• Zalo

Kinh tế Trung Quốc có sụp đổ hoàn toàn như tỷ phú George Soros dự đoán?

Kinh tếThứ Sáu, 10/07/2015 12:08:00 +07:00Google News

Tỷ phú George Soros gây sốc khi tuyên bố nền kinh tế Trung Quốc có sụp đổ hoàn toàn nhưng nhiều chuyên gia không có quan điểm như vậy.

(VTC News) - Tỷ phú George Soros gây sốc khi tuyên bố nền kinh tế Trung Quốc sẽ sụp đổ hoàn toàn nhưng nhiều chuyên gia không có quan điểm như vậy.

Nhà đầu cơ tiền tệ nổi tiếng George Soros cho rằng kinh tế Trung Quốc đang chờ đợi một sự sụp đổ hoàn toàn. Nhận định này càng có cơ sở khi chứng khoán Trung Quốc bất ngờ sụt giảm 38% trong chưa đầy một tháng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại không có quan điểm như vậy.

Các chuyên gia Việt Nam còn cho rằng bong bóng chứng khoán Trung Quốc có tác động nhưng không nhiều tới kinh tế Việt Nam.

TS Nguyễn Minh Phong

Tôi chưa cập nhập nguyên cớ đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Trung Quốc thời gian này nhưng tôi không ngạc nhiên. Kết quả này được dự báo từ 2 năm trước. Đây là hậu quả của hàng loạt lý do.

nguyễn minh phong
TS Nguyễn Minh Phong  
Trung Quốc theo đuổi quá nhiều mục tiêu khác nhau như duy trì tăng trưởng mạnh, lạm phát thấp, chống tham nhũng, chạy đua vũ trang,... trong khi nguồn lực có hạn. Trung Quốc lại không có đồng minh và là một “kẻ cô đơn”.

Kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây hạn chế về tốc độ tăng trưởng do chịu sức ép của nợ công, nợ xấu, dư thừa cung dẫn đến mất lòng tin, mất thanh khoản. Vì vậy, hiện tượng bán tháo mới xảy ra trên thị trường chứng khoán.

Hiện tượng bán tháo diễn ra cực nhanh thì vốn hóa thị trường giảm cực mạnh, không chỉ mất hơn 3.000 tỷ đồng. Thị trường chứng khoán Hồng Kông năm 1998 có thời điểm mất tới 40% giá trị chỉ trong một đêm.

Giống như thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán có tính đầu cơ mạnh và tạo bong bóng. Theo nguyên lý, tất cả những khoản đầu cơ nóng sẽ vỡ. Bong bóng nào cũng sẽ vỡ.

Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ lún sâu trong khủng hoảng bao lâu. Điều đó phụ thuộc vào những giải pháp cứu trợ của Chính phủ và bản thân những nguyên cớ trực tiếp gây nên khủng hoảng này. Tôi cho rằng tình trạng này sẽ kéo dài hơn nhưng không đến 10 năm.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc gặp sóng gió sau mấy chục năm nên vẫn còn lực. Trung Quốc sẽ dùng dự trữ quốc gia để đối phó. Bên cạnh đó, Trung Quốc rất giỏi trong các biện pháp cực đoan để ngăn chặn các tình huống xấu.

Đà giảm của chứng khoán có thể được ngăn chặn chỉ trong vài tuần tới đây nhưng hậu quả có thể kéo dài. Trung Quốc có thể mất vài năm để khắc phục hậu quả. Còn xét về chu kỳ kinh tế, thì hiện nay, chu kỳ sẽ khoảng từ 3 đến 5 năm.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên nó lại tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam. Sự ảnh hưởng thể hiện qua tranh chấp hợp đồng mới và xuất nhập khẩu

Công ty chứng khoán Rồng Việt: Ảnh hưởng không nhiều

Chúng tôi có thử xem xét sự tác động của thị trường Trung Quốc trên phương diện tương quan chỉ số VN Index và SHCOMP (Shanghai Stock Exchange Composite Index) trong thời gian qua.

Trong giai đoạn trước năm 2013, chỉ số VN Index gần như chạy sát với xu hướng của SHCOMP. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, mức tương quan này không còn nữa.

Theo đánh giá của chúng tôi, hai chỉ số đang dịch chuyển theo tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của riêng từng quốc gia. Xét về mặt thị trường chứng khoán, ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam là không nhiều.

Tuy vậy về mặt kinh tế, Trung Quốc là quốc gia có ảnh hưởng mạnh đến khu vực và thế giới, từ đó,trực tiếp lẫn gián tiếp tác động đến kinh tế Việt Nam.

chứng khoán Trung Quốc
Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua chuỗi ngày tồi tệ 
IMF: Không có lý do mất niềm tin vào Trung Quốc

Hôm thứ năm vừa qua, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng không có lý do gì để mất niềm tin vào Trung Quốc khi bong bóng chứng khoán Trung Quốc vụn vỡ.

Olivier Blanchard, kinh tế trưởng IMF cho rằng đà giảm hơn 30% trên thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến chỉ là đợt điều chỉnh để hướng tới nền kinh tế lớn hơn và không có tác động làm suy giảm đà tăng trưởng.

Olivier Blanchard nhận định bong bóng chứng khoán Trung Quốc có thể ảnh hưởng nhưng “có thể rất nhỏ” tới nền kinh tế. Và IMF duy trì dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn là 6,8% trong năm nay.

Trong thông cáo báo chí, Olivier Blanchard viết thị trường chứng khoán Trung Quốc “tăng rất nhanh và lao dốc rất nhanh”. Dù vậy, ông khuyên Bắc Kinh không nên cố gắng chống đỡ cho thị trường. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định những nỗ lực ngăn chặn đà giảm cổ phiếu vừa qua “có thể rất tốt”.

PNC Financial: Chứng khoán Trung Quốc không phải kinh tế Trung Quốc

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang phục hồi nhưng chưa khẳng định được nó đã xuống đáy hay chưa. Vấn đề của thị trường Trung Quốc dù ít hay nhiều đều khá giống “cờ bạc” và bị dẫn dắt bởi những nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người có quyết định đầu tư phục thuộc vào những gì họ đọc được trong các báo cáo đầu tư. Và quan trọng, thói quen giao dịch của họ chẳng theo bất cứ nguyên tắc cơ bản nào.

Bill Adams, chuyên gia kinh tế cấp cao của PNC Financial ở Pittsburgh nhận xét: “Thị trường chứng khoán của đất nước này (Trung Quốc) đóng vai trò nhỏ hơn trong nền kinh tế so với ở Mỹ, và ít có mối liên hệ hơn với các phần còn lại của nền kinh tế”.

Vì thế, PNC Financial vẫn giữ nguyên dự báo ban đầu về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Theo đó, tăng trưởng vẫn đứng ở mức 6,8% trong năm nay.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn