Mùa hè cách đây hơn chục năm, đồng bào Khmer ấp Đại Bái và Đại Bái A (xã Lạc Hòa, Vĩnh Châu, Sóc Trăng) hoang mang tột độ khi trạm y tế xã phát hiện ra rằng ở hai ấp này có tới 100 người bị mù, gồm cả một và hai mắt.
Ông Lâm Âu, Chủ tịch Hội CTĐ xã Lạc Hòa cũng là một người có nguy cơ mù mắt theo lời của một bác sĩ từng khám cho ông, vì mắt ông bị tắc tuyến lệ. Ngồi trò chuyện mà ông cứ liên tục lấy khăn lau mắt. Những giọt lệ ứ đầy trong mắt khiến đôi mắt ông có một lớp màng trắng phủ kín, nhìn cái gì cũng mờ mờ.
Ông Lâm Âu là người Khmer. Từ nhiều năm nay ông đau đáu với những đồng bào bị mù. Đi đâu ông cũng mang theo một cuốn sổ để thống kê số người mù phát sinh thêm trong xã, số người được khám, được mổ, được thoát mù.
Theo cuốn sổ ghi chép của ông, xã Lạc Hòa có 270 người bị hỏng mắt, trong đó ấp Đại Bái có 130 người, ấp Đại Bái A có 81 người bị hỏng mắt vĩnh viễn. Hai ấp này chỉ có vài hộ người Hoa, còn lại toàn là đồng bào Khmer.
Ông Lâm Âu bảo, ông thường xuyên theo dõi tin tức và ông khẳng định rằng, số người mù cũng như tỉ lệ người mù ở hai ấp này là cao nhất nước.
Nhìn vào con số người mù trong cuốn sổ học sinh ông ghi, tôi cũng tin lời ông nói. Sau khi lau rửa đôi mắt trắng đục vì tắc tuyến lệ của mình, ông dẫn tôi xuống hai ấp trên.
Ấp Đại Bái gồm những ngôi nhà lúp xúp lợp lá dừa nước nằm lấp ló sau những rặng tre rậm rạp, giữa những giồng cát mênh mông nắng gió.
Dưới cái nắng thiêu đốt, người dân vẫn oằn lưng cuốc xới ngoài đồng. Những bóng người xiêu vẹo trong cát bụi mù mịt vác chài lưới ra biển cào cá, cào ngao kiếm sống. Đi qua những cái ngõ nhỏ lượn quanh co dưới những bụi tre, tôi gặp mười mấy người mù ngồi dưới bụi tre, hong hóng khuôn mặt với những đôi mắt đục mờ vô dụng ra biển đón gió.
Nghe thấy tiếng người lạ, cả đám người của cái “xứ sở bóng tối” vui hẳn lên. Ai cũng muốn được trình bày, nêu ý kiến. Người xin được mổ mắt, người xin chút gạo sống trong những ngày tới, người đề bạt xây cho ngôi nhà tình thương.
Những khuôn mặt ngơ ngác, những cánh tay huơ huơ, những đôi tai thính nhạy dỏng lên đợi câu trả lời. Ông Lâm âu kiểm tra mắt rồi động viên từng người như thể họ là máu mủ, ruột rà của ông.
Chỉ khám sơ lược ông đã phát hiện thêm được mấy trường hợp có biểu hiện mắc các bệnh về mắt, có thể mù nếu không được chữa trị kịp thời. Ông ghi tên họ vào cuốn sổ mang theo, dặn dò họ phải vệ sinh sạch sẽ và hứa với họ sẽ đề nghị bác sĩ chữa trị cho từng người ngay khi có các đoàn mổ mắt về địa phương…
Chúng tôi đến nhà anh Thạch Hơn khi gia đình đang tổ chức đám cưới cho cô con gái út Thạch Thị Val. Đám cưới tuềnh toàng, chỉ có tấm bạt che tênh hênh trên ngọn cây, vài cái bàn ọp ẹp để giữa vườn, cái ti vi quay đầu video những bài hát Khmer. Tuy nhiên, đám cưới rất vui vì cả xóm đến uống nước, trò truyện rí ráu. Có rất nhiều người mù trong xóm đến dự.
Gia đình anh Hơn đã có đến 4 người mù. Anh Thạch Hơn bị mù từ 18 năm nay, và cũng từ bấy anh sống nhờ bàn tay chăm sóc, bàn tay làm lụng của vợ. Anh đã mù, sức khoẻ lại yếu nên chỉ biết đi ra đi vào. Hôm nào thấy người khỏe khoắn thì cùng cô con gái ra bãi biển kéo cá mạt, móc hến, ngao về ăn.
Chị trưởng ấp Lý Thị Liên bảo: “Tội lắm, thằng cha vác lưới vịn vai con lần dò ra biển cả tiếng mới tới nơi, vấp tóe máu chân. Cả ngày lặn ngụp ngoài biển cũng chỉ được dăm ba ngàn”.
Vợ anh Hơn, chị Thạch Thị Phi, hết mùa làm ruộng, làm màu lại mải mê đi làm thuê kiếm tiền nuôi gia đình.
Bà mẹ chồng Danh Thị El cũng đã mù tịt từ 30 năm nay, lại già yếu nên phải trông chờ vào bàn tay chăm sóc của chị.
Cậu con cả Thạch Hiền bị mù hồi 18 tuổi, lại mắc bệnh tâm thần, bỏ nhà đi đã mấy năm không thấy tin tức gì. Nhà toàn người mù nên không biết đi tìm ra sao. Chỉ còn biết ngóng ông giời có thương thì chỉ đường, dẫn lối cho Hiền tìm về, có chết cũng được xóm làng chôn cất tử tế ở bãi cát trước biển, bên cạnh tổ tiên.
Cô con gái Thạnh Thị Huê, 21 tuổi, may mắn hơn chút là chỉ hỏng một mắt trái. Mắt phải của Huê vẫn nhìn được lờ mờ.
Hồi năm 2000, khi Huê mới 15 tuổi, xinh đẹp như bông hoa, chỉ tội bị hỏng một mắt, gia đình lại nghèo quá, không nuôi nổi nên bố mẹ chô đi theo một sư cô ra mãi Vũng Tàu để nhờ sư cô nuôi dưỡng. Khi Huê lớn sư cô gửi đi ở cho một gia đình ở TP.HCM. Lương tháng được 400 ngàn cô gửi cho bố mẹ cả.
Hôm nay cưới Val, Huê cũng xin nghỉ về dự. Val là niềm hy vọng của cả nhà vì em lành cả 2 mắt. Nhưng giờ đi lấy chồng rồi đâu thể lo nhiều cho gia đình được nữa.
Đám cưới đang vui thì ông Lâm Âu thông báo một tin choáng váng sau khi vạch mắt chị Phi ra dòm: “Nếu không mổ kịp thời sẽ hỏng luôn cả hai mắt”. Thông tin này khiến cả nhà đâm lo. Cả nhà chỉ biết trông chờ vào sức khỏe của chị Phi. Chị mà mù nốt thì tận cùng bi kịch còn gì!
Đi qua những bờ ruộng quanh co, chúng tôi tìm đến nhà bà Lý Thị Nghiếm. Bà Nghiếm và chồng đều bị mù cả hai mắt. Ông bà chẳng làm được gì ngoài việc đi ra, đi vào. Chục năm nay, ông bà sống nhờ đám con, chúng đều nghèo khổ tận đáy như hầu hết những hộ dân Khmer sống giữa những giồng cát trắng mênh mông này.
Cạnh đó, còn có căn chòi nát, lỗ vách thông thống gió lùa, mưa hắt của hai mẹ con ông Thạch Cô, cả hai đều bị mù, lại chẳng có ruộng đất. Ông chỉ tay về phía biển bảo: “Vợ tôi và mấy đứa nhỏ đi làm thuê cho những đìa tôm ở ấp cạnh nuôi mẹ con tôi”.
Bà Thạch Kei, mẹ ông Cô mừng ra mặt: “Mẹ con tôi sắp có nhà mới rồi chú ạ. Mấy chú trên xã vừa xuống xem đất cát bảo cuối năm nay sẽ cất cho cái nhà tình thương, mừng quá!”.
Tôi đi quanh hai cái ấp nghèo này thấy có nhiều nhà tình thương quá, nhưng vẫn bát ngát những ngôi nhà lợp lá dừa nước, tường cũng “đắp” bằng lá dừa nước, cứ tênh hênh trên những đụn cát.
Thương nhất phải kể đến 2 chị Lâm Thị Kéo và Lâm Thị Cải, con chị Kim Thị Ly. Cả hai đều xinh xắn lạ thường, nhưng khổ nỗi bị mù cả hai mắt.
Hồi mới sinh, 2 chị em đã có biểu hiện lòa mắt, chưa kịp đến trường thì đã chẳng trông thấy đường đi. Chị Ly hốt hoảng bán hết đồ đạc, vay mượn thêm, nhưng tiền của đều bay hết theo bước chân chị ra Bắc vào Nam, mà đôi mắt hai cô con gái vẫn tịt ngóm. Giờ thì hết đường cứu chữa, vợ chồng chị xác định nuôi con cả đời.
Ông Lâm Âu dẫn chúng tôi đến một cái chòi nằm giữa bãi cát và bảo: “Ở đây có một tình yêu cổ tích”. Đó là túp lều hạnh phúc rộng 4m2 của chị Kim Phượng.
Hồi 20 tuổi Phượng yêu một chàng trai cùng làm thuê trong xóm rẫy. Tình yêu đang ngọt ngào thì đùng một cái đôi mắt Phượng cứ đờ đẫn, trắng dã, rồi trước mắt bóng đêm phủ kín.
Gia đình bạn trai ngăn cấm, nhưng tình yêu của chàng trai không chết theo đôi mắt của cô. Hai người dựng một căn lều giữa giồng cát, quay mặt ra biển. Ngày ngày anh đi làm thuê kiếm tiền nuôi cô. Rất tiếc, chúng tôi ngồi trong lều chờ đến chiều mà không thấy đôi uyên ương này về.
Ngay từ năm 2000, khi dịch bệnh mù mắt ở hai ấp Đại Bái và Đại Bái A bùng phát, Sở Y tế Sóc Trăng đã vào cuộc kiểm tra toàn huyện và phát hiện ra tới 2.898 người bị mù, trong đó có 1.242 người mù cả hai mắt.
Tỷ lệ người mù cả hai mắt ở Vĩnh Châu chiếm 0,9%, tỷ lệ mù một mắt chiếm 1,2%, tỷ lệ người có thị lực thấp chiếm 5,5% dân số toàn huyện. Nhìn vào con số này nhiều người khẳng định tỷ lệ người mù ở Vĩnh Châu là cao nhất nước. Trong đó, hai xã Vĩnh Hải và Lạc Hòa lại có tỷ lệ, số lượng bệnh nhân mù cao nhất trong huyện và có lẽ cũng cao nhất nước luôn.
Con số đưa ra gây chấn động dư luận, các tổ chức từ thiện trong nước và cả những tổ chức phi chính phủ đã vào cuộc tiến hành các đợt mổ mắt miễn phí cho người mù ở Vĩnh Châu. Cũng vì có sự quan tâm kịp thời mà từ hơn chục năm nay, đã có hàng ngàn người được xóa mù, chủ yếu là bị đục thuỷ tinh thể và mây thịt, còn các nhóm mù khác vẫn chưa có giải pháp.
Riêng xã Lạc Hòa, theo ông Lâm Âu, từ hơn chục năm nay, các tổ chức từ thiện đã nhờ ông đưa bà con mù lên TP.HCM điều trị cả chục lần, mỗi lần vài chục người. Đã có vài trăm người trong xã thoát mù nhờ những tháng ngày lặn lội đưa đi đưa về của ông.
Ngoài ra, các đơn vị trong nước cũng trực tiếp xuống xã đưa hàng chục người lên Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Châu mổ mắt giúp họ thoát mù. Số người mù không có khả năng cứu chữa trong toàn xã Lạc Hòa lên tới gần 300 người.
Như vậy, nếu không có sự chữa trị kịp thời thì con số người mù ở xã Lạc Hòa, mà tập chung chủ yếu ở hai ấp Đại Bái và Đại Bái A sẽ lên đến quá nửa ngàn người.
Là người sống cùng đồng bào Khmer hơn 60 năm nay, ông Lâm Âu đưa ra nguyên nhân hai ấp trên có nhiều người mù là do môi trường sống quá ô nhiễm.
Ngoài việc từ bao đời nay bà con ăn uống, tắm giặt, rửa mặt bằng nước đầm, nước đìa, nước kênh rạch, theo ông Lâm Âu, cát bụi là thủ phạm rất nguy hiểm.
Ấp Đại Bái và Đại Bái A nằm giữa những giồng cát trắng ven biển. Những buổi chiều gió biển thổi cát bay mù mịt, xe cộ chạy không nổi. Cát bụi vào mắt bà con cứ dụi đến đỏ hoe khiến giác mạc bị xước.
Bà con nghèo, không có tiền chạy chữa, không có nước sạch rửa nên mỗi khi đau mắt lại lấy một số loại lá cây giã ra đắp vào, hoặc mua những loại thuộc rẻ tiền như Dexacol bán tùm lum ở các cửa hàng tạp hóa để nhỏ vào mắt.
Theo bác sĩ, nếu giác mạc bị xước mà nhỏ loại thuốc này chỉ làm vết loét sâu hơn và nếu bị mù thì không thể cứu chữa được.
Ngoài ra, một nguyên nhân được ghi nhận, là do thuốc ướp hành tím. Vĩnh Châu là vùng trồng hành tím lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xưa kia, người dân ở đây đã từng trộn một loại bột phấn với một số loại chất hóa học rồi rắc vào từng bó hành để bảo quản.
Khi tẩm ướp hành với các loại thuốc này họ không hề có trang bị bảo hộ, đã vậy lại treo hành lên trần nhà, ngay trên giường ngủ, dưới gầm giường. Chính vì vậy, bụi phấn bay khắp nhà, ngấm cả vào bữa ăn, từng hơi thở của họ suốt cuộc đời.
Theo ông Lâm Âu, đây chính là thủ phạm nguy hiểm nhất gây nên tình trạng hàng trăm người bị mù ở hai ấp Đại Bái và Đại Bái A, nơi trồng nhiều hành tím nhất Vĩnh Châu.
Phong Bình
Bình luận