• Zalo

Kỳ bí khu rừng rắn độc và cuộc chạy trốn nọc độc tử thần

Phóng sựThứ Năm, 05/08/2021 07:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Rắn - đặc sản quái gở của rừng Hoàng Liên Sơn, chỉ phép màu mới giúp người bị rắn cắn sống sót nhưng ở đó vẫn lưu câu chuyện về cuộc chạy trốn tử thần giữa rừng rắn.

Suốt hơn 800 ngày đêm thi công tuyến cáp treo 3 dây Fansipan huyền thoại, những gã trai dù dạn dày đến mấy cũng phải rùng mình khi lần đầu tiên đối mặt với sự khốc liệt và huyền bí của Hoàng Liên Sơn. Ở đó, có những vách đá, cánh rừng rợn tóc gáy, khi rắn lục vắt vẻo trên cành cây, những khu “rừng thiêng” huyền bí của người Mông bản địa.

Rừng rắn độc

Lục Thanh Chiến từng có thâm niên 6 năm lăn lộn cùng cáp treo từ ngày sơ khai nhất. Cho tới tận bây giờ, Chiến vẫn rùng mình mỗi khi nhớ về khu rừng của rắn.

“Đó là những năm 2013-2016, chúng tôi đi mở tuyến xuyên dọc rừng quốc gia. Anh em vừa đi, vừa dò dẫm vì làm gì có đường, đâu cũng chỉ toàn thấy cây cối rậm rì, dốc nối dốc. Nhưng đáng sợ nhất phải kể đến rắn - thứ đặc sản quái gở của rừng Hoàng Liên Sơn”, Chiến nhớ lại.

Nói đoạn, Chiến lật giở bình đồ độ cao tuyến cáp, cho hay: “Do yêu cầu đặc thù nên đường đi của tuyến cáp đều nằm sâu trong đại ngàn, nơi rất ít người đặt chân tới. Chính vì vậy, từ độ cao 2.100m là lãnh địa của đủ loại sinh vật. Đặc biệt, quanh khu vực cột trụ số 3 [T3-PV] của tuyến cáp, rắn giống như chủ nhân của cả một dải rừng. Chúng cực dạn, hung hăng và sẵn sàng tấn công ngay khi bị làm phiền”.

Kỳ bí khu rừng rắn độc và cuộc chạy trốn nọc độc tử thần - 1

Lục Thanh Chiến hãi hùng kể cho chúng tôi về chuyện khu rừng đầy rắn trên Fansipan.

Giang – cựu kỹ sư phụ trách cáp công vụ toát mồ hôi hột nhớ lại: “Anh em đi khảo sát hay mở tuyến gặp rắn không có gì là lạ. Có bữa, khi đang kéo cáp, tôi bỗng nghe thấy tiếng bục bục như ai gõ vào ủng. Cúi xuống thấy con rắn xanh ngắt như tàu lá chuối đang mổ tới tấp”.

Ở độ cao trên 2.000m quanh T3 và T4, rừng rất rậm rạp. Ngay cách chân cột trụ này không xa là một lòng chảo sâu ngót nghét 100m. Cây từ dưới đáy thung lũng chen nhau, mọc sừng sững như cột chống trời. Khu vực này là “thiên đường” của rắn. Loài ẩn mình dưới lớp lá mục có màu lốm đốm nâu rất khó phát hiện. Loài treo lửng lơ trên những cành trúc rừng thì xanh lét, chỉ có phần đuôi đỏ ửng như một vệt son nhạt nhòa.

Rắn ở đây không có kẻ thù. Đồng bào Mông coi rắn như loài vật linh thiêng, thậm chí còn thờ cúng thần rắn nên họ không ăn thịt hay bắt rắn đem bán dù rắn độc có giá trị cao. Do vậy rắn thoải mái sinh sôi và chẳng biết sợ người.

Kỳ bí khu rừng rắn độc và cuộc chạy trốn nọc độc tử thần - 2

Rắn trên Hoàng Liên Sơn không sợ người.

Má A Tông, cựu nhân viên an ninh từng tham gia xây dựng cáp trong giai đoạn 2015-2016 kể rằng, có lần, khi đang nằm ngủ, cậu thấy tay mát lạnh và buồn buồn.

“Hé mắt ra thì thấy nguyên một con rắn to đang trườn qua người. Mấy anh em trong lán sợ quá, chỉ biết nằm im nín thở”, cậu nhớ lại.

Lại có chuyện, cậu bảo vệ trẻ được giao nhiệm vụ canh gác trụ T3, ngay trong những ngày đầu tiên làm việc đã tá hỏa bỏ chạy ra khỏi nhà vệ sinh vì thấy rắn “mắc võng” ngay bên cạnh. Những “cựu binh” từng ăn rừng, ngủ núi trên dọc tuyến cáp như Lục Thanh Chiến thậm chí còn gửi cho nhau hình ảnh một thân cây kín đặc loài rắn xanh. Hàng chục con uốn éo, cuộn chặt nhau nhung nhúc trên cành trong mùa giao phối.

Nếu phải tìm một địa điểm vắng bóng rắn nhất trên sống lưng Hoàng Liên Sơn thì đó chính là rừng chè ngàn tuổi ở độ cao 2.800m. Rừng chè giống như một ốc đảo, được bao quanh bởi một cánh rừng cổ thụ rậm rạp – nơi người Mông bản địa lấy gỗ làm quan tài.

“Một điều kỳ lạ là bên ngoài rắn nhiều thế nào thì vào đến đây lại gần như không còn xuất hiện nữa. Trung tâm vườn chè cổ như trái tim của cả cánh rừng. Bước vào thì không còn lo sợ rắn nữa”, anh Trịnh Văn Hà – cựu cán bộ trắc đạc xây dựng cáp treo Fansipan kể lại.

Kỳ bí khu rừng rắn độc và cuộc chạy trốn nọc độc tử thần - 3

Một con rắn độc trong rừng Hoàng Liên Sơn.

Cuộc chạy trốn kỷ lục giành sự sống 

Mặc dù các kỹ sư và công nhân thi công cáp rất cẩn thận nhưng tai nạn vẫn cứ xảy ra và chỉ có phép màu mới có thể giúp nạn nhân bị rắn cắn sống sót.

Võ Hoài Quốc, người chứng kiến “phép màu” đó kể lại: “Lần đó, tôi cùng chú Minh và A Sử đi khảo sát trong rừng gần trụ T4. Sáng sớm, chú Minh trở dậy, cầm đèn pin ra sau lán bứt dây rừng để buộc hành lý".

Đột nhiên, Quốc nghe thấy tiếng la thất thanh. Liền sau đó, chú Minh chạy vào, mặt tái mét, chìa bắp tay còn hằn rõ 4 dấu răng lớn. “Hung thủ” là một con rắn lục hoa xanh đốm vàng – loại có nọc độc cực mạnh.

Chỉ kịp buộc garo trên vết cắn, Quốc vội vã cuốn hành lý rồi cùng A Sử và chú Minh lao thật nhanh xuống núi. Nếu không về cửa rừng kịp, nọc độc sẽ dần dần chạy vào tim, nguy cơ mất mạng là cực lớn.

Vừa chạy, Quốc vừa gọi điện cầu cứu. May thay, có người bắt máy. Một ô tô sẽ đợi sẵn phía cửa rừng.

Anh kể: “Ba người chúng tôi chạy quá khu vực T3. Người chú Minh sưng căng đến sát ngực, phải xé cả áo vì sợ sưng chật không cởi kịp. Chú mím cặp môi khô nhợt nhạt cố chịu đựng cơn đau, mắt nổi đốm hoa nhưng vẫn còn đủ tỉnh táo để lần theo những vết chém trên thân cây to để chạy qua đoạn rừng dễ lạc nhất”.

Kỳ bí khu rừng rắn độc và cuộc chạy trốn nọc độc tử thần - 4

Rắn lục lẫn vào lá cây rất khó phát hiện.

Xuống đến điểm 1.800m, Quốc thấy chú Minh chạy khom người, một tay tì sau lưng. Anh và A Sử vội đến dìu chú chạy tiếp. Mặt chú tái nhợt. Nọc rắn phát tác, chú bắt đầu khó thở và liên lục kêu đau lưng. Quốc chỉ còn biết động viên đồng nghiệp, lòng nóng như lửa đốt. Đoạn đường còn lại, anh gần như kéo lê chú Minh đi.

Tới gần 9h sáng – nghĩa là chỉ mất 3 tiếng cho 12km đường rừng, cả nhóm tới Trạm Tôn. Lúc này, nửa người nạn nhân gần như không cử động được vì sưng căng như một trái bóng, bàn tay khỏe mạnh giờ đen thâm như một nải chuối rừng luộc chín. Chiếc xe đợi sẵn đưa chú Minh lao vút về Bệnh viện Sa Pa.

Đến quá trưa cùng ngày, sức khỏe của chú Minh diễn biến xấu hơn rất nhiều. Bệnh viện Sa Pa đề nghị chuyển lên tuyến tỉnh để cấp cứu. Thế nhưng, ngay cả khi lên tới bệnh viện tỉnh, tình hình cũng không khả quan hơn. Các bác sĩ cũng lắc đầu bất lực. Lúc này, vợ chú Minh – một phụ nữ Thái quyết định đưa chú về điều trị bằng thuốc gia truyền của thầy lang bản.

“Thật may mắn và cũng khó lý giải, dường như rắn Hoàng Liên thì phải do thuốc rừng Hoàng Liên hoá giải. Như một phép màu, chỉ 14 ngày sau đó, chú đã ngồi câu cá ở ao nhà thầy thuốc”, Quốc kể.

Cho đến tận bây giờ, mỗi lần có dịp gặp nhau lại ở Sa Pa, Quốc và mọi người vẫn thường ngồi ôn lại câu chuyện điên rồ về chuyến chạy trốn tử thần giữa rừng rắn Hoàng Liên, như một minh chứng cho sự bí ẩn, thâm u và linh thiêng của mạch nguồn linh khí Fansipan.

Bách Phan
Bình luận
vtcnews.vn