(VTC News) - Cuộc duyệt binh lịch sử ngày 7/11/1941 có những điều bất ngờ, thậm chí cả 'sự cố' liên quan đến Stalin gần đây mới được tiết lộ.
Ít người biết rằng, song song với cuộc duyệt binh và lời hiệu triệu của Tổng tư lệnh quân đội tại Quảng trường Đỏ, nhà thờ Chính thống giáo cũng đã cử hành một nghi lễ tôn giáo.
Trước đó, các chức sắc của Nhà thờ Chính thống giáo Nga đã đề nghị Stalin cho phép tổ chức một cuộc diễu hành rước tranh thánh Đức Mẹ Đồng trinh của Nhà thờ Kazan theo truyền thuyết đã nhiều lần cứu nước Nga khỏi quân xâm lược ngoại bang.
Lãnh tụ Stalin lần đầu tiên đã bỏ qua những nguyên tắc vô thần của chính quyền Xô-Viết và chấp nhận đề nghị đó. Tại nhà thờ Bogoyavlensky (Nhà thờ Chúa hiển linh) ngay trong thành phố Matxcơva, Nhà thờ Chính thống giáo đã tổ chức một buổi lễ tạ ơn, sau đó là lễ rước tranh thánh của nhà thờ Kazan thể hiện hình Đức Mẹ Đồng trinh.
Khi Stalin đọc lời hiệu triệu tại lễ duyệt binh ở Quảng trường Đỏ, Đại giáo chủ Serghi cũng gửi đến các đạo hữu lời kêu gọi tinh thần yêu nước: "Đây không phải lần đầu tiên nhân dân Nga chịu đựng ách xâm lăng của những kẻ ngoại bang.
Cũng không phải lần đầu tiên chúng ta làm lễ thánh để cứu mảnh đất quê hương. Kẻ thù mạnh. Nhưng Chúa của Đất Nga vĩ đại thay! Mamai đã thốt lên như vậy khi bị quân Nga đánh bại trên chiến trường Kulikovo. Chúa sẽ khiến kẻ thù ngày nay của chúng ta rồi cũng sẽ phải nhắc lại lời nói đó!"
Các đơn vị tham gia duyệt binh và khách mời chỉ được thông báo về việc đổi giờ khai mạc sớm 2 tiếng ngay trước buổi lễ có vài tiếng. Thế nhưng ban tổ chức lại quên không thông báo cho các phóng viên. Việc này đã gây ra sự cố nghiêm trọng: vào lúc khai mạc duyệt binh chỉ có các trợ lý quay phim có mặt tại địa điểm để chuẩn bị thiết bị, và họ phải nhập cuộc luôn.
Kíp quay phim chưa đến kịp nên đã không ghi hình và thu âm trực tiếp phần phát biểu của Stalin. Sau buổi lễ, tướng Vlasik, đội trưởng bảo vệ của Stalin mời các phóng viên quay phim tới trụ sở ở Lubyanka và đề nghị họ bố trí quay lại phần phát biểu của Stalin tại lễ duyệt binh.
Kíp quay phim không đến kịp Quảng trường Đỏ lúc duyệt binh, bài phát biểu của Stalin được ghi hình tại điện Kremli nên hơi thở phả ra không bị đóng băng trong thời tiết giá lạnh lúc Stalin nói. Ảnh cắt từ clip. |
Không thể nào dựng lại lễ đài trên Quảng trường Đỏ, vì vậy việc quay thế đã được thực hiện trong Cung đại hội lớn tại Kremli. Tại đó người ta đã dựng lại mô hình khán đài trên Quảng trường Đỏ bằng gỗ dán, sơn màu giả đá cẩm thạch và ghi lại hình ảnh Stalin phát biểu.
Để cho giống thật, kể cả chi tiết do trời lạnh nên diễn giả khi phát biểu thở ra luồng hơi nước, người ta đã mở tung tất cả các cửa sổ của cung đại hội. Tuy nhiên mọi cố gắng của đạo diễn L.Varlamov và quay phim M.Troyanovsky để có được luồng hơi nước phả ra từ miệng lãnh tụ lúc phát biểu đã không thành công.
Dẫu vậy khán giả và các thành viên Viện hàn lâm điện ảnh Hoa kỳ không nhận ra điều đó. Cuộc duyệt binh ngày 7/11/1941 đã được dựng thành phim với tên gọi "Kỷ niệm cách mạng tháng 10 lần thứ XXIV. Lời phát biểu của Stalin".
Trong khi đó, quân phát xít đã tiến sát thủ đô Matxcơva |
Cảnh quay dựng lại đoạn lãnh tụ Liên Xô phát biểu và cảnh duyệt binh được đưa vào bộ phim tài liệu của L.Varlamov và I. Kopalin "Đánh bại quân Đức ở ngoại ô Matxcơva", bộ phim này năm 1942 được trao tặng giải thưởng Oscar dành cho phim tài liệu nước ngoài hay nhất.
Trong lễ duyệt binh cũng có một sự cố làm người xem bối rối. Có hai chiếc xe tăng T-34 khi đi ngang qua lễ đài bồng quay đầu chạy ngược trở lại với tốc độ cao. Stalin không hiểu chuyện gì xảy ra. Sau đó, người ta mới biết rằng phân đội xe tăng khóa đuôi lễ duyệt binh có 3 chiếc đi thẳng từ tuyến đầu về tham dự duyệt binh.
Trước buổi lễ, lính xe tăng đã được thông báo cần đề phòng bị đich tập kích và chuẩn bị tinh thần chiến đấu bất cứ lúc nào. Khi hai chiếc xe tăng đi trước đã tiến qua lễ đài thì chiếc thứ ba bị trượt bánh xích do Quảng trường Đỏ tuyết rơi dày. Xe này vội đánh tín hiệu "Bị stop hoàn toàn". Lầm tưởng đó là tín hiệu SOS, nên hai xe trong phân đội vội quay về để "ứng cứu" đồng đội.
Những người lính Hồng quân đã chiến đấu hết mình bảo vệ thủ đô Liên Xô |
Vasili Agapkin, chỉ huy đội quân nhạc trong lễ duyệt binh cũng đã gặp một sự cố bất ngờ. Đội quân nhạc và chỉ huy dàn nhạc được bố trí trên một bục riêng. Suốt thời gian duyệt binh Agapkin đã tập trung chỉ huy dàn quân nhạc, đứng không đổi chân nên khi phải rời bục ông đã không thể bước đi nổi.
Ủng dính chặt xuống bục vì tuyết, ông giật chân bước đi mạnh hơn thì bục kêu răng rắc và lung lay, Chỉ huy dàn nhạc suýt nữa thì ngã xuống sàn bục phủ tuyết. Các nhạc công phải bế ông khỏi bục và dìu ông xuống. Chỉ có vài chục bước chân từ đó sang tòa nhà Bách hóa Tổng hợp, nhưng Agapkin tưởng như lê từng bước trên đôi chân tê cứng như gỗ vì giá rét.
Thu Hương
Bình luận