Giữa đại ngàn hùng vĩ, người dân bản Bạch Sơn, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An vẫn truyền nhau những câu chuyện kỳ bí về hai cây thị cổ tồn tại ở đây hàng trăm năm tuổi bên ngôi đền Bạch mã linh thiêng.
Hiện ngôi đền không còn tồn tại, nhưng những câu chuyện huyền bí về ngôi đền và cây thị chồng, thị vợ vẫn được người dân bản lưu truyền kể lại.
Sự tích ngôi đền
Bản Bạch Sơn nằm biệt lập giữa đại ngàn heo hút của miền Tây xứ Nghệ. Muốn vào được bản Bạch Sơn, phải vượt qua con suối Xì Vàng và đi bộ hơn 5km bằng đường núi rừng rậm rập mới tới nơi.
Chúng tôi vào bản Bạch Sơn đúng vào dịp cơn lũ lịch sử vừa tàn phá qua đây. Bởi vậy, những ngày này nước suối dâng cao, người ta phải đi qua đây bằng cách làm bè tre để kéo qua. Bản Bạch Sơn vốn xuất phát từ thuật ngữ "Bạch mã" (tức con ngựa trắng, tiếng Thái là Pả mạ). “Thị vợ”, “thị chồng” hàng trăm năm tuổi nằm giữa đại ngàn.
Bên chén rượu nồng trong căn nhà sàn, cụ Lô Đình Niên (75 tuổi) già làng của bản Bạch Sơn kể lại, khi còn nhỏ ông thường vào rừng tìm măng rừng, đốt rẫy và được ông nội kể:
Từ ngày xa xưa khi mới lập bản, bản chỉ vẻn vẹn 5 hộ dân, nên bản cũng chưa có tên. Một ngày nọ bỗng một con ngựa trắng bay về, đậu trên đỉnh núi cao nhất của bản.
Tương truyền, ngựa trắng bay về là để giúp dân đuổi thú rừng thường về đây phá nương rẫy. Sau khi giúp dân, ngựa trắng lại bay đi và không còn trở lại nữa.
Để tưởng nhớ công ơn "Bạch mã" vị già làng năm xưa đã đặt tên bản là bản "Bạch mã" (tức bản Pả Mạ). Đồng thời, người dân cũng đã tôn thờ ngài Bạch mã như một vị thần, dựng một ngôi đền ngay giữa bản.
Hàng năm, cứ đầu năm và cuối năm tùy theo mùa vụ dân bản lại mang lễ vật đến đây để làm lễ dâng ngài. Bởi thế, dân bản Bạch mã từ đó có cuộc sống no ấm, mùa màng trên rẫy lúc nào cũng trĩu hạt. Thú rừng cũng ít về đây phá hoại mùa màng.
Cụ Niên cho biết thêm, ngay đường vào bản vốn có một con suối, người dân ở đây gọi là suối Xì Vàng, vốn là của ngài Đức thánh thổ quản lý.
Một lần, ngài lên bản Bạch mã ngồi trên con ngựa trắng, mang theo con gà trắng (tiếng Thái là Cảy Đọn) lên để chơi gà. Nhưng con hổ biến thành tinh đã ăn thịt cả ngài, ngựa trắng và gà trắng.
Hổ dữ chỉ chừa lại ba cái cẳng (tiếng Thái là Sam Ha: tức 3 chân): Một chân gà, một chân ngựa và một chân ngài. Dân bản đau lòng đã đem chôn ba cái cẳng ấy ở một mô đất rộng. Hiện, mô đất đó đã được người dân bản làm ruộng và đặt tên là ruộng ba cẳng, sát với ngôi đền Bạch mã.
Sau nhiều biến cố của lịch sử, bản Bạch mã đã được đổi tên như ngày nay là bản Bạch Sơn - Đó là sau sự kiện ngôi đền thiêng trong bản bị phá bỏ.
Hiện bản Bạch Sơn có 69 hộ dân và 100% là người dân tộc Thái. Thu nhập chính chủ yếu là từ làm nương rẫy và những sản phẩm từ rừng.
Sự biến mất của ngôi đền thiêng
Đền Bạch mã gắn liền với nhiều câu chuyện ly kỳ và hấp dẫn. Ông Lương Văn Hoàn, một người dân trong bản cho hay, lần đó, một người đàn ông từ ngoài vào bản trộm xoong, nồi của dân làng, không hiểu sao lại quay trở lại trả toàn bộ đồ lấy cắp lại cho người dân bản.
Sau này mới biết, nhờ ngôi đền và hai cây thị cổ, ai trộm đồ trong bản ra đến cuối bản là chảy máu mũi, nên phải quay lại trả đồ cho bản. Và còn phải làm lễ thì ngài mới chịu tha cho.Ông Lang Văn Trường, Trưởng bản cho biết: Khu vực này trước là ngôi đền Bạch mã.
Năm 1983, một trận dịch kiết lỵ lấy đi mạng sống của 78 người dân bản Bạch mã. Người dân ở đây đã đổ lỗi cho ngôi đền.
Họ cho rằng, ngôi đền đã không còn thiêng nữa và không còn phù hộ cho con cháu dân bản mùa màng trĩu hạt nên ai cũng bỏ bê chuyện thờ cúng.
Ngôi đền bị bỏ hoang lạnh một thời gian thì bị phá bỏ. Hiện ngôi đền chỉ còn lại mô đất bằng phẳng nằm gần hai cây thị cổ.
Ông Lang Văn Trường, Trưởng bản cho biết: Hai cây thị cổ hai bên có tuổi đời hàng trăm năm và không biết có từ bao giờ được làm hai trụ cổng dẫn lối vào đền.
Đến những năm 1994 - 1995, vì giao thông đi lại khó khăn hiểm trở, giao thương trở ngại nên những người trong bản đã chuyển đến nơi ở mới cách bản cũ hơn 1km và đặt tên mới cho bản là Bạch Sơn như bây giờ.
Họ mong muốn xa đền sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng trĩu hạt và cuộc sống sung túc hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hộ vẫn bám bản cũ.
Đến năm 2010, tiếp tục chuyển ra nơi ở mới thêm 10 hộ nữa. Hiện vẫn còn 2 hộ ở lại bản vì không muốn rời nơi ông cha đã sinh ra họ và muốn sống gần hai cây thị cổ để giữ lại di sản.
Kỳ bí thị chồng, thị vợ
Những già làng trong bản cũng kể lại, khi họ còn nhỏ thường chui vào hốc hai cây thị để chơi trò trốn tìm.
Có người nói hai cây thị có thể lên đến ngàn tuổi. Điều này cũng có thể xảy ra. Hai cây thị là tài sản chung của người dân bản Bạch Sơn và là niềm tự hào với những gì ông cha để lại cho họ.
Theo chân ông Lang Văn Trường, chúng tôi đã được "mục sở thị" hai cây thị hiếm hoi và kỳ lạ này. Nói là hiếm hoi bởi đó là hai cây thị nằm ở một bản làng heo hút giữa đại ngàn là những gì mà người dân bản sùng kính và gìn giữ.
Muốn vào bản Bạch Sơn phải có bè tre đưa qua suối Xì Vàng.
Chúng cũng trở nên kỳ lạ bởi hai cây thị được người dân bản Bạch Sơn cho rằng, đây là cây thị vợ và thị chồng.
Ông Trường chỉ vào cây thị nằm ở phía Tây cho biết, đây là cây thị chồng. Cây thị chồng cao hơn cây thị vợ và cành lá bao trùm rộng lớn hơn.
Điều đặc biệt, cây thị chồng đến mùa cho quả nào cũng tròn, dài và quả nào cũng đều có hạt. Chỉ về phía cây thị còn lại, ông Trường cho hay, đây là cây thị vợ, cho ra quả hình dẹt, quả không bao giờ có hạt.
Hai cây thị cổ đứng sừng sững giữa bản Bạch Sơn hiện đã già cỗi, thân cây thị cao to, vập vạp, xù xì và mốc meo, xung quanh là những u cục sần sùi.
Bởi già quá, thị đã hình thành lỗ hổng lớn, thân cây cả 4-5 người chui vào cũng lọt. Còn những đụn rễ thì nở ra với những hình thù kỳ quái.
Mặc dầu vậy, các cành con, cành cháu vẫn mọc xanh tươi và vươn cao bao trùm lấy cả một vùng. Từng thớ thịt, đụn rễ cắm sâu vào lòng đất như hút những tinh tuý của tạo hoá khiến người xem chẳng muốn rời.
Người ta đồn rằng, hai cây thị nằm bên đền Bạch mã thiêng lắm! Trải qua hàng trăm năm, mưa gió, lũ rừng cày xéo vậy mà chằng hề gì, hàng năm vẫn đơm hoa kết trái và cho rất nhiều quả.
Rồi những đêm trăng rằm, người ta thường nghe tiếng cục…cục…cục giống như là tiếng gà quanh hai gốc thị. Bởi vậy, vào ban đêm người trong bản cũng ít qua lại nơi đây.
Ông Trường cho biết thêm, hai cây thị là những gì còn sót lại của cha ông gìn giữ cho người con của bản Bạch Sơn. Vì vậy, hai cây thị cổ đã trở thành báu vật của bản, giữa đại ngàn heo hút, che chở, gìn giữ bình yên cho bản.
Anh Quân/PLXH
Bình luận