• Zalo

Kinh tế Trung Quốc ‘mắc kẹt’, đáng lo ngại cho thế giới?

Tư liệuThứ Năm, 20/01/2022 14:25:07 +07:00Google News
(VTC News) -

Những diễn biến với nền kinh tế Trung Quốc – đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong vài năm qua, cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại với triển vọng kinh tế thế giới.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong những tháng cuối năm 2021 do các biện pháp của chính phủ nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản, và điều này cũng làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, việc phong tỏa và hạn chế đi lại để chống COVID-19 làm ảnh hưởng đến vấn đề chi tiêu của người dân. Các quy định nghiêm ngặt về mọi thứ, từ doanh nghiệp công nghệ đến các công ty dạy thêm sau giờ học, đã gây ra một làn sóng sa thải nhân viên.

Sản lượng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 4% trong quý cuối cùng của năm 2021, chậm so với quý trước. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết hôm 17/1/2022 rằng sản lượng kinh tế từ tháng 10 đến tháng 12/2021 của Trung Quốc chỉ cao hơn 4% so với cùng kỳ năm 2020. Đó cũng là sự giảm tốc so với mức tăng trưởng 4,9% trong quý 3, từ tháng 7 đến tháng 9.

Việc xây dựng và mua bán bất động sản giảm, khi người mua nhà và người tiêu dùng Trung Quốc trở nên thận trọng. Các doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa vì chi phí tăng cao và doanh thu kém. Chính quyền địa phương nợ nần chồng chất phải cắt giảm lương công chức.

Kinh tế Trung Quốc ‘mắc kẹt’, đáng lo ngại cho thế giới? - 1

(Ảnh minh họa)

Nhưng nhu cầu của thế giới đối với đồ điện tử tiêu dùng, đồ nội thất và các tiện nghi gia đình khác trong thời kỳ đại dịch đã tạo ra kim ngạch xuất khẩu kỷ lục cho Trung Quốc. Điều này khiến chỉ số tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn được duy trì.

Những diễn biến với nền kinh tế Trung Quốc – đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu trong vài năm qua, hiện cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại với triển vọng kinh tế thế giới. Chưa kể việc biến thể Omicron đã bắt đầu lây lan ở quốc gia tỉ dân này, dẫn đến nhiều hạn chế hơn trên khắp Trung Quốc và làm dấy lên nguy cơ chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn.

Việc kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng đặt ra một tình thế khó xử cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Các biện pháp mà họ đã áp dụng để giải quyết bất bình đẳng thu nhập và kiềm chế các công ty là một phần của kế hoạch dài hạn nhằm bảo vệ nền kinh tế và an ninh quốc gia. Nhưng họ cũng thận trọng về khả năng chúng gây ra bất ổn kinh tế ngắn hạn, đặc biệt là trong một năm có tầm quan trọng về chính trị, với các sự kiện lớn như Thế vận hội Mùa đông hay đại hội Đảng.

Li Daokui, một nhà kinh tế nổi tiếng và cố vấn chính phủ Trung Quốc, nhận định: “Nhìn tổng thể 5 năm, đây có thể là giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi chúng ta cải cách và mở cửa cách đây 40 năm”. Trung Quốc hiện phải đối mặt với một loạt vấn đề từ việc tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm và nợ vẫn ở mức gần kỷ lục, cũng như dân số già đi nhanh chóng.

Kinh tế Trung Quốc ‘mắc kẹt’, đáng lo ngại cho thế giới? - 2

Những diễn biến với nền kinh tế Trung Quốc cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại với triển vọng kinh tế thế giới. (Ảnh minh họa)

Khu vực tư nhân chật vật

Khi chi phí nguyên liệu thô tăng cao và đại dịch khiến nhiều người tiêu dùng phải ở nhà, hàng triệu doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, hầu hết là quy mô nhỏ và thuộc sở hữu gia đình, đã sụp đổ.

Đó là một mối lo ngại lớn vì các công ty tư nhân là trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm 3/4 sản lượng và 4/5 số việc làm ở thành thị.

Kang Shiqing, người đầu tư phần lớn số tiền tiết kiệm của mình cách đây gần ba năm để mở một cửa hàng quần áo ở Phúc Kiến, cho đại dịch khiến số lượng khách hàng sụt giảm nghiêm trọng và không bao giờ hồi phục.

Cũng như ở nhiều quốc gia, ở Trung Quốc có sự chuyển hướng mạnh mẽ sang mua sắm trực tuyến. Kang bị mắc kẹt khi trả tiền thuê cửa hàng cao bất chấp đại dịch xảy ra, và phải đóng cửa.

Một khó khăn dai dẳng khác đối với các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc là chi phí vay vốn cao, thường ở mức lãi suất hai con số từ các tổ chức cho vay tư nhân.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được những thách thức mà các công ty tư nhân phải đối mặt. Thủ tướng nước này, Lý Khắc Cường đã hứa sẽ cắt giảm thuế và phí để giúp đỡ nhiều doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn.

Xây dựng đình trệ

Việc xây dựng tạo ra những ngôi nhà mới đã đại diện cho một phần tư nền kinh tế Trung Quốc. Cho vay nặng lãi và đầu cơ tràn lan khiến nước này xây được số lượng nhà ở mới tương đương 140 feet vuông (13 mét vuông) cho mỗi người dân thành thị trong hai thập kỷ qua.

Nhưng mùa thu năm nay, lĩnh vực này đã chững lại. Chính phủ muốn hạn chế đầu cơ và làm xẹp bong bóng khiến các gia đình trẻ không thể mua được những ngôi nhà mới.

Kinh tế Trung Quốc ‘mắc kẹt’, đáng lo ngại cho thế giới? - 3

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc gặp khó khăn. (Ảnh minh họa)

China Evergrande Group chỉ là tập đoàn lớn và dễ thấy nhất trong danh sách dài các nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc gần đây gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng. Kaisa Group, China Aoyuan Property Group và Fantasia là những nhà phát triển khác phải vật lộn thanh toán khi các nhà đầu tư trái phiếu trở nên cảnh giác hơn với việc cho tiền vào lĩnh vực bất động sản.

Khi các công ty bất động sản cố gắng tiết kiệm tiền mặt, họ bắt đầu ít dự án xây dựng hơn. Và đó là một vấn đề lớn đối với nền kinh tế.

Sự sụt giảm giá nhà ở các thành phố nhỏ hơn đã làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản của người dân, do đó khiến họ ít sẵn sàng chi tiêu. Ngay cả ở Thượng Hải và Bắc Kinh, giá căn hộ cũng không còn tăng vọt.

Đã có những dấu hiệu mờ nhạt về sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực bất động sản trong những tuần gần đây, nhưng không có dấu hiệu cho thấy sự quay trở lại hoạt động cho vay “xa xỉ” của các ngân hàng do nhà nước kiểm soát.

Hu Jinghui, nhà kinh tế từng là chủ tịch của Liên minh các cơ quan bất động sản Trung Quốc, một tập đoàn thương mại quốc gia, cho biết tình trạng kiệt quệ tài chính của Evergrande “là một tín hiệu cho thấy tiền sẽ được đẩy từ bất động sản sang thị trường chứng khoán. Các chính sách có thể được nới lỏng, nhưng không thể quay trở lại quá khứ”.

Chính quyền địa phương khó khăn

Sự suy thoái của thị trường nhà ở cũng đã làm ảnh hưởng đến chính quyền địa phương, vốn dựa vào bán đất như một nguồn thu chính.

Nhưng trong những tháng gần đây, các chủ đầu tư đã hạn chế mua đất. Thiếu hụt nguồn thu, một số chính quyền địa phương ngừng tuyển dụng và cắt giảm tiền thưởng và phúc lợi cho công chức. Một số địa phương cũng đã tăng phí thu các khoản, như tiền phạt, với các doanh nghiệp để cố gắng bù đắp khoản thiếu hụt.

Ít ai cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng trong năm nay, trước thềm đại hội Đảng. Các nhà kinh tế kỳ vọng Bắc Kinh sẽ giảm bớt các hạn chế đối với việc cho vay và tăng cường chi tiêu.

Zhu Ning, Phó hiệu trưởng của Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải cho biết: “Nửa đầu năm sẽ đầy thử thách. Nhưng nửa sau sẽ chứng kiến ​​sự phục hồi”.

Phương Anh(Nguồn: New York Times, CNN)
Bình luận
vtcnews.vn