Ít ai biết rằng, trong thời gian dài tu thiền khổ hạnh ấy, đã không ít lần ông cận kề cái chết. Câu chuyện lạ có thật này gây không ít xôn xao trong dư luận người dân miền Tây…
17 năm tịnh khẩu để lánh xa trần tục
Người mà chúng tôi muốn nhắc đến là ông Nguyễn Thái Hoàng (68 tuổi, ngụ xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Ông có thân hình gầy gò, đôi mắt sâu và mái tóc bạc trắng. Trò chuyện với ông trong căn nhà tường kiên cố tại xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho), ít ai có thể ngờ rằng ông chính là người chỉ uống nước để duy trì sự sống trong suốt 7 tháng liền, từng ngồi bất động trên cây như một pho tượng, chỉ mong thoát khỏi cái vô thường của cõi đời.
Theo lời kể của ông Hoàng, lúc nhỏ ông và gia đình sống tận Campuchia, năm 1966 ông theo gia đình hồi hương về Sài Gòn. Đối diện với cái khốc liệt của chiến tranh, chứng kiến những trận càn của lính Mỹ oanh tạc các làng mạc, những cảnh giành giật, cướp bóc, sự mong manh giữa cái sống và cái chết khiến ông thấy cuộc sống thật vô thường, chẳng có gì thú vị.
Hai năm sau khi trở về Sài Gòn, gia đình ông chuyển xuống Bến Tre sống. Ông Hoàng có một bà dì rất siêng đi chùa, hay ghé nơi ông đạo Dừa tu tịnh. Ông Hoàng được dì cho theo nhiều lần xuống chùa ông đạo Dừa (ở cồn Phụng, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) chơi. Lâu dần thành quen, cuối cùng ông quyết định theo tu đạo của ông đạo Dừa, bắt đầu cuộc sống tu thiền khổ hạnh. Cũng từ ngày ấy, ông bắt đầu tịnh khẩu và ăn chay trường.
Ông Hoàng ở cùng ông đạo Dừa từ năm 1968 đến năm 1975. Sau khi đất nước giải phóng, chùa bị giải tỏa, các tu sĩ theo ông đạo Dừa đều giải tán hết. Có người ở lại mảnh đất nơi ngày trước tu để sống, có người về tu tại nhà. Riêng ông Hoàng chọn cho mình một con đường riêng, lánh xa thế tục nhiễu nhương, rối ren của những ngày đầu giải phóng.
Ông xuôi về miệt An Giang, chọn núi Cấm làm nơi dừng chân, tu tĩnh, tìm chốn bình tâm trong cõi lòng. Ngày ấy, núi rừng còn hoang vu, rắn rết, hổ báo cùng nhiều tin đồn rợn người trên ngọn núi Cấm. Thế nhưng, núi Cấm lại là nơi linh thiêng, nơi đây tương truyền đã từng cho ra đời nhiều vị đạo sĩ danh bất hư truyền, có khả năng kỳ lạ về võ thuật nên ông và một bạn tu vẫn quyết dừng chân nơi ngọn núi này.
Sức người có hạn mà núi rừng thì mênh mông, mỗi ngày ông cùng người bạn tu khai phá núi rừng trong cái đói, cái khát của những ngày sau chiến tranh. Không chịu đầu hàng trước số phận, cộng với chí khí nam nhi khi quyết về núi sống thanh tịnh, hai bóng người quyết bám trụ tại vùng núi hoang vu này. Là người theo đạo Dừa, ông tuyệt đối tuân thủ lối tu tập tịnh khẩu và ăn chay trường. Thời gian đầu lên núi, ông chỉ ăn rau, trái cây dại và uống nước cho qua ngày. Nhưng đã có những lúc ông chỉ uống nước để sống trong nhiều tháng liền.
Tu thiền trên núi và ngồi bất động trên ngọn cây
“Mấy năm đầu sức khỏe ổn định, tôi vẫn khai khẩn đất, làm ăn bình thường. Nhưng hai năm sau, tinh thần tôi chuyển biến, tôi không làm chủ được bản thân mình. Tôi bắt đầu không còn muốn ăn, mỗi ngày tôi uống nước suối, nước chanh, mía để sống... Tôi chọn một cây đa to lớn, rễ cây ôm trọn cả ba tảng đá. Tôi trèo lên chảng ba cách mặt đất 20 mét, lấy một tấm ván đặt kiên cố trên cây, dùng tấm bạt che trên đầu tránh mưa, dùng ròng rọc kéo nước uống. Cứ thế suốt một thời gian dài tôi thả hồn mình theo mây gió”.
Bảy tháng trời ngồi liên tục trên cây như một pho tượng, ông không thể ý thức được điều gì nữa. Có người đi qua không biết tưởng một bức tượng, có người biết là người đang ngồi thiền thì thoáng chút giật mình và không giấu được sự hiếu kỳ”, ông Hoàng cho biết.
Ông Hoàng đang chia sẻ với PV |
Bảy tháng trời ngồi thiền không ăn được bất cứ thứ gì, ông chỉ uống nước sống qua ngày. Từ một chàng trai khỏe mạnh, sức khỏe ông bắt đầu yếu dần, đôi mắt trũng sâu, chân tay nổi những đường gân, toàn thân đen đúa, nhăn nheo như một ông lão.
Lúc này, có mấy vị sư tu gần đó lại, bắt mạch cho ông thì không thấy mạch đập nữa. Vì sợ ông không qua khỏi, người dân trong vùng dùng ròng rọc, bế ông vào chiếc lồng rồi đưa ông xuống đất. Khi được đưa từ ngọn cây xuống, ông như một cái xác chết khô, nằm co lại dưới nền đất do chân không thể duỗi ra. Thế mà ông không chết. Sau khi tỉnh lại, ông bắt đầu tập ăn như một đứa trẻ. Ông bắt đầu tập đi, chập chững những bước khó nhọc, dưới sự giúp đỡ của người bạn tu cùng ông lên núi thuở nào.
Chín năm tu thiền trên núi với phương pháp tu lạ lùng, khách thập phương hiếu kỳ đến xem rất đông. Điều này làm đồn thổi những điều không hay về ông, và người bạn đi cùng.
Năm 1985, vì không muốn có thêm những tai tiếng, ông quyết định xuống núi, tập nói trở lại, mưu sinh như những người dân bình thường. Thời gian này, cứ vài tháng ở trên núi, vài tháng ông lại xuống núi lênh đênh trên một con thuyền, làm thuê làm mướn kiếm sống.
Năm 1990, ông quyết định xuống núi hẳn. Người quen cho ông mượn một mảnh đất nhỏ trong một khu vườn rợp bóng cây dại. Người dân xung quanh thương tình cho ông những thân cây và các vật dụng khác để ông dựng một cái chòi cho ông, cha mẹ và người bạn tu tá túc. Gia đình ông mưu sinh bằng nghề làm đậu hũ. Sau một thời gian chăm chỉ làm ăn, ông để dành được một khoản tiền kha khá. Đúng cái lúc mà việc làm ăn đang thuận lợi thì cha mẹ ông lần lượt qua đời.
Còn lại một mình nhưng ông không lấy vợ để khỏi vướng nợ trần, ông thui thủi làm ăn. Lúc này, một người anh họ của ông thấy ông đơn chiếc, lại làm việc mệt nhọc từ nghề đậu hũ, nên cho mấy đứa cháu xuống ở cùng để phụ giúp ông. Tín đồ đạo dừa đã tứ tán đi nhiều nơi, giờ chẳng còn mấy ai như ông.
Ông ăn chay trường, không còn ngồi thiền nữa, nhưng trong tâm ông luôn giữ trạng thái cân bằng, sống tử tế và nhân hậu. Gánh đậu hũ ngày nào của ông giờ đã được các cháu mở rộng thêm ra, ông chẳng quan tâm đến nó. Sống trong căn nhà tường khá kiên cố, ông vẫn coi mình là lãng khách ở nhờ, mặc dù công lao gây dựng từ những ngày đầu là của ông.
Mười bảy năm (từ năm 1968 – 1985) tịnh khẩu, không nói một lời nào dù cho có bất cứ chuyện gì xảy ra. Cần trao đổi gì thì ông viết ra tấm giấy hoặc viết xuống đất cho người khác đọc. Ngày mới tập nói lại, thanh quản của ông như nghẽn cứng, phát âm rất khó, ông như một đứa trẻ bập bẹ những tiếng gọi mẹ đầu đời. Phải mất khoảng hai tháng sau khi “khai khẩu”, ông mới nói được bình thường.
Thuật lại những chuyện khó tin ấy, ông cũng không thể lý giải được tại sao mình có thể chịu đựng trong điều kiện như thế trong suốt bảy tháng liền. Ngày ông “hạ sơn” có nhiều người tìm đến, vì hiếu kỳ, vì muốn “tầm sư học đạo”. Có người nói ông tu trên núi gần chục năm trời nên chắc có bùa phép, được trường sinh bất lão. Nhưng với ông, đi tu chỉ tu chân, tu vì thấy cuộc sống vô thường, vì muốn thoát tục, muốn bình yên chứ chẳng phải vì mê tín, hay mong tìm thuốc trường sinh như nhiều người lầm tưởng.
Nguồn: T.Công (Công lý)
Bình luận