TP.HCM phải luôn đối mặt về các vấn đề giao thông, trong đó việc cấp bách nhất là giải quyết vấn đề kẹt xe. Để giải quyết vấn đề đó thì xe buýt là phương tiện được xem là phương án giải quyết hiệu quả.
Năm 2010, nhà nước chi 800 tỷ đồng nhằm trợ giá cho các tuyến xe buýt; năm 2011 chi 1.269 tỷ đồng; năm 2012 chi 1.400 tỷ đồng và năm 2013, nhà nước đã chi 1.470 tỷ đồng nhằm trợ giá cho các tuyến xe buýt, điều này giảm được 7% nhu cầu đi lại bằng xe cá nhân của người dân vào năm 2013.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, việc bố trí trợ giá cho hoạt động xe buýt tại thành phố ngày càng giảm. Cụ thể, năm 2013 là 42,2%, năm 2014 là 41,7%, năm 2015 là 34,3%, năm 2016 là 38,6% và năm 2017 là 40,1%. Trong khi đó, tỷ lệ trợ giá cho xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2014 - 2016 bình quân khoảng 55%.
Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ xe buýt. Bởi, khi ký hợp đồng với mức trợ giá thấp so với thực tế hoạt động, đã xảy ra trường hợp xe buýt thường xuyên bỏ chuyến do không đảm bảo chi phí hoạt động như các tuyến: 10, 18, 40, 43, 44, 54, 65, 78…
Và gần đây nhất là tuyến xe buýt trợ giá số 51 bỏ chuyến hàng loạt vào ngày 10 - 11/7. Sau khi bỏ chuyến, các tài xế tập trung tại Trung tâm Quản lý giao thông công cộng để kêu cứu vì gặp khó khăn trong hoạt động. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ chung của ngành GTVT.
Theo tìm hiểu của PV VTC News, hiện đơn giá vé xe buýt sau gần 10 năm (từ 2008 đến nay) vẫn chưa thay đổi, năm 2014 Sở GTVT đã từng đề nghị thay đổi đơn giá tuy nhiên vẫn chưa được duyệt. Sau gần 10 năm, trong khi mọi chi phí từ xăng dầu, phí bảo trì xe... đều tăng thì đơn giá vé xe buýt vẫn giữ nguyên.
Ông N., chủ một xe buýt thuộc tuyến số 88 phàn nàn: "Nói thật, hiện doanh thu hoạt động của nhà xe thì không có, các khoản tiền phải đóng và những chi phí phát sinh quá nhiều trong khi tiền trợ giá lại liên tục bị cắt giảm. Doanh thu lè tè như thế nên bây giờ nhân viên điều hành dường như không lương, nhà xe thì phải chịu lỗ để duy trì hoạt động. Tình trạng này đã đã kéo dài suốt 2 năm nay rồi".
Theo ông N., năm 2012 - 2013, tiền trợ giá của tuyến số 88 là 150.000 đồng/chuyến, năm 2014 - 2015 thì giảm còn 120.000 đồng/chuyến, và đến hiện tại thì giảm chỉ còn 94.000 đồng/chuyến. Như vậy, mỗi tháng một xe chỉ nhận được 21 triệu đồng nhưng phải đóng thêm nhiều khoản khác như tiền thuế, tiền bảo hiểm cho tài xế, tiếp viên...
"Mỗi ngày một xe buýt như tôi chạy chỉ thu được khoảng 1 triệu đồng tiền vé, trong khi chi phí bỏ ra đã gần khoảng 1,4 triệu đồng rồi. Thế nên, nhiều lúc bản thân tôi phải lấy tiền nhà hoặc vay nợ để bù chi phí này. Đó là chưa kể đến việc bị chậm tiền trợ giá, chậm trả lương, nhiều người không chịu nổi đã phải bỏ chuyến", ông N. nói.
Như vậy, theo các chủ xe, tiền trợ giá thấp và chậm trễ dường như là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều xe buýt thường xuyên bỏ chuyến.
Trước tình trạng này, ngày 19/7, Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho Sở được cân đối dự toán chi ngân sách nhà nước 1.000 tỷ đồng lĩnh vực trợ giá xe buýt đã giao năm 2018 để thương thảo, ký hợp đồng và thanh toán kinh phí trợ giá cho các đơn vị vận tải, nhằm đảm bảo ổn định hoạt động xe buýt trên địa bàn.
Bởi, nếu trong năm 2018, nếu bố trí kinh phí trợ giá xe buýt là 1.000 tỷ đồng thì nguồn trợ giá này chỉ bằng năm 2017, trong khi hiện tại các đơn vị vận tải thực hiện việc đầu tư thay thế xe buýt mới và giá nhiên liệu đang hướng tăng, nên việc phê duyệt và thương thảo hợp đồng với các đơn vị vận tải rất khó khăn.
Ngoài việc kiến nghị việc được cân đối dự toán, Sở GTVT cũng xin UBND thành phố xem xét bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá xe buýt năm 2018 thêm khoảng 330 tỷ đồng. Kiến nghị này đã được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giao Sở Tài chính thẩm định, tham mưu giải quyết.
TP.HCM được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước và cũng là đầu cầu hội nhập quốc tế. Đây là nơi có nhịp sống, lao động, bận rộn vào bậc nhất - một thành phố gần như không ngủ… luôn hướng về phía trước, đầy khát vọng.
Và để làm tốt vai trò đầu tàu kinh tế, trong điều kiện mới, TP.HCM cần có hướng giải quyết cụ thể, tập trung xem xét, tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách cho các tuyến xe buýt. Đây chính là hệ thống dịch vụ góp phần giúp thành phố đông dân này giải quyết bài toán về tình trạng kẹt xe, hạn chế phương tiện giao thông, xây dựng hình ảnh một thành phố xanh - đẹp và thân thiện.
Bình luận