• Zalo

Kính viễn vọng James Webb hứa hẹn mở ra 'kỷ nguyên mới' cho ngành thiên văn học

Khám pháThứ Tư, 15/12/2021 16:24:09 +07:00Google News
(VTC News) -

Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA dự kiến ​​ra mắt vào tuần tới hứa hẹn có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành thiên văn học.

Mặc dù bị trì hoãn trong nhiều năm với chi phí nghiên cứu và sản xuất cao hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, song Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA dự kiến ​​ra mắt vào tuần tới hứa hẹn có thể mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành thiên văn học, do có thể thu thập thông tin về các giai đoạn đầu tiên của vũ trụ, sự hình thành của các vì sao và trả lời những thắc mắc liệu các hành tinh ngoài hệ mặt trời của chúng ta có tồn tại sự sống hay không.

Các nhiệm vụ đầu tiên của kính thiên văn thế hệ mới bao gồm tìm kiếm các thiên hà hoặc vật thể phát sáng đầu tiên được hình thành sau vụ nổ Big Bang và tìm hiểu cách các thiên hà phát triển từ khi chúng ra đời ban đầu cho đến ngày nay.

Tiến sĩ Knicole Colón - nhà thiên văn học tại Trung tâm chuyến bay vũ trụ Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland và Phó chuyên gia phát triển dự án kính viễn vọng không gian James Webb cho biết: “Những gì Webb làm được hứa hẹn sẽ vượt xa hơn những gì kính thiên văn hiện nay làm được và nó sẽ tìm hiểu sâu hơn về những thiên hà xa và lâu đời hơn, gần với sự khởi đầu của vũ trụ. Vì vậy, theo cách đó, chúng ta sẽ thấy sự khởi đầu của vũ trụ gần hơn bao giờ hết với Webb”.

Kính viễn vọng James Webb hứa hẹn mở ra 'kỷ nguyên mới' cho ngành thiên văn học - 1

Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA dự kiến ra mắt vào tuần tới

Kính viễn vọng James Webb của NASA được duyệt cất cánh trên tên lửa Ariane của Cơ quan Vũ trụ châu Âu phóng từ thị trấn Kourou tại Guiana, Pháp. Đài quan sát hồng ngoại quay quanh quỹ đạo được thiết kế nhạy hơn khoảng 100 lần so với người tiền nhiệm là Kính viễn vọng Không gian Hubble. Sau khi bay vào vũ trụ, kính sẽ mất khoảng 1 tháng để tới vị trí cuối cùng - nơi thiết bị quay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo cách Trái Đất 1,5 triệu km.

Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy bằng chứng nào khẳng định về sự sống ngoài hành tinh. Mặc dù vậy, rất nhiều nhà khoa học tin rằng sự sống có tồn tại trên một số hành tinh xa xôi cách chúng ta hàng triệu năm ánh sáng. Kính viễn vọng mới được kỳ vọng sẽ là công cụ phù hợp để kiểm chứng giả thiết này.

“Việc tìm thấy một hành tinh giống như Trái đất sẽ thật tuyệt vời. Ý tôi là, chúng ta chỉ biết chắc chắn về một hành tinh nơi có sự sống đó là Trái đất. Nhưng bạn biết đấy, một lần nữa, toàn bộ lý do chúng ta phóng kính thiên văn như Webb là chúng ta biết rằng hành tinh ở tất cả các kích thước vẫn đang tồn tại và chúng tôi muốn tìm kiếm những hành tinh có nhiệt độ và kích thước tương tự như Trái đất để xem liệu chúng liệu có thể tồn tại sự sống hay không” - Tiến sĩ Knicole Colón chia sẻ thêm.

Kính viễn vọng James Webb sẽ tìm kiếm các dấu hiệu tiềm năng về khả năng sinh sống bằng cách quét các ngoại hành tinh trong khí quyển để tìm các dấu hiệu hóa học riêng lẻ của chúng (đặc điểm sinh học). Theo NASA, chúng được định nghĩa là những biến đổi về thời gian và các loại khí trong khí quyển có thể bị ảnh hưởng bởi sự sống trên bề mặt.

Kính viễn vọng không gian có thể nhìn vào ánh sáng chiếu qua bầu khí quyển để chọn ra các vạch phát xạ hoặc hấp thụ các loại khí cụ thể liên quan đến sự sống. Chúng có thể bao gồm oxy, có thể được tạo ra bởi quá trình quang hợp, hoặc mêtan, có thể được tạo ra bởi hoạt động của vi khuẩn.

Kính thiên văn có 4 công cụ khoa học, được phát triển với chi phí lên tới gần 10 tỷ USD. NASA đã hy vọng sẽ phóng kính viễn vọng vào năm 2011, song đã liên tục bị trì hoãn.

Mỹ Linh(VOV1)
Bình luận
vtcnews.vn