Mười sáu tròn trăng, Diên đẹp như đóa lan rừng. Nhan sắc ấy, ở chốn thâm sơn này chẳng cô nào có được. Ngực phập phồng, Diên cũng thấy thèm khát hai chữ tình yêu. Vậy là, cứ đêm xuống, Diên theo chúng bạn đi sim.
Ở bản A Sóc (xã Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi heo hút mãi đỉnh Trường Sơn này bao đời nay vẫn vậy. Con trai, con gái khi thấy có thịt có da, khi thấy trái tim rạo rực thì cứ kéo nhau ra bờ sông, khe suối mà… tự do yêu đương.
Thế nhưng, Diên không may mắn. Trái tim cô đã bị kẻ xấu trộm đi. Sau đêm những đêm tình ngây ngất, Diên đã mang bầu nhưng người tình thì một đi không trở lại…
Ở bản A Sóc nhiều cô gái như Diên. Những cô gái tuổi còn rất trẻ. Trái tim non nớt cứ nghĩ những lời có cánh là sự đảm bảo cho một tình yêu vĩnh hằng. Bởi thế các cô tận hiến. Bởi thế, giờ ngồi ôm con mà nước mắt nhạt nhòa. Những đêm sim truyền thống của người Vân Kiều, người Pa Cô ở nơi thâm sơn này đã không còn nguyên vẹn.
“Chợ tình” trên núi vắng
Chúng tôi từ Quảng Bình ngược rừng Trường Sơn vào Quảng Trị. Hành trình ấy phải qua A Sóc, nơi có con sông Sê Păng Hiêng chảy ngược, đổ nước về đất Triệu Voi. A Sóc từ ngày có đường Hồ Chí Minh chạy qua đã bớt nhiều quạnh quẽ. Đám con trai, con gái mới lớn đã có quần bò để diện, đã nhuộm tóc màu vàng như các mỹ nữ trong phim Hàn Quốc.
Mới nhập nhoạng tối mà trên cầu bắc qua con sông kỳ lạ ấy đã nhốn nháo những nữ tú nam thanh. “Họ đi sim đấy!”. Phan Phương, người có đôi chân vạn dặm, thuộc từng ngóc ngách ở đỉnh Trường Sơn này giới thiệu với chúng tôi.
Theo gã trai thổ địa ấy thì người Vân Kiều, Pa Cô ở đây đi sim giống như đồng bào dân tộc mấy tỉnh miền núi phía bắc đi chợ tình. Tuy nhiên, chợ tình của đồng bào dân tộc ngoài bắc thì một năm mới mở một phiên, còn đi sim thì đêm nào cũng được.
“Lên đỉnh Trường Sơn mà không đi sim thì uổng lắm!”. Gã thổ địa Phan Phương nhấp nháy. Mấy gã trai trẻ trong đoàn chúng tôi hí hửng ra mặt. Thế thì ở lại. Vậy là, sau khi kiếm được nơi tá túc, đầu tóc bóng mượt, lấy thuốc lá thơm làm quà ra mắt, chúng tôi nhập vào đám trai bản trông anh nào anh nấy vạm vỡ như tráng sĩ ngày xưa.
Đám thanh niên ấy kéo ra cầu, nơi đã có nhiều tiếng nói cười huyên náo. Một trai bản trông cù mì bảo với chúng tôi rằng, ra đó, thấy ưng cô nào thì cứ thoải mái bắt chuyện. Hợp duyên thì đến với nhau, không hợp thì tìm cô khác. Trai bản ở đây hiền, không bo bo giữ gái làng, gái bản như dưới đồng bằng. Họ coi tình yêu là do đất trời sắp đặt nên chẳng giữ những thứ vốn không thuộc về mình.
Trăng lên. Những khuôn mặt đã dần sáng tỏ. Tôi tựa thành cầu, hút thuốc và nhìn mặc mấy chiến hữu của mình mạnh ai người đó khua môi, múa mép. Ban đầu, đám thanh niên còn xúm đông xúm đỏ ở giữa cầu, nhưng chỉ thoáng sau đã tách ra từng tốp.
Và rồi, những tốp ấy cũng tách ra thành từng đôi chuyện trò rúc rích. Đêm buông nhanh, những tiếng rúc rích ấy cũng vơi dần và bặt hẳn. Trên cầu đã thưa vắng bóng người. Những đôi trai gái kia đã theo tiếng gọi của tình yêu đi tìm “bến đỗ hạnh phúc” cho mình. Họ đi đâu, dừng chân ở chỗ nào thì giữa hoang vu đất trời này chỉ có… trời đất biết.
Với cậu trai bản nói chuyện với tôi khi nãy thì đêm nay là một đêm đen đủi. Để ý, tôi thấy cậu sà vào hết tốp này đến tốp kia mà chẳng tìm được đối tượng phù hợp với mình. Lững thững đi về phía tôi, cậu bảo, bọn con gái hôm nay làm sao ấy. Nói chuyện nhấm nhẳng, chẳng câu nào lọt lỗ tai. Bật lửa châm thuốc, rít một hơi dài, cậu phóng mắt nhìn xuống dòng Sê Păng Hiêng lấp lánh.
“Về thôi, về nhà ngủ thôi, sương lạnh xuống rồi!”. Hất ánh mắt về phía tôi cậu bảo. “Không chờ mấy người kia à? Chờ họ về cùng cho vui!”. “Không chờ được đâu, sớm mai họ mới về mà. Đi sim phải đi tới sáng chứ!”. Cậu trai này giảng giải.
Ngày xưa ơi, đã xa còn đâu?
Nhà phó bản A Sóc, Hồ Văn Khanh ở ngay sát cầu Sê Păng Hiêng. Gặp khách phương xa tới, ông Khanh mừng tíu tít. Chan rượu khắp lượt, ông “ép” mọi người cùng cạn. Người Vân Kiều từ xưa vẫn vậy. Khách quý tới nhà thì rượu phải mềm môi. Nhắc chuyện tục đi sim của cộng đồng mình, ông Khanh bảo, đó là nét đẹp truyền thống. Từ xưa tới nay, trai gái ở đỉnh Trường Sơn này nên vợ, thành chồng cũng qua những đêm sim ấy.
Thế nhưng, đi sim ngày trước khác bây giờ nhiều lắm. Ngày trước, trai gái tụ tập tìm hiểu nhau chẳng bao giờ đi quá đà. Nếu ai bởi quá yêu mà không giữ được mình, để lại “hậu quả” thì bị làng phạt rất nặng. Ngoài việc phải cưới khẩn cấp cô gái mình đã “tình một đêm” thì chàng trai còn bị làng bắt vạ một con trâu, vài vò rượu.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Khanh bảo, luật làng là thế nhưng thời của ông chẳng ai bị phạt bao giờ. Mọi người biết cách giữ mình và nếu ai có “quá yêu” thì cũng có cách để không… mang họa. Người Vân Kiều ở Hướng Hóa có lá cây thần diệu, khi mang bên mình thì có… yêu đến mấy cũng chẳng sợ có thai.
“Bây giờ thanh niên đi sim không giống như ngày trước nữa. Luật làng thì vẫn vậy thôi nhưng chẳng phạt được ai cả!”. Nhấp chén rượu cay xè, ông Khanh thở dài ngao ngán.
Theo ông Khanh, từ khi đường xuyên rừng Trường Sơn được mở, bản A Sóc không còn heo hút như trước nữa. Người đi xuôi, kẻ đi ngược cũng nhiều hơn nên những đêm sim có thêm nhiều “khách lạ”. Họ là những người từ nơi khác đến. Thấy sơn nữ nhẹ dạ, sau những đêm sim, những vị khách ấy đã hiện nguyên hình thành những kẻ lừa tình.
Ông Khanh buồn bã bảo, ở bản A Sóc hiện có nhiều cô gái phải khổ sở nuôi con một mình bởi sau những đêm sim mặn nồng ấy, cha của đứa bé đã một đi không trở lại. Ngay cả con gái đầu của ông, chị Hồ Thị Diên cũng là nạn nhân của của việc “trộm tình” cay đắng đó.
Ôm con khóc kẻ bạc tình
Hai mẹ con Diên giờ ở luôn nhà ông Khanh. Nhắc đến chuyện cay xè sống mũi này, ông Khanh kể, ngày ấy, đi sim cùng chúng bạn, Diên thầm yêu trộm nhớ một cậu thanh niên ở mãi dưới huyện Hải Lăng (Quảng Trị) lên đất này công tác. Yêu quá, chẳng giữ được mình, vài đêm không về nhà ngủ thì con gái ông đã mang bầu.
Thấy Diên không chồng mà chửa, gia đình và dân bản xúm vào tra khảo nhưng Diên chỉ ôm mặt khóc. Gặng hỏi mãi cô mới nói tên tác giả đứa con trong bụng của mình. Người ấy chẳng phải ai xa lạ và người ấy đã không còn ở đất này nữa.
Sau đợt công tác dài ngày đó, anh ta đã cuốn gói về xuôi. Bởi “tình vỗ cánh bay” mà không lời từ biệt, đau khổ Diên đã khóc suốt mấy đêm liền. Ông Khanh kể, chờ con gái sinh nở xong, ông đã cùng con gái tìm về tận nhà “ông con rể hụt” ấy để… bắt đền.
Thế nhưng, gặp lại cố nhân, kẻ bạc tình ấy cứ chối đây đẩy, phủi sạch những lời thề thốt, yêu đương mà hắn ta đã nói với Diên từ những đêm sim mùa trước. Đắng cay, tủi nhục, hai bố con đành lầm lũi trở về.
Ở A Sóc nhiều cô gái vướng vào hoàn cảnh như Diên. Sau những đêm sim mặn nồng chỉ có đất trời chứng giám ấy, nhạt yêu, sợ trách nhiệm, chàng trai đã nhanh chân… bỏ trốn.
Theo chỉ dẫn của phó bản Hồ Văn Khanh, chúng tôi tìm đến nhà Hồ Thị D., một sơn nữ cũng giống như Diên, ôm trái đắng từ những đêm tình vội vã. D. đi rẫy chưa về. Đứa con của Diên chừng hơn 3 tuổi, lê la ngịch nước mưa dưới hiên nhà. Đứa bé quắt queo, gầy nhẳng như que củi. Người nhà D. bảo, đến giờ vẫn chưa biết mặt mũi bố đứa bé là ai.
Nghe D. kể thì bố đứa bé là người dưới xuôi, lên đây công tác vài năm. Không biết bởi xa nhà buồn chán hay bởi thấy các cô gái ở đất này thật thà mà gã trai miền xuôi đã buông lời ong bướm. Lời ngọt bùi tai, D. đã hiến dâng cả đời con gái cho gã trai họ Sở ấy. Và, đương nhiên, khi biết cô sơn nữ tội nghiệp ấy có bầu, hắn đã đột ngột xin chuyển công tác rồi “im thin thít và lặn mất tăm”.
Mấy ngày ở A Sóc, đám thanh niên vẫn tíu tít đi sim. Ở chốn xa xôi này đó cũng là thú vui duy nhất của đám thanh niên mới lớn. Thế nhưng, chẳng ai có thể biết trong số những đôi mắt háo hức kia đôi mắt nào sẽ phải ôm nỗi muộn phiền.
Theo chị Hồ Thị Thiết, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Hướng Lập thì thời gian gần đây, vấn nạn tảo hôn đang khiến các cơ quan đoàn thể ở xã đau đầu. Nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn trên là do thanh niên sống “thoáng” hơn, dễ dãi hơn trong quan hệ tình cảm. “Cứ sau vài đêm sim là yêu và đã yêu thì chẳng giữ gìn gì. Bởi thế, nhiều trường hợp trai gái mới 15, 16 tuổi mà đã phải thành chồng thành vợ. Trước đây, người dân tộc mình ở đây đâu có thế!”. Trao đổi với chúng tôi, chị Thiết cho biết.
Bình luận