Hôm 14/12, tại thủ đô Pristina, Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani, Thủ tướng Albin Kurti và Chủ tịch Nghị viện Glauk Konjufca cùng ký văn bản, nộp cho Cộng hòa Séc, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) để xin gia nhập liên minh này.
Hồi tháng 5, ông Albin Kurti cho biết vùng lãnh thổ này muốn trở thành thành viên của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU.
Kosovo có diện tích gần 11.000 km2, dân số khoảng 1,9 triệu người chủ yếu gốc Albani. Đây là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia.
Tháng 2/2008, Kosovo tuyên bố độc lập. Hơn 100 quốc gia đã công nhận nhà nước này, nhưng Nga, Trung Quốc, Serbia, cùng với các nước EU Tây Ban Nha, Romania, Slovakia, Hy Lạp và Síp vẫn chưa công nhận độc lập cho Kosovo.
Chính phủ Serbia không công nhận Kosovo là quốc gia có chủ quyền, song đã bắt đầu bình thường hóa quan hệ với chính quyền Kosovo nhằm hướng tới mục tiêu gia nhập EU.
Từ tháng 3/2011, EU đã khởi xướng các cuộc đàm phán giữa Serbia và Kosovo, coi đây là cách duy nhất để Serbia đạt mục tiêu gia nhập khối này. Hai bên đã đạt được hơn 10 thỏa thuận, nhưng đa số văn kiện này hiện vẫn chưa được thực hiện.
Serbia đã nộp đơn xin gia nhập EU từ năm 2009 và được cấp tư cách ứng viên năm 2012. 4 quốc gia còn lại ở Tây Balkan gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro và Bắc Macedonia cũng đã nộp đơn xin vào liên minh.
Kosovo xin gia nhập EU trong bối cảnh tình hình chính trị khá căng thẳng. Căng thẳng giữa Kosovo và Serbia bùng lên từ hồi tháng 7/2022, khi chính quyền Kosovo muốn yêu cầu người dân sinh sống tại vùng lãnh thổ này, bao gồm người Serb, sử dụng giấy tờ tùy thân và biển số xe do Pristina cung cấp, kéo theo các cuộc biểu tình quy mô lớn.
Bình luận