2013 đánh dấu một năm không hoàn toàn thuận lợi cho kinh tế Việt Nam. Mặc dầu Chính phủ đã có nhiều cố gắng để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế-xã hội 2013 vẫn rất nhiều khó khăn.
Lạm phát rình rập tăng trở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa thật sự khởi sắc, tổng cầu và sức mua trong xã hội còn yếu…Kinh tế Việt Nam đã thoát đáy?
Lượng thành lập mới doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện trong những tháng cuối năm, nhưng lượng doanh nghiệp dừng hoạt động vẫn cao. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm so với trước.
Thị trường bất động sản 2013 tiếp tục đình trệ và khó khăn. Lượng hàng cung ra thị trường lớn, nhưng sức mua yếu.
Thị trường chứng khoán cuối 2012 từng được nhiều chuyên gia kỳ vọng là khởi sắc, nhưng đến cuối 2013 chưa thực sự có những dấu hiệu lạc quan.
Tọa đàm trực tuyến “Làm ăn gì năm 2014?”, nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện tại đang ở đáy và thời gian của vùng đáy này sẽ kéo dài trong 2 - 3 năm tới.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay so với giai đoạn khi vừa gia nhập WTO hoặc trước khủng hoảng, thì vẫn còn thấp hơn khá nhiều.
Theo nghĩa đó, kinh tế Việt Nam có thể quay trở lại mức tăng trưởng tiềm năng, đòi hỏi phải vài năm nữa, khoảng 3-4 năm.
Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 (5,3-5,4%) và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2 năm tới (khoảng 5,5% năm 2013 và 5,7-5,8% năm 2014, thấp hơn đôi chút mức tăng trưởng mục tiêu Quốc hội đề ra), thì thời điểm năm nay có thể coi là "đáy", tuy nhiên, ngay trong trường hợp này, sự phục hồi ở các lĩnh vực khác nhau cũng khác nhau.
TS. Quách Mạnh Hào, trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện nay đang ở "vùng đáy".
Nền kinh tế vận động theo chu kỳ và chu kỳ nay thường có mối liên hệ với các chính sách tiền tệ. "Trong điều kiện kinh tế Việt Nam tôi cho rằng chúng ta đang trải qua giai đoạn tạm gọi là "vùng đáy" sau khi đã "đổ đèo" trong 3 năm qua. Để "leo dốc" trở lại tức là tăng trưởng tôi nghĩ giai đoạn vùng đáy này kéo dài 2 đến 3 năm.
Nói như vậy tôi tin rằng nền kinh tế chỉ có thể tốt lên thực sự vào năm 2015- 2016. Điều kiện tiên quyết là chúng ta phải giải quyết được các vấn đề liên quan đến nợ xấu và hệ thống ngân hàng", ông Hào nhấn mạnh.
Còn theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) thì nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ cuối quý 3/2013 và khả năng phục hồi sẽ rõ ràng hơn trong 2014.
"Biểu hiện là chỉ số phát triển công nghiệp, xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa, chỉ số quản lý mua hàng PMI và đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu tăng mạnh từ đó cho đến nay", ông Nghĩa phân tích.
Châu Anh
Bình luận