• Zalo

Kỳ lạ ngôi làng của những người tự dưng lăn ra ngủ cả tuần

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 13/06/2014 06:16:00 +07:00Google News

(VTC News) – Những cư dân ở đây có thể đột nhiên ngủ say sưa đến tận 6-7 ngày đêm mới tỉnh dậy, mà chẳng hề biết nguyên nhân.

(VTC News) – Những cư dân ở đây có thể đột nhiên ngủ say sưa đến tận 6-7 ngày đêm mới tỉnh dậy, mà chẳng hề biết nguyên nhân.

Kalachi là ngôi làng nhỏ bé nằm lân cận với khu vực Krasnogorsk – một thị trấn công nghiệp thời Liên Xô cũ bị bỏ hoang nay thuộc đất nước Kazakhstan. Sẽ chẳng có gì đáng nói về nơi đây nếu như người dân không mắc phải một hội chứng kỳ lạ mà giới khoa học gọi là “Hội chứng người đẹp ngủ”.

Chứng bệnh quái ác này có thể khiến con người ta đột nhiên rơi vào trạng thái ngủ say sưa cho dù họ đang làm bất cứ việc gì lúc đó, và đáng sợ hơn là giấc ngủ có thể kéo dài tận 6-7 ngày đêm liên tục. Nó giống như một bộ phim kinh dị ám ảnh cư dân của ngôi làng nhỏ bé.

“Hội chứng người đẹp ngủ” thì đã được giới khoa học biết đến từ lâu. Thế nhưng, nguyên của nó cho đến giờ vẫn còn là bí ẩn. Hơn nữa việc có nhiều người mắc phải tại cùng thời điểm và trong một phạm vi nhỏ bé thì chưa bao giờ được ghi nhận. Điều này càng khiến cho các chuyên gia thực sự đau đầu.

Marina Felk, một trong những nạn nhân đầu tiên, đang được chăm sóc tại bệnh viện 

Căn bệnh bí ẩn không xuất hiện thường xuyên mà tạo thành từng đợt. Chúng được ghi nhận lần đầu ở Kalachi vào tháng 3/2013, lần tiếp theo diễn ra vào khoảng tháng 5/2013, tiếp nữa là vào dịp đầu năm 2014 và lần gần nhất mới chỉ diễn ra vào tháng trước.

Tổng cộng có chừng 40-60 người được ghi nhận là đã phải trải qua giấc ngủ kỳ quái nọ, trong một khu vực dân cư không hề đông đúc. Hầu hết những người này cũng gặp phải chứng mất trí nhớ tạm thời sau khi tỉnh giấc. Điều này càng khiến cho họ hoang mang.

Một trong những nạn nhân đầu tiên ở Kalachi là thợ vắt sữa 50 tuổi Maria Falk. “Tôi đang vắt sữa bò vào buổi sáng mai như thường lệ, thế rồi ngủ thiếp đi”, bà kể lại. “Tôi không nhớ gì cả cho đến khi tỉnh lại trong bệnh viện, các y tá mỉm cười nhìn tôi và nói: “Xin chào mừng công chúa ngủ, cuối cùng thì cô cũng tỉnh lại rồi!”.

Maria đã ngủ say sưa suốt hai ngày đêm, ngay trên cái ghế vắt sữa của mình. Những người phụ nữ làm cùng đã phải đưa bà đến bệnh viện, sau khi đã cố gắng đánh thức rất nhiều lần mà không hề mang lại hiệu quả.

Một điều khó hiểu nữa là căn bệnh không chỉ ảnh hưởng đến cư dân địa phương mà cả những người khách đến thăm nơi đây cũng có nguy cơ mắc phải. Điển hình như trường hợp của Alexey Gom, một anh chàng 30 tuổi khỏe mạnh đến Kalachi để thăm bà mẹ vợ.

Alexey cùng với vợ trở về làng vào chiều hôm trước. Sáng hôm sau, khi anh bật máy tính để xem xét một số công việc hàng ngày thì đột nhiên ngủ thiếp đi. “Giống như là ai đó nhấn nút và tắt tôi đi vậy!”, anh kể lại.

Alexey được mẹ vợ và vợ đưa vào bệnh viện sau khi đã ngủ li bì suốt 30 tiếng. Các bác sỹ sau hàng loạt xét nghiệm, kiểm tra… đã kết luận anh hoàn toàn khỏe khoắn như thường. Alexey cũng khẳng định trước đây chưa hề gặp điều tương tự, thậm chí là cả gia đình anh của chưa bao giờ như thế.

Thị trấn Krasnogorsk từng khá tấp nập dưới thời Liên Xô cũ, nay gần như đã bị bỏ hoang 

Thế nhưng Alexey và Maria chỉ là những ca bệnh nhẹ. Đã có báo cáo về trường hợp một người ngủ suốt cả tuần liền. Thậm chí có tin đồn rằng một người đàn ông địa phương có thể đã bị nhầm là đã chết (khi ông ta rơi vào trạng thái li bì nhiều ngày liên tục), và đã bị chôn sống!

Một vài người bị “ngủ gật” nhiều lần, như trường hợp của Lyubov Belkova – một người bán quần áo ở chợ địa phương. Lyubov từng là nạn nhân của căn bệnh ít nhất 7 lần, trong khi con gái bà bị hai lần và cô cháu gái 15 tuổi cũng đã bị một lần.

Một số gia đình bị ảnh hưởng liên tục với nhiều người, trong khi nhiều gia đình khác lại dường như miễn dịch. Có vẻ như căn bệnh xảy ra chủ yếu với những gia đình người Nga và người Đức.

Cư dân địa phương ngày càng hoang mang. Không ai biết chính xác thời điểm nào có thể bị căn bệnh đột ngột “viếng thăm”. Bởi vậy, hầu hết mọi người đều chuẩn bị sẵn những giấy tờ cần thiết để trong người, phòng trường hợp cần được đưa vào bệnh viện.

Khi căn bệnh phát sinh lần đầu tiên vào năm 2013, các bác sỹ cho rằng đó là hậu quả của những chai vodka kém chất lượng. Điều này nhanh chóng bị bác bỏ do chẳng người nào trong số 6 nạn nhân đầu tiên uống rượu trước khi cơn buồn ngủ xảy ra.

Một số người dân nghĩ rằng nguyên nhân là do vài năm gần đây thời tiết địa phương đã nóng lên đột ngột. Số khác lại cho rằng nước nhiễm xạ từ một mỏ Uranium bỏ hoang gần đó đã thấm vào sông suối của làng, làm ô nhiễm nguồn nước để ăn và sinh hoạt.

Lối vào khu mỏ khai thác Uranium đã đóng cửa, rất có thể là nguyên nhân của những chứng bệnh kỳ lạ trong vùng 

Các nhà khoa học từ khắp nơi cũng tìm đến để tổ chức nghiên cứu căn bệnh lạ. Người ta đã tiến hành khoảng 7.000 thí nghiệm từ các mẫu đất, nước, hiện vật… cho đến mẫu máu, tóc và móng tay… của các nạn nhân.

Họ cũng tiến hành đo đạc, từ nồng độ khí đốt ở dưới lòng đất cho đến cường độ tín hiệu điện thoại di động của địa phương. Họ đã thử nghiệm tìm kiếm khí metal, phóng xạ, muối kim loại nặng, vi khuẩn và virus… Tất cả đều không mang lại câu trả lời thuyết phục.

Trong quá khứ, Krasnogorsk là một thị trấn bí mật của Liên bang Xô Viết, được điều hành trực tiếp bởi Moscow. Nơi đây từng khá đông đúc với khoảng 6.500 cư dân, chủ yếu khai thác Uranium tại khu mỏ trong vùng và có cuộc sống tương đối sung túc nhờ chính phủ.

Tuy nhiên mọi thứ đã nhanh chóng thay đổi sau khi Liên Xô tan rã. Khu mỏ bị đóng cửa, phần lớn cư dân của thị trấn cũng bỏ đi do không còn việc để làm. Ngày nay Krasnogorsk gần như bị bỏ hoang với chỉ khoảng 130 người còn ở lại. Họ chủ yếu sống kham khổ với nguồn cung cấp hạn hẹp từ làng Kalachi với khoảng 680 người dân.

Điều này dẫn tới một giả thuyết về nguyên nhân căn bệnh mà một số nhà khoa học địa phương đang nghiên cứu. Họ cho rằng một số loại khí mang phóng xạ (trong đó có khí Radon – một loại khí gây mê thường dùng trong y học) thoát ra từ khu mỏ Uranium bỏ hoang chính là nguyên nhân của tình trạng “ngủ gục” nơi đây.

Thế nhưng khí Radon thông thường cũng chỉ khiến người bệnh mê man trong vòng một vài giờ, trong khi căn bệnh lạ có thể làm cho họ li bì vài ba ngày hay thậm chí là tuần lễ!

Thật không may, câu trả lời vẫn là điều bỏ ngỏ. Nurlan Kapparov – Bộ trưởng Tài nguyên và bảo vệ môi trường của Kazakhstan đã cam kết sẽ nỗ lực để ngăn ngừa căn bệnh. Hy vọng rằng người dân làng Kalachi sẽ sớm được giải thoát khỏi cơn ác mộng mang cái tên mỹ miều “Người đẹp ngủ” mà họ đang bị ám ảnh mỗi ngày.

Thái Hồ
Bình luận
vtcnews.vn