• Zalo

Kỳ lạ hủ tục mang gà trắng đổi gà đen cúng cái chết xấu, bịt đường ma về làng

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 29/10/2016 11:37:00 +07:00Google News

Những ngày ở xã Trà Cang (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) chúng tôi chứng kiến cảnh người dân mang gà trắng ra các điểm bán hàng hóa đổi gà đen để cúng cái chết xấu.

 Đổi gà về cúng ma

Chiều bắt đầu xuống núi, tại một quán tạp hóa nóc Tắk Lăng, thôn 2, xã Trà Cang khách đến mua hàng tấp nập.

Họ đến đây chủ yếu mua rượu về uống sau một ngày lên nương mệt nhọc. Trong đám người đó, có hai người phụ nữ là chị Hồ Thị Néo và Hồ Thị Thiên cầm một con gà đến quán, bộ lông có đốm trắng, đốm vàng.

Tôi hỏi: Hai người mang đến đổi rượu à? Chị Néo đáp theo kiểu nhát gừng: Không phải. Rượu có làng mua rồi. Vậy đem gà đến làm gì? Tôi hỏi tiếp. Mình đến đổi gà đem về cúng cái chết xấu.

Nghe vậy, chủ quán chen vào cho hay: Trong làng mới có một thanh niên ăn lá ngón tự tử, người dân mới mai táng lúc chiều. Ở đây ăn lá ngón được họ quan niệm là cái chết xấu. Sau khi đưa vào rừng ma xong, làng buộc phải làm một cái lễ chặn đường ma về. Lễ vật chỉ một con gà, rượu và một số “đồ nghề” do thầy cúng soạn ra.

13-27-36_cung-g-den-1

 Bà Hồ Thị Thiên đổi gà trắng lấy gà đen.

Lần theo câu chuyện, chúng tôi được biết, người xấu số qua đời là Hồ Văn Thá (16 tuổi) con bà Hồ Thị Quen. Theo lời kể, Thá tìm đến cái chết vì buồn bã, cha đã qua đời, hai mẹ con Thá ở với nhau. Lâu nay, Thá bị bệnh không làm được công việc gì, hàng ngày ăn bám vào người mẹ. Buồn tủi phận đau ốm triền miên, Thá ra sau nhà, hái một nắm lá ngón và lấy một ít muối trắng cho vào miệng. Thá nằm từ chiều hôm trước, đến trưa hôm sau mọi người mới phát hiện đã tử vong.

Tôi nói: Thá nghĩ quẩn thôi mà! Bà Thiên quả quyết: “Trời ơi! Chết xấu chứ chi nữa. Ở đây ăn lá ngón, treo cổ là chết xấu hết. Nó chết do con ma rừng bắt chứ không ai làm cả. Mỗi cái chết rứa cả làng phải cúng đó. Mà lễ cúng không phải gà trắng, chỉ cúng gà đen nên mình phải đem đi đổi”.

13-27-36_cung-g-den-2

 Bà Thiên và Néo đưa gà đen về làm lễ cúng đường bịt ma.

Tôi hỏi tiếp: Gà trắng, cũng như gà đen cả thôi, cúng gà nào chẳng được? Bà Thiên đáp: Không được, từ lâu người Xê Đăng cúng ma xấu phải là gà đen, giờ mình theo rứa. Chỉ một cái lông màu trắng mình cũng không cúng được. Tôi hỏi tiếp: Sao không nuôi gà đen mà cúng lại nuôi gà trắng vậy? Bà Thiên cười: Hắn đẻ ra mình có biết mô, mà nuôi rồi đi đổi cũng dễ mà.

Cuộc trao đổi tại quán rất sòng phằng giữa chủ quán và người dân. Con gà được đưa lên bàn cân, nếu trọng lượng thừa ra thì chủ quán trả thêm tiền cho người đổi, còn thiếu người đổi sẽ bù thêm. Người dân không quan niệm gà ngon hay dở, chỉ chú ý đến màu lông của con gà.

Từ bao đời này, người Xê Đăng có tục lệ, người chết xấu có thể bắt người sống. Họ rất sợ con ma sẽ về làng và bắt một ai đó. Hôm Thá chết, người trong làng giục gia chủ nhanh chóng đưa đi mai táng. Chưa cần mẹ Thá lo thì anh em của Thá cùng đám thanh niên đã kiếm chiếc chiếu quấn thi thể Thá đưa ra rừng ma. Xong việc, cả làng làm một lễ cúng chặn ma về được tổ chức ngay tại đường đưa Thá ra rừng ma đoạn giáp với làng.

13-27-36_cung-g-den-3

Đám thanh niên chuẩn bị đồ vật cho lễ cúng ngay con đường đưa Thá vào rừng ma mai táng.

“Mình là em gái của mẹ Thá, từ nhỏ đến lớn nó hay đến nhà mình chơi lắm. Giờ phải cúng bịt đường nó về để không ai bị ma bắt. Ngoài con gà này thì cần thêm nhiều rượu lắm để mọi người ngồi uống. Lễ cúng này sẽ giúp gia đình mình không bị ma xấu về bắt người. Mình làm lễ không cho riêng gia đình mà mong cả được yên ổn để con ma quấy rối”, chị Néo chia sẻ.

Người lạ không được tham dự

Lễ cúng ma xấu của người Xê Đăng được tổ rất nhiều lần, cứ nhà này tổ chức đến nhà khác làm. Nhà cúng ngoài đường, nhà cúng trong nhà. Như lễ cúng chặn mà xấu về làng, sau khi làm con gà xong, cả làng tập trung ra con đường hôm đưa Thá đi mai táng làm lễ.

Từ chiều một số thanh niên trong làng chọn hai cây đót to, mập chưa trổ bông. Mỗi cây chỉ để lại 7 lá, sau đó gấp cho ngắn lại. Trên cây đót, buộc thêm hai lá cây rừng to bằng bàn tay và hai chùm cây cỏ giắt vào thân cây đót. Sau khi hoàn thành, họ cắm ngay con đường mòn hôm đưa Thá vào rừng ma và thực hiện lễ cúng.

13-27-36_cung-g-den-4

 Thầy cúng tiến hành làm lễ

Theo quan niệm của người Xê Đăng, những ai chết xấu làng không thương, sau mỗi cái chết phải chặn đường về làng. Còn những ai không phải chết xấu, làng mua quan tài về mái táng đàng hoàng, không bịt đường làm gì. Khi xong các phần chuẩn bị, thầy cúng cầm trên tay một con rựa để gần trán, miệng đọc lẩm nhẩm liên tục bằng tiếng Xê Đăng để làm lễ.

Lúc này, tất cả mọi người trong làng đuổi chúng đi với lý do: Người lạ không được vào đây, mời ra ngoài để cho làng hành lễ. Tôi xin: Cho đứng cách 20m nhìn vào được không? Một thanh niên quát: Chẳng ngó nhìn chi hết, cán bộ đi cho. Bà con đã nói rồi, không cho ai ngoài làng vào cả, đứng từ xa cũng không được.

Người này giãi bày: “Hôm nay làng làm lễ bịt đường ma về, để nó về làng bắt người. Từ đầu năm đến giờ có 2 người chết vì ăn lá ngón rồi. Cứ liên tục như ri thì làng hết người mất thôi, làng không muốn mất thêm một nữa mô. Lễ cúng mong muốn dân làng được bình yên, ma không về quấy phá. Cán bộ là người lạ nếu vào con ma bắt thì tội lắm. Mọi người vừa thương cán bộ, vừa thương dân làng đấy”.

Nói xong, người này ngỏ ý thêm: Có một cách muốn vào làng thì cán bộ phải nhập cuộc nhưng điều kiện sáng mai mới ra được khỏi làng. Nếu đặt chân vào đây mà không thực hiện đúng nghi lễ sẽ bị phạt 1 con trâu, 3 con heo và 10 con gà và rượu. Giờ cán bộ chọn cách nào? Người này hỏi. Nghe vậy, tôi bảo đồng nghiệp mình đi ngay.

Đem chuyện hỏi một chủ quán buôn bán tại đây thì người này kể: Vợ chồng họ lên đây gần 10 năm buôn bán, những người trong nóc quá thân quen. Thế nhưng mỗi khi lễ cúng ma xấu họ cũng không cho vào, huống hồ là người lạ như chúng tôi. Bởi họ quan niệm, sự có mặt của người khác sẽ không tốt cho làng, phần con mà theo người lạ để làm hại, như vậy làng cũng không muốn. Do đó, họ kiêng cữ việc này.

13-27-36_cung-g-den-6

 Người Xê Đăng uống rượu bằng cốc, thay nước.

Người này kể tiếp: Cách đây mấy năm, khi đang làm công trình đường cho người dân, một hôm ống dẫn nước tự chảy trên núi bị hỏng. Người anh nuôi đám công nhân đi sửa thì không may vào làng lúc đang cúng ma xấu. Thấy người lạ, cả làng giữ lại không cho ra ngoài, mặc dù đã cố giải thích.

“Thấy đi lâu không về, mọi người sợ gặp chuyện không may liền kéo nhau đi tìm. Lần theo đường ống dẫn nước, khi đến làng thấy mọi người đang tổ chức lễ cúng, anh nuôi ở trong đó. Biết sự việc, mọi người xin làng cho anh nuôi về nhưng họ nhất quyết không cho, còn chúng tôi bị đuổi thẳng thừng. Do vậy, đến sáng mai anh nuôi mới trở về trong tình trạng say xỉn. Bởi khi vào làng, họ mời uống rượu thâu đêm”, chủ quán này kể.

Nguồn: Đắc Thành(Nông nghiệp VN)

Bình luận
vtcnews.vn