• Zalo

Kỳ bí thuật làm nhẫn đính hôn ở Tây Nguyên

Phóng sự - Khám pháThứ Năm, 03/01/2013 03:15:00 +07:00Google News

Kiêng ngủ với phụ nữ, kiêng làm việc bậy bạ và vô khối những điều cấm kỵ khác... là việc người làm nhẫn đính ước ở Tây Nguyên phải thực hiện.

Kiêng ngủ với phụ nữ, kiêng làm việc bậy bạ và vô khối những điều cấm kỵ khác... là việc người làm nhẫn đính ước ở Tây Nguyên phải thực hiện khi chế tác những sản phẩm đại diện cho tình yêu đôi lứa ấy.


Nếu phạm vào những điều cấm kỵ này thì dù có khéo tay, kiên trì đến mấy chiếc nhẫn vẫn chẳng thể hoàn thành. Thêm nữa, người đặt nhẫn cũng chẳng thể có hạnh phúc bền vững.

Ya Tuất, 45 tuổi, dân tộc Churu, hiện sống ở thôn Ma Đanh (xã Tu Tra, Đơn Dương, Lâm Đồng), nghệ nhân chế tác nhẫn cuối cùng ở đất Tây Nguyên tiết lộ với tôi như vậy.

Bài 1: Những kiêng khem kỳ quặc khi chế tác đôi nhẫn giữ gìn hạnh phúc

Biết là những ngày này, Ya Tuất tất bật với việc làm nhẫn đính ước nên tôi gọi điện thoại trước cho anh: “Sáng mai mình xuống sớm để coi Ya Tuất làm mấy cái krá chanh, boòng lar… nhé!”.

Dẫu nhận ra giọng nói của người quen nhưng Ya Tuất vẫn dặn kỹ: “Anh phải nửa cái mùa trăng không ngủ với đàn bà thì mình mới cho xem! Không thì cái nhẫn của mình nó hư hết! Sắp đến mùa cưới chồng của con gái Churu rồi, nhẫn phải có nhiều mà…”.

Muốn viếng thăm nghệ nhân làm nhẫn thì phải hoàn toàn... chay tịnh

Vẫn như những lần trước đây, chỉ hơn 3 giờ sáng là tôi dậy tắm rửa cho sạch sẽ hơn ngày thường rồi lên xe phóng thẳng xuống thôn Ma Đanh của Ya Tuất. Hơn thế, trên đoạn đường dài khoảng 60 cây số từ Đà Lạt xuống xã Tu Tra, tôi không hề dám “ngó ngang liếc dọc” bất kỳ cô gái đi đường nào để cho cả “cái mắt” của tôi cũng phải… sạch theo lời dặn của người nghệ nhân “khó tính” ấy.

Sau tiếng gõ cửa của tôi, Ya Tuất ló mặt ra và nhìn khách từ đầu đến chân, dẫu cho tôi là khách quen của anh. “Không có mang theo cái “hồn ma gái” đấy chớ?”.

Nghe Ya Tuất hỏi, tôi hơi tự ái nhưng biết rằng “cái nghề” làm nhẫn bạc của anh có những quy định nghiêm ngặt vậy nên tôi chỉ gật đầu xác tín: “Mở cửa cho tôi vào đi!”.

Trời vẫn còn nhá nhem. Trong căn phòng không đèn, khuôn mặt Ya Tuất chìm trong bóng đêm. Trong bóng tối lem nhem ấy, Ya Tuất một lần nữa nhìn tôi ở một cự ly rất gần như thể “kiểm tra lần chót” rồi sau đó mới mở cánh cửa phía sau nối thông với gian bếp: “Ừ, xuống dưới này đi!”.

Vậy là thủ tục kiểm tra việc “chay tịnh” của tôi đã xong, Ya Tuất cho phép tôi bước xuống “công xưởng” của anh. Trong ánh lửa lập lòe nơi góc bếp, khuôn mặt chị Ma Well, vợ Ya Tuất, hiện ra với những đường nét gồ ghề của một phụ nữ khắc khổ: “Ơ…, xuống thăm đấy à…”.

Vợ chồng Ya Tuất đang “độc diễn” nghề nhẫn bạc tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng năm 2012  
Ma Well mở miệng bằng một câu không ra câu chào, cũng chẳng phải câu hỏi, rồi chị lại lẳng lặng tháo tháo, cắt cắt những chiếc nhẫn đính ước đang thành hình. Ya Tuất giờ trở nên xởi lởi hơn: “Có mấy cái đám cưới sắp đến ở trong làng nên mấy con trai con gái nó bắt mình làm nhiều sri lắm. Ngày nào cũng làm”.

Để mặc khách muốn… làm gì thì làm, Ya Tuất lại ngồi xuống bên bếp lửa tiếp tục nấu sáp ong. Còn chị Ma Well thì lấy khuôn gỗ tròn đổ sáp ong vào để cắt thành hình những chiếc nhẫn…

Tôi hỏi Ya Tuất: “Nghe bảo, huyện có đầu tư xây một cái nhà xưởng thiệt to để Ya Tuất truyền nghề cho lớp trẻ mà. Sao không ra đó làm? Mà, có đứa trẻ nào học được nghề chưa, làm được nghề thành thạo chưa?”.

Không rời tay khỏi mấy chiếc khuôn, Ya Tuất giọng đều đều: “Mình có ra nhà xưởng huyện xây để dạy cho tụi nhỏ làm cái nghề, chỉ dạy thôi, chứ không làm nghề ở đó. Làm ở đó, vợ mình làm sao phụ giúp mình được.

Ở ngoài đó dạy nghề, cái nghề khó vào trong cái đầu tụi nhỏ lắm! Có đứa chỉ học vài ba ngày rồi bỏ. Có đứa kiên trì học đến mấy tháng nhưng mỗi lần làm cái nhẫn là nó nứt ra làm hai, làm ba… Yàng không cho phép làm đó mà! Còn mình thì chỉ làm ở nhà thôi. Vì ra xưởng của huyện thì phải làm ban ngày mà cái nghề này thì Yàng chỉ cho phép làm vào lúc mặt trời chưa thức dậy thôi!”.

Chỉ chế tác nhẫn khi mặt trời chưa tỉnh giấc

Tôi hỏi Ma Well: “Mình vẫn chưa phân biệt được đâu là trống, đâu là mái. Cái nhẫn Ma Well đang làm là cái đực hay cái cái thế?”. Ma Well nói như “chê” tôi: “Ôi, xem mấy lần rồi mà cũng không biết à? Nó là cái “đực mạnh mẽ” đấy!”.

Cái “đực mạnh mẽ” này thường được Ya Tuất làm trước tiên của một ngày mới, bắt đầu làm từ 4 giờ sáng. Đến lúc gần kết thúc một buổi đúc nhẫn là làm cái “cái mạnh mẽ”.

Hóa ra, ngay trong nghề kim hoàn của người thiểu số Churu, cái “tầm” của quan niệm phồn thực cũng chi phối một cách đáng kể. Theo quan niệm này, nếu những cặp vợ chồng nào trao được cho nhau nhẫn “đực mạnh mẽ” và nhẫn “cái mạnh mẽ” thì họ không những có cuộc sống vợ chồng luôn hạnh phúc và hòa hợp mà còn sinh được “con đàn cháu đống”. Cùng đó, việc người này ngoại tình mà bỏ người kia để dẫn tới ly hôn là điều khó có thể xảy ra.

Jrông Thu, người Churu, hiện là Chủ tịch HĐND xã Pró (huyện Đơn Dương), nói với tôi rằng: “Theo quan niệm của người Churu, việc quan hệ nam nữ tiền hôn nhân không được xem trọng nhưng một khi phụ nữ đã có chồng và đàn ông đã được bắt làm chồng mà đi ngoại tình thì đó là một trong những tội rất nặng.

Trong cộng đồng người Churu, hiện tượng ngoại tình không mấy khi xảy ra. Một trong những yếu tố thắt chặt thêm mối quan hệ hôn nhân giữa hai người đàn ông và đàn bà đó là chiếc nhẫn bạc đính hôn. Nói cách khác, chiếc nhẫn bạc đính hôn của người Churu không chỉ là vật trang sức mà còn là tín ước mang tính thiêng”.
Ya Tuất đang là người duy nhất trong cộng đồng người Churu Lâm Đồng nắm được bí quyết của nghề làm nhẫn bạc truyền thống của người Churu  
Theo lời của Ya Tuất thì thời điểm trao nhẫn bạc đính ước chính là cái mốc quan trọng đặc biệt trong một đời người. Nếu trước đó, con trai và con gái Churu được hoàn toàn tự do “tìm hiểu” thì đến lúc chiếc nhẫn bạc đã được trao vào tay nhau rồi cũng có nghĩa là sự “tự do” ấy hoàn toàn biến mất.

Và, một trong những yếu tố “cột chặt” đời sống vợ chồng với nhau giữa một người đàn ông và một người đàn bà chính là tính thiêng của chiếc nhẫn đính hôn. Bởi vậy, khi làm nhẫn trống hay nhẫn mái, Ya Tuất phải cách ly hoàn toàn với người khác giới trong nhiều ngày để “cái nhẫn nó không có cái màu của đàn ông hay đàn bà” (như cách nói của Ya Tuất).

Jrông Thu là một người khá am hiểu những phong tục, tập quán của dân tộc Churu. Anh khẳng định với tôi rằng: “Trong cộng đồng người Churu từ trước đến nay, tuy khá hiếm nhưng ở thời điểm nào cũng có người, ít nhất là một người, theo học nghề đúc nhẫn bạc đính hôn nhưng người được phép làm nghề thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Minh chứng là cho đến thời điểm này, cả cộng đồng người Churu hơn 10 nghìn người ở Lâm Đồng chỉ có một mình Ya Tuất là người được Yàng cho phép hành nghề. Bởi, cứ hành nghề tràn lan, cái nhẫn bạc làm ra sẽ không còn tính thiêng nữa”.

Dùng nhẫn đính ước để giữ chồng, giữ vợ

Jrông Thu nói với tôi rằng: “Trong đời sống xã hội cổ truyền, người Churu đặc biệt coi trọng hôn nhân một vợ một chồng, ngoại tình là hiện tượng không mấy khi xảy ra. Hơn nữa, một khi hiện tượng này “lỡ” có xảy ra thì cũng chính chiếc nhẫn bạc là tín vật đặc biệt quan trọng trong khâu hòa giải”.

Theo tục lệ, trong lễ cưới, sau khi chàng trai và cô gái trao cho nhau nhẫn đính ước để chính thức trở thành vợ chồng thì 2 chiếc nhẫn trống và nhẫn cái đó được mẹ của cô dâu cho vào một chiếc gùi nhỏ và bí mật cất giữ ở một nơi nào đó rất kín trong nhà. Đến khi đôi vợ chồng này có chuyện trục trặc thì hai chiếc nhẫn bạc ấy được mang ra làm vật thiêng để nhắc nhở đôi vợ chồng.

Tôi từng được nghe anh Jrông Thu kể rằng, hiện nay, trong cộng đồng người thiểu số Churu ở Lâm Đồng còn lưu truyền câu ca: “Đêm qua tôi ngủ nằm mơ thấy con trăn nằm trên đầu giường” hoặc “Đêm qua tôi ngủ cũng nằm thấy con rắn nằm trên đầu giường…”.

Đó là câu ca có tính nhắc nhở người cùng chăn gối của mình nên từ bỏ ý định ngoại tình nếu có ý định ngoại tình và từ bỏ cuộc tình nếu trót lỡ ngoại tình. Nếu câu ca ấy không có tác dụng, gia đình 2 bên sẽ tìm cách khuyên răn chàng trai hoặc cô gái nên tôn trọng quan niệm: “Đã nằm xuống đây thì chỉ tay trong tay nắm chặt. Để trọn đời có chửa có con” (một câu ca khác của nhiều dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng).

Cuối cùng, nếu những biện pháp này vẫn chưa có tác dụng thì mẹ của người con gái sẽ mang hai chiếc “nhẫn mái – nhẫn đực” trong lễ kết hôn của hai người trước đó ra để làm “bằng chứng” có ý nghĩa vừa khuyên can, vừa thuyết phục nhưng đồng thời hàm chứa sự răn đe về một hình phạt như một cực hình mà người ngoại tình phải gánh lấy nếu không chịu “quay đầu lại”.

“Trong cộng đồng người thiểu số Churu ở Đơn Dương từng xảy ra chuyện một người đàn bà bị cộng đồng cạo trọc đầu bôi lá độc và đuổi ra khỏi làng vĩnh viễn bởi không nghe theo cái lời của chiếc nhẫn trống do người chồng đeo vào tay trong ngày cưới”, Jrông Thu kể.

Câu chuyện của Jrông Thu nhuốm màu thần thoại: Về sau, người đàn bà này sống chung với một bầy thú và leo trèo, chạy nhảy như lũ thú rừng… Nhiều năm sau, khi “người thú” này bị dân làng bắt, mọi người thật bất ngờ khi trên ngón tay của “nó” là một chiếc nhẫn trống nhưng đó không phải là chiếc nhẫn đực trong ngày đính hôn, mà có thể đó là chiếc nhẫn trống của một người “bí mật” nào đó!

Còn tiếp...

TheoBáo Gia đình và Cuộc sống
Bình luận
vtcnews.vn