• Zalo

Kỳ lạ hang động có 40 bia đá cổ khắc vào vách đá

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 14/02/2012 05:39:00 +07:00Google News

(VTC News) - Người thợ phải dựng giàn giáo, rồi mất cả tháng trời ngửa cổ mài dũa, đục khắc, hít bụi mới có thể hoàn thiện được một tấm bia cỡ nhỏ.

(VTC News) - Người thợ phải dựng giàn giáo, rồi mất cả tháng trời ngửa cổ mài dũa, đục khắc, hít bụi mới có thể hoàn thiện được một tấm bia cỡ nhỏ.

Những ngày đầu năm người tứ phương nườm nượp đi lễ Đền Cao trên đỉnh An Phụ (Kinh Môn, Hải Dương). Đứng trên đỉnh An Phụ, nhìn về phía Đông Bắc, dãy Dương Nham trồi lên giữa vùng đồng trũng mênh mang sóng nước. Dòng Kinh Thầy uốn lượn quanh co sát chân núi khiến cảnh vật càng thêm hữu tình.

Ông thủ từ Đền Cao chỉ tay về dãy Dương Nham bảo, trong lòng dãy núi ấy có một động đá khắc hàng chục tấm bia đã mấy trăm năm tuổi. Hang núi kỳ lạ ít ai biết đến ấy đã thôi thúc tôi đến tìm hiểu.

Động Kính Chủ. 

Làng Kính Chủ (xã Phạm Mệnh) có nghề làm đá, tạc bia. Mới đầu năm, tiếng máy xẻ, mài đá rền rĩ, chát chúa. Nhưng khu vực hang động thì hoàn toàn yên tĩnh, trầm mặc.

Chỉ có vài cô cậu thanh niên tụ họp rủ nhau trèo lên đỉnh núi xem bàn cờ tiên, là một tảng đá phẳng. Truyền thuyết kể rằng, cảnh đẹp nơi đây hơn cả tiên giới, nên các vị tiên thường xuống đây thăm thú, chơi cờ.

Anh Nguyễn Văn Anh – cán bộ quản lý di tích động Kính Chủ nhiệt tình dẫn tôi vào động để chiêm ngưỡng những văn bia cổ, thứ mà mấy cô cậu thanh niên kia không thấy lý thú gì.

 
Bia tạc khắp nơi trong động. 

Chuyện biến động thành chùa thì nhiều nơi có, nhưng tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp của động Kính Chủ. Đứng ở cửa động nhìn về phía Nam, thấy xóm làng trù phú, cảnh đẹp như tranh vẽ.

Bên trong hang, nhũ đá thả xuống lủng liểng những hình thù đẹp mắt. Theo lời truyền của các cụ trong làng, trong hang còn có đường “lên trời” thông lên đỉnh núi và một đường “xuống âm phủ”, nghe nói ra tận sông Kinh Thầy. Đường lên trời thì không trèo được, đường xuống âm phủ thì mùa này ngập nước. Người xưa xếp động Kính Chủ vào hàng “Nam thiên đệ lục động” (một trong 6 động tuyệt đẹp của nước Nam) cũng không phải quá ngoa ngoắt.

Bia nhỏ cạnh bia lớn. 

Chẳng thế mà, suốt gần ngàn năm qua, hang động tuyệt đẹp này đã níu chân không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách, để rồi những bài thơ, những áng văn tuyệt bút đã lặn vào vách đá.

Anh Nguyễn Văn Anh bắt đầu từ phía bên trái của động, lần lượt đếm từng tấm bia. Có tổng số 40 tấm bia được khắc vào lòng động.

Tấm bia đá khổng lồ. 

Có tấm bia to bằng manh chiếu, 2-3 mét vuông, khắc hàng ngàn chữ, song có tấm bia bằng cuốn sách, lại có tấm chỉ to bằng bao thuốc lá, khắc được vài chữ. Có tấm bia nằm ngay sát chân động, có tấm nằm tận trên mái động. Có tấm chữ còn sắc nét, có tấm đã nhạt nhòa mờ ảo bởi thời gian phong hóa.

Mái động có chỗ cao đến cả chục mét. Để khắc được tấm bia vào mái động, với phương tiện hoàn toàn thủ công, thì người xưa phải vất vả lắm. Người thợ phải dựng giàn giáo, rồi mất cả tháng trời ngửa cổ mài dũa, đục khắc, hít bụi mới có thể hoàn thiện được một tấm bia cỡ nhỏ.

 
Bia bé xíu. 

Ngay phía ngoài động là một tấm bia rất lớn, có lẽ đến 3 mét vuông. Mặc dù khắc trực tiếp vào vách đá, song hình dáng giống với bia bình thường ở các đình chùa. Trán bia chạm khắc lưỡng long chầu mặt nguyệt, riềm bia được trang trí các họa tiết tinh xảo.

Tấm bia này đề bài thơ của Phạm Sư Mạnh. Ngày 5-9-1368, Nhập nội hữu nạo ngôn Phạm Sư Mạnh, nhân đi duyệt binh các lộ Đông Bắc, qua dãy núi quê nhà, thấy cảnh đẹp níu lòng đã xúc động viết thành thơ đề trước cửa động.

Tấm bia có rùa cõng khắc bài thơ của Phạm Sư Mạnh. 

Người thợ tài hoa của làng đã đục núi thành bia, rồi khắc trung thành nét chữ của ông, để rồi đến nay, chúng ta đọc lại thấy bồi hồi với vẻ đẹp nước non, với chiến thắng oanh liệt trước quân Nguyên Mông.

Anh Nguyễn Văn Anh bảo, hiện anh đang cố công học chữ Hán, để mỗi khi du khách nhờ vả, còn dịch được những dòng văn bia. Dù chưa học được mấy chữ, nhưng anh đọc vanh vách bài thơ của vị tướng Phạm Sư Mạnh: “Hành quân qua núi nhà/ Ngẩng đầu nhìn muôn dặm/ Chim bằng phía Nam xa/ Vầng dương Đông trước núi/ An Phụ như chạm trời/ Tượng Đầu cao ngàn dặm/ Tử tiêu mây lớp lớp/ Nhân hỏi tiên An Kỳ/ Cuồn cuộn sóng Bạch Đằng/ Tưởng như thuyền Ngô Vương/ Nhớ xưa vua Trùng Hưng/ Tài chuyển xoay trời đất/ Cửa biển ngàn chiến thuyền/ Hiệp môn vạn cờ chiến/ Trở tay định thái bình/ Ngân hà rửa tanh hôi/ Đến nay dân bốn biển/ Nhớ mãi năm bắt thù”.

Tấm bia chỉ có vài chữ. 

Phía vách động còn có 4 chữ “Vân Thạch thư thất” (nhà sách Vân Thạch) và 4 chữ nhỏ “Phạm Sư Mạnh thư” (Phạm Sư Mạnh viết). Theo nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, điều này chứng tỏ rằng, hang động là nơi đọc sách của Phạm Sư Mạnh, người một đời thao thức vì sự nghiệp quốc gia.

Rồi hơn một thế kỷ sau, mùa xuân năm Hồng Đức (1487), phò mã cùng vua Lê Thánh Tông đã đến thăm động Kính Chủ. Ngài đã xúc động làm bài thơ, rồi sai thợ đục bia khắc thơ tận trên mái động, lấy bút danh là Nam Thiên Động Chủ.

Bia khắc trên mái đá của vua Lê Thánh Tông. 

Đến thể kỷ 16, xuất hiện liên tiếp 7 văn bia của nhà Mạc, từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Hậu Hợp. Rồi các thế kỷ sau đó, liên tiếp có văn bia đề thơ, văn của các thi sĩ, tướng quân, các bậc đế vương.

Thậm chí, đến tận thế kỷ 20, vào năm 1935, thi sĩ Trần Quốc Trinh đã khắc bài thơ của mình lên vách động bằng chữ quốc ngữ. Những vần thơ chứa chan tình cảm hoài cổ và như oán trách con người đương đại: “Kính Chủ đây rồi hỏi chủ đâu?/ Chùa trong thăm thẳm tận hang sâu/ Tiếng đàn ai trước còn như vọng/ Nét bút đề bia chửa nhạt màu/ Non nước chứa chan lòng tưởng tượng/ Cỏ hoa ngơ ngác mặt công hầu/ Mấy phen dâu bể người kim cổ/ Cảnh vật bền nguyên, dạ khác nhau”.

 

Bài thơ cuối cùng khắc trên bia của một thi sĩ dù vô danh trong lịch sử, song phải công nhận đó là bài thơ hay, mang tình cảm tha thiết với non sông, đất nước. Từ đó đến nay, các tao nhân mặc khách đến đây cũng xúc cảm đề thơ, nhưng chưa ai được thợ trong làng khắc vào vách đá.

Đi hết một vòng hang, chiêm ngưỡng từng tấm bia, tôi chợt sững người trước một tấm bia vừa được đục ngay mặt ngoài, vách phải của động. Thật đau lòng, khi tấm bia đó không phải đề thơ, hay tuyệt bút bày tỏ nỗi lòng với thế sự, ca ngợi cảnh đẹp non sông đất nước, mà khắc tên cá nhân và doanh nghiệp công đức cho chùa! Đau lòng hơn nữa là tấm bia với vết khắc còn mới ấy lại xẻo mất một góc của tấm bia cũ.

Tấm bia phản cảm vừa được khắc vào vách động. 

Việc công đức cho chùa là điều đáng trân trọng, nhưng đề tên tuổi, địa chỉ cùng chút tiền ấy lên vách núi, cạnh những tấm bia ghi bút tích của danh nhân đất nước, thậm chí đè lên cả văn bia cổ, thì thật thiếu văn hóa.

Tôi cảm thấy khó chịu với tấm bia mới tinh khắc vào vách núi đó, còn anh Nguyễn Văn Anh thì cứ luống ca luống cuống. Bản thân anh là cán bộ quản lý di tích, nhưng anh cũng không biết người ta vác máy vào động đục núi làm tấm bia thiếu ý thức kia từ lúc nào.

Động Kính Chủ này đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ ngay đợt đầu (28-4-1962), nên không phải ai cũng có thể đục đẽo vách động tùy ý.
 Từ cảnh quan tự nhiên, động Kính Chủ được tạo thành chùa trong động. Chùa không chỉ thờ Phật mà còn thờ Minh Không thiền sư, Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả. Ngoài bia đá khắc vào vách động, còn có nhiều tượng tạc bằng đá, mô tả những sự kiện điển hình trong kinh Phật.

Diễm Nguyệt



Bình luận
vtcnews.vn