Dự án Condotel từng làm mưa làm gió một thời tại Đà Nẵng - Cocobay Đà Nẵng khiến nhiều khách hàng không khỏi thất vọng khi bất ngờ gửi thông báo ngừng chi trả lợi nhuận từ năm 2020.
Cụ thể, theo hợp đồng ký với khách hàng, Cocobay Đà Nẵng cam kết sẽ trả lợi nhuận lên tới 12%/năm trong vòng 8 năm.
Thế nhưng, mới thực hiện việc chi trả được 3 năm thì chủ đầu tư là TCP Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (tập đoàn Empire) vội vã phát đi thông báo liên quan việc thực hiện cam kết lợi nhuận với sản phẩm phẩm condotel của dự án Cocobay Đà Nẵng.
Theo thư gửi khách hàng, tập đoàn Empire cho biết việc kinh doanh loại hình sản phẩm bất động sản condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Khung pháp lý chưa hoàn thiện dẫn đến nhiều bất cập, thủ tục pháp lý tại địa phương có nhiều vướng mắc. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án.
"Chủ đầu tư đành phải xin lỗi vì không thể thực hiện việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng", thư gửi khách hàng nêu.
Theo đó, từ ngày 1/1/2020, do những khó khăn về dòng tiền, Công ty Thành Đô chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết như trong hợp đồng mua bán condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng. Phía chủ đầu tư sẽ chỉ chịu trách nhiệm chi trả lợi nhuận đến hết ngày 31/12 năm nay cho các chủ sở hữu condotel.
Thông báo này khiến dư luận bức xúc. Tuy vậy, trên thực tế, Cocobay Đà Nẵng không phải là dự án condotel đầu tiên vỡ trận.
Trước đó, dự án khách sạn Bavico Nha Trang (số 2 Phan Bội Châu, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cũng từng khiến nhiều khách hàng bức xúc khi bị chủ đầu tư lật kèo.
Dự án này được chủ đầu tư cam kết lợi nhuận lên tới 15%,/năm nhưng thực tế, mức lợi nhuận này khách hàng chỉ nhận được trong vài tháng đầu, sau đó, chủ đầu tư xin giảm xuống 8%/năm.
Theo các chuyên giá bất động sản, mức cam kết lợi nhuận 8-15%/năm mà các chủ đầu tư đưa ra là con số khó thực hiện được.
Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation, phân tích: "Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đạt được mức lợi nhuận như vậy là vô cùng khó. Nhà đầu tư và khách hàng khi cảm nhận được những rủi ro của việc cam kết lợi nhuận cao sẽ bắt đầu từ chối các giao dịch", ông Michael Piro cho hay.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, condotel mọc lên quá nhiều trong thời gian ngắn nhưng không có thực chứng về hiệu quả sinh lời. Ngay cả những khu vực rất thuận lợi về phát triển du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cũng rất hiếm có condotel nào hoạt động thành công như cam kết. Quảng cáo của chủ đầu tư rất hấp dẫn nhưng tất cả đều dở dang.
Theo ông Hiển, thực tế, condotel chỉ thành công ở những nơi chủ đầu tư có năng lực quản lý, điều hành khách sạn mới có khách du lịch và tạo được lợi nhuận. Người mua lại chỉ dựa vào cam kết sinh lời của chủ đầu tư nhưng không đạt được điều mong đợi nên họ đua nhau bán. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định nào về tính pháp lý cho loại hình căn hộ này.
"Điều đó dẫn đến rủi ro cho những nhà đầu tư khi việc chi trả khoản cam kết hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng khai thác của đơn vị vận hành dự án condotel. Thực tế thời gian qua xảy ra nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư với khách hàng mua căn hộ condotel vì những cam kết như hợp đồng mua bán không được thực hiện”, ông Hiển phân tích.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, các cam kết lợi nhuận cho bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay khá ấn tượng, đạt 8-10% một năm, thậm chí cao hơn, kéo dài cả 3-5 năm hoặc chục năm. Song, không có cơ sở nào đảm bảo các cam kết này được thực thi. Ngoài ra sau thời gian cam kết không ai biết sản phẩm sẽ được vận hành ra sao.
Đại diện của Savills cũng chỉ ra những “mơ hồ” trong cam kết lợi nhuận từ 8 - 15%/năm của condotel. Thực tế đây là mức khá cao và khó có thể đạt được.
Vị này cho rằng, với condotel, 5% đã là một tỷ lệ sinh lợi từ vận hành cho thuê rất tốt bởi ở các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan và Bali (Indonesia) cũng không thể tới con số 10% như vậy.
"Condotel thường khó đạt tỷ suất sinh lợi cao bởi đặc tính của sản phẩm này đòi hỏi các dự án phải có các tiện ích và khả năng vận hành như một khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng thông thường mới cạnh tranh được trên thị trường", chuyên gia này giải thích.
Bình luận