Chuyến công tác tại một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, tôi đã vô tình gặp lại một đại cao thủ của môn võ kỳ lạ này. Bất ngờ hơn, chính ông là người đầu tiên đưa võ công huyền bí này ra đất Bắc và truyền dạy cho cả ngàn người. Lạ hơn nữa, tên tuổi một thời lừng lẫy giang hồ, từng khiến nhiều cao thủ võ lâm nghe tên đã thấy run rẩy sợ hãi ấy sống thanh bạc, ẩn dật dưới mái quê nghèo yên ả, thậm chí, nhiều người trong xóm còn không biết ông là người… có võ.
Cao thủ mai danh sau lũy tre làng
Tên người đàn ông bí ẩn ấy, làng võ Việt có lẽ ai cũng biết. Ông là Nguyễn Phong Cư, hiện đang sống ở thôn 3, xã Tình Cương (Cẩm Khê, Phú Thọ). Thực ra, nói là tình cờ, nhưng trước đây, khi tìm hiểu về những môn phái võ lạ ở Việt Nam, tôi đã rất muốn gặp ông. Thế nhưng, cơ duyên chưa đến nên dù đã nhiều cố gắng nhưng tâm nguyện đó của tôi không thành hiện thực.
Ngày ấy, khi tìm hiểu về những cao thủ võ Việt và những môn phái võ cổ truyền, tôi thấy sẽ là khiếm khuyết lớn nếu không nhắc tới Thất Sơn thần quyền, hay còn gọi nôm na là võ bùa. Tuy nhiên, ở ngoài Bắc, sau khi rộ lên một thời gian khoảng cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thì bởi cuộc “tương tàn” trên, các môn sinh theo học dòng võ này bỗng dưng… “mất tích”.
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một cao thủ của dòng võ này ở Hà Nội. Người đó là Ngô Xuân Chín, giang hồ gọi là Chín “cụt”, một thương binh bị mất cả hai chân. Trong câu chuyện của mình, ông Chín kể, chừng năm 1980, khi còn trong quân ngũ, thấy bạn bè tập môn võ kỳ lạ này, ông đã chết mê chết mệt.
Qua sự giới thiệu của những người bạn ấy, khi ra quân, dù đã bị cụt cả hai chân, ông đã nhiều lần tìm về Phú Thọ để tầm sư học đạo. Phải mất cả chục lần ngược xuôi, cảm thương sự kiên trì của ông, ông Nguyễn Văn Lộc, danh sư võ bùa có cả trăm môn sinh ở xã Văn Khúc (cạnh xã Tình Cương) khi ấy mới chịu thu nạp ông làm đệ tử.
Và, đúng như cái tên thần quyền, chỉ sau một giờ truyền dạy, ông đã “hấp thụ” được cơ bản bí quyết của môn võ lạ kỳ này. Về Hà Nội rèn luyện, chừng vài tháng sau, ông ngược lên Phú Thọ để sư phụ mình kiểm tra. Tại buổi lễ “tốt nghiệp” ấy, để ý, ông thấy sư phụ mình thường hay hỏi ý kiến của một người đàn ông dáng cao lớn, rắn chắc. Sau này, tìm hiểu ông mới biết người đó chính là sư phụ của sư phụ mình. Không ai khác, người đó chính là ông Nguyễn Phong Cư, người đầu tiên đem võ bùa ra Bắc.
Ngay thời gian đó, tôi đã muốn ngược lên Phú Thọ để gặp những người truyền dạy thần quyền ấy nhưng ông Chín đã can. Ông bảo, nghiệp võ đã khiến những cao nhân ấy mệt mỏi không muốn tiếp xúc với bất cứ ai nữa.
Lần này, về Tình Cương, tuy những lời dặn trước đây của ông Xuân Chín vẫn văng vẳng nhưng tôi vẫn muốn thử vận may của mình. Hỏi nơi ở của ông Cư thì được biết, ở xã này, chỉ có mấy người mang tên ấy. Thế nhưng, chẳng ai biết trong số những người mang tên đó, ai là cao thủ võ lâm. Mãi sau, khi tình cờ hỏi chuyện một cán bộ xã nghỉ hưu thì được biết, ông Cư ở thôn 3 chính là người tôi muốn gặp.
Nhà ông Cư ở lưng chừng dốc. Hôm ấy, ông đang nai lưng cùng đám thợ cải tạo, sửa chữa lại ngôi nhà gỗ đã cất được mấy chục năm của mình. Thấy người lạ đến thăm ông ngạc nhiên lắm. Càng ngạc nhiên hơn khi biết chúng tôi là nhà báo muốn gặp ông để hỏi chuyện về “nghiệp võ” huy hoàng năm nào.
Sau phút ngạc nhiên đó, người đàn ông tuổi đã lục tuần đó bỗng chùng nét mặt. Ông bảo, bây giờ, việc ông quan tâm nhất là phụ giúp vợ con chạy chợ mưu sinh, chứ chuyện võ nghệ thì ông đã “tuyệt giao” từ lâu lắm rồi, không muốn nhắc đến nữa. Tuy nhiên, khi nhắc đến những cao thủ thần quyền từng một thời làm mưa làm gió ở Hà Nội như Chín “cụt”, Thành “vuông”…, những đệ tử ruột của ông năm nào thì những ký ức xưa cũ trong ông lại ồ ạt trào về.
Gặp cao nhân hệt như trong phim kiếm hiệp
Ông Cư kể, ông đến với môn võ kỳ lạ này như định mệnh. Ngày ấy, khi đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh ông được cử đi học trường trung cấp giao thông để phục vụ chiến trường. Thế nhưng, may mắn, khi ông sắp tốt nghiệp thì chiến tranh cũng dứt. Chuẩn bị ra trường, ông xin thực tập tại một công ty cầu đường đang tham gia thi công cây cầu bắc qua sông Long Đại ở mãi huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ở công ty, ông kết thân với một người bạn hơn mình mấy tuổi tên là Hỡi. Ông bạn này mê săn bắn, hễ rảnh việc là vác súng vào rừng. Một buổi, khi đi săn về, ông Hỡi bảo ông là vừa gặp một chuyện lạ lùng không thể tin là có thật.
Chuyện là, chiều đó, mải mê đuổi theo bầy chim, ông Hỡi, bạn ông đã lạc vào một trang trại rộng lớn ở cạnh khu rừng vắng mà không biết lối ra. Đang loay hoay tìm đường thì bạn ông thấy phía xa có khói trắng bốc lên. Đi về hướng có vệt khói đó, bất ngờ ông Hỡi gặp một người đàn ông nhỏ thó đang ngồi canh lò đốt đá vôi. Mệt, khát ông Hỡi đã dừng chân hỏi chuyện và xin nước uống.
Người đàn ông đó nói giọng Huế, cử chỉ thì rất đỗi thân thiện, ân cần. Qua câu chuyện, người đàn ông đó nói ông ta tên là Nguyễn Văn Cảo, nhà ở gần chợ Đông Ba (Huế) nhưng bởi chiến tranh nên phải ly tán ra ngoài này để làm thuê kiếm sống.
Ông Hỡi và ông Cảo cứ thế mải mê trò chuyện, hệt như đã thân quen nhau từ lâu lắm. Khi mặt trời chuẩn bị khuất núi, đến lúc phải chia tay, bịn rịn, ông Cảo bảo, ông không biết mình sẽ ở đất này bao lâu nữa và hai người còn có duyên gặp lại hay không. Do vậy, để đánh dấu buổi gặp gỡ này, ông Cảo muốn tặng ông Hỡi một món quà.
Nghe ông Cảo nói vậy, ông Hỡi đã rất xúc động nhưng vẫn băn khoăn rằng không biết người đàn ông có vóc người nhỏ thó và nghèo khổ ấy định tặng mình thứ gì giữa chốn hoang vu này. Chẳng để ông phải chờ đợi lâu, ông Cảo bảo, ông muốn truyền lại cho ông Hỡi võ công mà cả đời mình đã khổ công rèn luyện.
Nghe ông Cảo nói vậy, ông Hỡi thấy vô cùng kinh ngạc. Võ công phải học cả năm, cả đời chứ làm sao có thể truyền lại trong chốc lát được. Thấy ông Hỡi sửng sốt thế, ông Cảo đã cười xòa và bảo, võ công đó là thần quyền, ai nhanh nhạy chỉ học trong nửa giờ là đâu vào đấy. Còn rèn luyện nâng cao đến đâu thì do tự thân mỗi người.
Nói rồi ông Cảo vào lều lấy mấy que nhang cùng 2 lá bùa có viết những chữ loằng ngoằng ra truyền thụ võ công cho ông Hỡi. Khi ấy, vẫn chưa hết ngạc nhiên và nghi ngại nhưng nghĩ người bạn mới quen ấy chân tình nên ông Hỡi cứ làm theo tất cả những gì mà ông Cảo hướng dẫn. Và, quả lạ lùng, chỉ hơn nửa giờ hấp thụ “võ công tuyệt thế” đó, ông Hỡi đã cảm nhận thấy nhiều sự biến đổi trong cơ thể mình.
Ông Cư kể, đêm đó, nghe ông Hỡi thuật lại cầu chuyện mình vừa gặp khi chiều, thoạt đầu, ông cũng chẳng tin. Ông cho rằng ông Hỡi đã thần thánh, bịa ra chuyện đó để mua vui với mọi người. Để chứng minh những lời mình vừa kể, ông Hỡi ra sân, lẩm nhẩm đọc chú rồi… đi quyền.
Thấy chân tay ông Hỡi múa may loằng loằng, động tác chẳng giống mấy người biết võ nên mọi người càng không tin. Bực mình, ông Hỡi bảo, ai không tin thì vào đánh thử. Nghe ông Hỡi nói thế, mấy cậu thanh niên hiếu thắng đã nhảy bổ vào. Thế nhưng, lạ kỳ, hễ người nào lao vào đều bị những thế võ loằng ngoằng của ông Hỡi đánh bật ra. Có người còn văng ra xa đến vài thước hệt như bị sức mạnh vô hình nào đó đẩy vậy.
Tận thấy cảnh đó, tuy vô cùng kinh ngạc nhưng ông Cư cũng chưa hẳn tin vào câu chuyện mà ông Hỡi kể. Biết có chứng minh thế nào thì bạn mình cũng chẳng tin, nên khi ai về giường nấy ông Hỡi vỗ vai ông bảo: “Tuần sau được nghỉ, tôi dẫn anh đến gặp người đó thì khắc biết!”.
Tuần sau, vừa tinh mơ, hai ông đã vội lên đường. Thế nhưng, tới trang trại nọ, những lò nung vôi vẫn còn nguyên đó mà chẳng thấy bóng người. Hỏi ra mới biết, hai ông đã chậm chân bởi trước đó ông Cảo đã về Huế từ 3 hôm trước.
Bế quan nghiền bí kíp của tiền nhân
Ông Cư bảo, môn phái nào cũng vậy, sự học là vô biên, không bao giờ có giới hạn. Cái sự vô biên ấy với thần quyền còn mênh mông hơn gấp bội. Nếu các môn võ khác có chiêu thức, có bài bản, người luyện tập chỉ cần chuyên cần cùng với chút năng khiếu thì có thể đạt tới cảnh giới tối thượng nhưng thần quyền thì không phải vậy. Tuyệt kỹ võ công của thần quyền là sự xuất thần, là sự “ngẫu hứng thần thánh”. Chính bởi sự vô định đó nên không có thước đo, chuẩn mực nào có thể đánh giá, so sánh được. Bởi thế, luyện thần quyền thành tài hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cái duyên của người tập.
Tuy nhiên, ông Cư bảo, suốt mấy chục năm qua, bế quan nghiền ngẫm, từ cuốn bí kíp mà ông may mắn có được do sáng tổ Trần Ngọc Lơ để lại, ông đã biên soạn, chỉnh sửa và cho ra đời cuốn “bí kíp” thần quyền mới với nội dung cơ bản hơn, dễ hiểu, dễ học hơn.
Lần tìm trong ngăn tủ với vô khối những giấy tờ nhuốm màu thời gian, ông Cư lấy cho chúng tôi xem cuốn sách mà ông đã dày công biên soạn đó. Cuốn sách được đánh máy cẩn thận với những hình vẽ sắc nét, rõ ràng. Tuy nhiên, với những người ngoại đạo thì những hình vẽ đó chẳng khác gì đánh đố bởi không thể đoán biết chúng thể hiện nội dung gì.
Ông Cư bảo, chỉ những người học thần quyền mới đọc được những hình vẽ đó, những chữ kiểu tượng hình đó. Thế nhưng, đọc cũng chỉ là phát âm như kiểu mật khẩu chứ còn nội dung nó thế nào thì cũng chưa ai có thể giải thích rõ ràng, cặn kẽ. Ngay bản thân ông cũng vậy, đến tận bây giờ ông cũng chỉ biết nhận mặt hình, mặt chữ chứ còn nội dung nó thế nào thì ông vẫn không thể tỏ tường. Và, chính điều đó đã khiến thần quyền càng trở nên bí ẩn. Không ai có thể giải thích được vì sao cứ khi lẩm nhẩm những hình, những chữ đó thì… võ công lại đột ngột tìm về. Chữ đó là của ai, quy ước gì, đến từ đâu… vẫn là những câu hỏi mà người tập thần quyền như ông đang cố tìm câu trả lời dù biết việc đó là vô ích.
Cuộc chiến sinh tử với… áo cơm
Ông Cư bảo, thần quyền đến với ông là cái duyên, cái mệnh. Bởi thế, suốt cuộc đời này, dù muốn, dù không ông vẫn phải buộc chặt cuộc đời mình với môn võ lạ kỳ này. Thế nhưng, cơm áo chẳng đùa với… cao nhân, bởi cuộc mưu sinh nên trước đây, bây giờ và có lẽ là vài năm tới nữa, ông phải tạm gác võ công sang một bên để toan lo cuộc sống.
Ông kể, rời quân ngũ trở về quê, đối diện với cuộc sống thực tại, những mơ mộng về cuộc đời phiêu lưu giang hồ của ông thời trẻ ngay lập tức vụt tan. Không còn những mộng mơ nay đây mai đó cùng đám huynh đệ luyện võ dưới trăng, không còn những chuyến đi dài ngày thăm anh em cùng môn phái ở những vùng đất lạ nữa mà thay vào đó là việc gánh vác trọng trách giúp vợ nuôi các con khôn lớn, thành người.
Sống cạnh sông Hồng nặng đỏ phù sa nên nhà ông theo nghề nông thuần túy. Những năm trước đây, ông kể, dù bạc mặt với ruộng, với vườn nhưng như bao gia đình ở vùng trung du này, lo cái ăn cái mặc cũng xẩm mặt tím mày.
Những lúc nông nhàn, vợ chồng ông lại kẽo kẹt xe hoa quả, rong ruổi đến các chợ vùng sâu, vùng xa để bán buôn, trao đổi. Những khi quần quật với ruộng vườn hay lăn mình bên chiếc xe trĩu nặng đó, chẳng ai còn nhận ra ông từng là một cao thủ quyền thần nữa. Ngay cả ông cũng vậy, ông bảo, nhiều khi ông cũng không nhận ra chính mình nữa. Thế nhưng, cuộc sống là vậy, nhiều khi vẫn phải quên đi lý tưởng, hoài bão để đối diện với thực tại.
Hôm chúng tôi tìm về Tình Cương gặp ông là hôm ông được vợ mình “cho phép” nghỉ việc chợ búa. Ông ở nhà để cùng đám thợ sửa nhà. Mồ hôi nhễ nhại, áo quần lấm lem. Nói tương lai, ánh mắt ông xa xăm lắm. Ông bảo, chắc phải vài năm nữa, khi kinh tế gia đình ổn định hơn, ông mới dám cùng thần quyền tái xuất giang hồ chứ bây giờ thì chưa thể.
Ông kể, trong suốt thời gian mai danh ẩn tích vừa qua, cũng có nhiều người bởi đam mê môn võ lạ này đã không quản đường xá xa xôi lặn lội tìm đến bái ông làm thầy, khẩn mong ông truyền thụ thứ võ công siêu hạng đó. Thế nhưng, nghĩ mình còn nhiều việc phải lo nên ông đã khéo léo chối từ tất cả. Một vài năm tới, nếu có cơ hội phát dương môn võ trở lại, ông tin chắc rằng sẽ có rất nhiều sẽ tìm đến với ông để cùng ông đi tiếp chặng đường võ học còn dang dở ấy.
Quá khứ ngủ yên
Nhắc đến môn võ thần bí này không thể không nhắc tới cao nhân Nguyễn Văn Lộc (xã Văn Khúc, Cẩm Khê) ngay giáp xã Tình Cương, nơi ông Cư ở. Ông Lộc từng học Thiếu lâm khi còn trong quân đội, thế nhưng, sau trận tỉ thí với ông Cư, thấy thần quyền có sức mạnh vô song, ông Lộc đã bái ông Cư làm thầy ngay từ “buổi ban đầu” đó. Và, cũng chính từ ông Lộc, thần quyền đã lan tỏa khắp các tỉnh thành và được nhiều người biết tới.
Theo chỉ dẫn của ông Cư, men theo con đường đất đỏ ngoằn nghoèo, chúng tôi tìm đến nhà ông Lộc. Nhà ông Lộc nằm trên mỏm đồi, trước mắt là bãi đầm phá trắng xóa nước. Ngôi nhà cấp 4 nhỏ xinh nép mình dưới tán tre mát rượi. Trưa hè, thôn quê im lìm, chỉ thấy tiếng ve và tiếng gió đưa xào xạc. Nhà ông Lộc đóng cửa im ỉm. Gọi một hồi mới thấy người đàn bà thấp bé từ dưới bếp chạy ra bảo: “Các chú tìm nhà tôi à? Nhà tôi vừa đi làm vắng, mời các chú vào nhà xơi nước!”.
Vừa rót nước mời khách người đàn bà đó vừa nhanh nhảu: “Hẳn các chú ở Hà Nội lên? Các chú lên sớm vài phút nữa thì gặp nhà tôi ở nhà đấy, ông ấy vừa đi đặt đó dưới đầm ấy! Các chú cứ uống nước đi, nếu có việc cần thì tôi sẽ gọi ông ấy về!”.
Trong lúc chờ chồng về, trò chuyện với chúng tôi, vợ ông Lộc bảo, chồng bà hay có khách phương xa đường đột tìm đến. Họ đến tìm ông cũng chỉ với một mục đích nhờ ông truyền dạy thần quyền. Có người đến cả vài ba lần, thế nhưng, theo bà thì hình như tất cả những vị khách đó đều phải ra về trong thất vọng. Chẳng biết vì lý do gì mà chồng bà không chịu nhận họ làm đệ tử.
Đang mải câu chuyện thì chợt vợ ông Lộc khoát tay: “Kia kìa, ông ấy về rồi đấy!”. Phóng tầm mắt ra đầm nước dưới chân đồi, chúng tôi thấy người đàn ông nhỏ thó đang mải mê chèo chiếc thuyền con tiến lại. Những động tác chèo của ông hấp tấp, vội vàng trông vô cùng vất vả. Chỉ một loáng sau đã thấy ông xuất hiện trước nhà. Nước da ông đen đúa, khuôn mặt ông khắc khổ hệt như những lão nông cả đời chỉ biết đến những vất vả của ruộng đồng, cấy hái.
Sau cái bắt tay nồng nhiệt, cũng như ông Cư, ông Lộc bảo, nghiệp võ ông cũng đã gác lại mấy chục năm rồi. Gánh nặng gia đình đã níu chân ông, không cho ông bay nhảy nữa. “Nhà tôi trước hay đi lắm nhưng mấy chục năm nay tinh có ở nhà thôi! Các bạn ông ấy ở đâu đó thỉnh thoảng đến chơi thì đến chứ ông ấy ít đi lắm!”, vợ ông chen ngang.
Trong lúc vợ mình trò chuyện với khách, ông Lộc vớ điếu cày, rít liền mấy hơi, thả khói mù mịt. “Nghiệp võ với tôi là chuyện quá khứ rồi các anh ạ! Tôi cũng đã có tuổi, sức khỏe cũng chẳng có nữa, thế nên đành giã từ thôi, chẳng biết thế nào được!”.
Sau bi thuốc lào, buông mắt theo những vệt khói mờ ảo, ông Lộc nói bằng giọng buồn buồn:“Biết các anh vất vả lên đây, nhưng thôi, để khi nào có thời gian, tôi sẽ cùng các anh trò chuyện, chứ hôm nay tôi bận lắm!”. Ông Lộc từ chối khi chúng tôi có nhã ý hỏi về chuyện ông truyền dạy thần quyền, rồi cùng mấy anh em huynh đệ đưa thần quyền về định gây dựng môn phái ở Hà Nội hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Nói xong lời chối từ đó, ông ngồi thần mặt như tiếc nuối điều gì ghê gớm lắm. Hình như, với người đàn ông này, quá khứ đã để lại nhiều nhiều kỷ niệm vui ít, buồn nhiều nên ông không muốn nhắc tới. Biết là có thuyết phục thế nào cũng vô hiệu nên chúng tôi cũng đành thôi.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi thêm vài phút nữa ông Lộc lại tất tả đứng dậy, đội nón mê lên đầu và khấp khởi đi. Nhìn người đàn ông tất tưởi trong nắng chiều nhợt nhạt ấy, dù biết rất rõ nhưng chúng tôi cũng chẳng thể nghĩ ông lại là một trong những cao thủ thần quyền tiếng tăm một thời vang dội.
Thu Trinh
Bình luận