Liên minh châu Âu hôm qua đã một phen chấn động sau khi có thông tin nhà chức trách Bỉ cáo buộc 4 quan chức nhận tiền và quà từ một quốc gia vùng Vịnh để gây ảnh hưởng đến các quyết định của Nghị viện châu Âu.
Trong một tuyên bố tại cuộc họp báo hôm qua, chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã gọi đây là mối quan ngại lớn nhất, đồng thời cho biết sẽ xem xét lại đề xuất thành lập một cơ quan độc lập để xử lý các vấn đề liên quan đến đạo đức trong các định chế châu Âu.
“Các cáo buộc chống lại phó chủ tịch Nghị viện châu Âu liên quan đến tham nhũng ở Qatar là mối quan tâm lớn nhất, rất nghiêm trọng. Đó là vấn đề niềm tin của người dân vào các thể chế của chúng ta. Sự tin tưởng và niềm tin vào các thể chế của chúng ta cần nhận được tiêu chuẩn cao nhất về độc lập và toàn vẹn của khối”, bà Leyen nói.
Trong khi đó, giới chức Liên minh châu Âu thì cho rằng đây là vụ việc nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan công quyền, đồng thời yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói: “Đây là một vụ việc không thể tin được, cần phải được làm sáng tỏ hoàn toàn bằng pháp luật. Đây là vấn đề về uy tín của cả châu Âu, vì vậy điều này phải gây ra hậu quả ở nhiều lĩnh vực khác nhau”.
Cùng quan điểm, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói: “Đây là vấn đề nghiêm trọng. Tôi không bình luận sâu về vụ việc này bởi cơ quan tư pháp sẽ làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, chúng tôi muốn vụ việc được làm sáng tỏ”.
Trước đó, liên quan đến cáo buộc tham nhũng, giới chức Bỉ ban đầu bắt 6 người, nhưng sau đó đã trả tự do cho hai người. Danh tính các nghi phạm không được công bố. Tuy nhiên, theo một số hãng truyền thông châu Âu, trong số những nghi phạm có Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Eva Kaili, 44 tuổi, thành viên đảng PASOK của Hy Lạp.
Ngay trong ngày 12/12, cảnh sát Bỉ cũng đã lục soát các văn phòng thuộc Nghị viện châu Âu, thu giữ 600.000 euro tiền mặt, cùng nhiều máy tính cá nhân và điện thoại di động. Các nhà điều tra nghi ngờ Qatar, nước chủ nhà World Cup 2022, đã gây ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế và chính trị của nghị viện châu Âu bằng cách chi ra số tiền lớn hoặc quà cáp giá trị cao cho các nhân vật có ảnh hưởng tại nghị viện trong 2 năm qua.
Văn phòng Phó chủ tịch nghị viện châu Âu Eva Kaili hiện chưa có bất cứ bình luận nào về vụ việc trên. Tuy nhiên, Đảng Xã hội chủ nghĩa Hy Lạp (PASOK), nơi bà Kaili là 1 thành viên cho biết, đang làm thủ tục khai trừ bà ra khỏi hàng ngũ của đảng.
Trong khi đó, phái đoàn Qatar tại Liên minh châu Âu phủ nhận các cáo buộc về những hành vi sai trái và khẳng định Cata luôn tuân thủ luật pháp và các quy định quốc tế. Mọi cáo buộc nhằm vào nước này đều không có căn cứ.
Giới phân tích nhận định, vụ việc trên không chỉ tác động đến uy tín của các cơ quan công quyền Liên minh châu Âu mà còn có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ tới mối quan hệ với Qatar, nước được cho là liên quan vụ việc này. Theo kế hoạch, trong tuần này, Nghị viện châu Âu dự kiến bỏ phiếu về đề xuất mở rộng quy chế miễn thị thực đến Liên minh châu Âu cho các quốc gia như Kuwait, Qatar, Oman và Ecuador, tuy nhiên, sau cuộc điều tra, kế hoạch này sẽ bị hoãn lại.
Bình luận