lên bàn mổ còn bỏ chạy, bỏ luôn cả chi phí xét nghiệm hàng trăm triệu đồng”.
Trầm ngâm rằng cuộc sống giờ chỉ quẩn quanh tiền nong, vật chất nên nhiều người nhìn nhau như kẻ thù, anh bảo thuyết phục thiên hạ bằng lời nói rất khó, chi bằng hãy hành động để lay chuyển thái độ của họ: “Có người bảo tôi là dại, sao không bán thận để được một đống tiền lại đem cho? Tôi nghĩ hiến tạng là một việc thiện cao quý hơn mọi thứ bố thí, từ thiện. Con sâu, cái kiến chúng cũng có quyền sống ở đời nên cần trân trọng còn làm người phải luôn giúp đỡ nỗi khổ của người khác, đem niềm vui đến cho người ta trong điều kiện mình có thể thực hiện chứ không phải giàu có mới làm được việc thiện. Tôi khỏe mạnh còn làm thế, những người bệnh trọng hoặc chết bất thình lình vì tai nạn nếu hiến tạng đi sẽ cứu được nhiều mạng sống của người khác ở đời. Tuy nhiên để việc hiến tạng thành một nề nếp tốt, Nhà nước cần phải nghĩ đến một cơ chế cho bản thân người đó và gia đình của họ”.
Chồng làm ruộng, nấu rượu nuôi gà còn vợ làm công nhân xa nhà hơn 30 km trong khi một nách hai đứa con nhỏ nheo nhóc đeo bám không nói ra nhưng gia cảnh kiếm đủ miếng ăn đã vã mồ hôi hột. Tôi hết nhìn ngôi nhà cấp bốn làm đã vài năm vẫn còn chưa sơn ve lại nhìn đứa con gái nhỏ trong lòng bố đang mút chùn chụt sữa. Miệng bố cười, miệng con cũng túm tím cười theo, ngoài thềm nắng chiều vàng ươm như mật.
Anh là nông dân Phạm Văn Thọ, nhà ở thôn Việt Hùng xã Đức Thắng (Hiệp Hòa, Bắc Giang).
Theo Dương Đình Tường - NNVN
Bình luận