Huế từ lâu vốn được mệnh danh là xứ sở mộng mơ, là mảnh đất cố đô cổ kính, dịu dàng, đắm thắm và thời gian như vẫn luôn đi chậm lại nơi này.
Huế không chỉ có những di tích xưa cũ mà nơi đây còn được thiên nhiên ưu ái khi nằm giữa muôn vàn cảnh đẹp của biển, sông, núi, đèo…Kinh nghiệm du lịch Huế cho thấy, du khách đến tham quan nơi đây giống như một cuộc dạo chơi bình yên, chậm rãi và thưởng thức vẻ đẹp của mảnh đất kinh kỳ.
Cùng khám phá những địa điểm du lịch Huế nổi tiếng để hành trình trải nghiệm văn hoá, lịch sử ở mảnh đất cố đô của du khách có thêm nhiều kinh nghiệm hữu ích.
Đường vào Đại Nội
Nhắc đến quần thể di tích cố đô Huế, bạn không thể bỏ qua Đại Nội, một dấu ấn văn hóa lịch sử độc đáo.
Đại Nội Huế chính là nơi sinh hoạt và diễn ra các hoạt động của vua chúa Nguyễn cùng triều đình phong kiến cuối cùng của nước ta.
Đại Nội Huế có hai khu vực chính là Hoàng thành và Tử Cấm thành, mỗi khu vực lại bao gồm nhiều công trình khác nhau. Khu Hoàng thành gồm cổng Ngọ Môn, Điện Thái Hòa. Tử Cấm thành là khu vực dành riêng cho vua và hoàng tộc, gồm Đại Cung Môn, Tả Vu và Hữu Vu, Điện Cần Chánh, Thái Bình Lâu, Cung Diên Thọ...
Đại Nội Huế có thể xem là một công trình có quy mô đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam từ trước đến nay. Đại Nội Huế có quá trình xây dựng kéo dài trong nhiều năm với hàng vạn người thi công cùng hàng loạt công việc như lấp sông, đào hào, đắp thành, bên cạnh đó là khối lượng đất đá khổng lồ lên đến hàng triệu mét khối.
Chứng kiến bao thăng trầm của các triều đại phong kiến Việt Nam, Đại Nội Huế đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993.
Lăng Tự Đức
Huế nổi tiếng với các công trình lăng tẩm vua chúa và điện miếu thờ quan thần nhà Nguyễn, mà tiêu biểu nhất trong số đó là lăng Tự Đức – Khiêm Lăng, nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp ở thôn Thượng 3, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lăng Tự Đức là một di tích lịch sử trong quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11/12/1993.
Đây là nơi chôn cất vị hoàng đế thứ tư của triều đại nhà Nguyễn tức vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm), ông trị vì được 36 năm từ 1847-1883, là vị vua ở ngôi lâu nhất của nhà Nguyễn.
Được đánh giá là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn, lăng Tự Đức là nơi an nghỉ của vua Tự Đức mang vẻ nhã nhặn, nằm trong khung cảnh sơn thủy hữu tình.
Tổng thể công trình lăng Tự Đức mang màu sắc lãng mạn nhưng u tịch, được xây theo nguyện vọng của ông trước khi mất, phảng phất tính cách trầm buồn bởi cuộc đời ông nhiều bất hạnh.
Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ, còn được gọi là chùa Linh Mụ, được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Chùa nằm bên bờ Bắc sông Hương thuộc địa phận xã Hương Long, cách trung tâm thành phố Huế 5km. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả Đại Hồng Chung (cao 2,5m, đường kính 1,4m, nặng 2.052kg). Năm 1715, chúa lại cho xây dựng thêm một tấm bia đá thanh cao 2,6m, rộng 1,25m đặt trên lưng một con rùa làm bằng đá cẩm thạch dài 2,2m, rộng 1,6m.
Chùa Thiên Mụ không phải là công trình kiến trúc hoành tráng nhưng có sức hút vô cùng đặc biệt và trở thành biểu tượng của thành phố Huế từ bao đời nay.
Nghe ca Huế trên dòng Hương
Mỗi thành phố đều có một dòng sông gắn liền như linh hồn của nơi đó. Sông Hương cũng vậy. Đây là dòng sông đã đi vào lịch sử, thi ca, đi vào lòng mỗi người dân Huế. Với chiều dài khoảng 80km, Hương giang chảy qua rất nhiều địa điểm nổi tiếng của trung tâm thành phố Huế, bao lấy quần thể di tích cố đô, làm tăng thêm vẻ đẹp uy nghiêm, cổ kính của các công trình ấy.
Điều đặc biệt, khi du lịch Huế, du khách nên thưởng thức ca Huế trên dòng Hương với những nhạc cụ dân tộc như bộ ngũ tuyệt tranh, tỳ nhị, nguyệt, tam, bầu, sáo, bộ gõ trống, sanh loan, sanh tiền…
Cầu Trường Tiền
Cầu Trường Tiền là cây cầu soi bóng xuống sông Hương. Theo sử sách, cầu Trường Tiền đã trải qua không ít lần đổi tên, bị tàn phá bởi chiến tranh, xây dựng, rồi trùng tu và vẫn tồn tại như biểu tượng của thời gian.
Từ Festival Huế năm 2002, cầu Trường Tiền được lắp đặt hệ thống đèn đổi màu hiện đại, làm khúc sông thêm rực sáng và thu hút du lịch hơn.
Núi Ngự Bình
Nếu đã nhắc đến sông Hương, cầu Trường Tiền, thì không thể bỏ qua núi Ngự. Nằm uy nghi bên bờ phải sông Hương, Ngự Bình có ý nghĩa lớn về mặt phong thủy cho kinh thành Huế từ xưa.
Thời gian thích hợp nhất tham quan núi Ngự Bình là từ tháng 5 đến tháng 9. Thời tiết lúc này vô cùng mát mẻ, dễ chịu, ít mưa, nên bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được vẻ lãng mạn của phong cảnh nơi đây.
Chợ Đông Ba
Nếu đã đến Huế rồi thì hãy dành thời gian rảo một vòng chợ Đông Ba, đường Trần Hưng Đạo, phường Phú Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế để tham quan, mua sắm. Đây là ngôi chợ lớn nhất thành phố Huế, với lịch sử hình thành và phát triển hơn 120 năm.
Chợ Đông Ba có đầy đủ các mặt hàng cần thiết cho bạn “quẹo lựa” nhưng bạn nên tập trung tìm mua đặc sản Huế về làm quà, và chuẩn bị một cái bụng đói để thưởng thức những món ngon bình dân ở đây.
Trường Quốc Học
Trường Quốc Học Huế còn được biết đến với tên chính thức là Trường Trung học Phổ thông chuyên Quốc học, là một trong những ngôi trường trung học phổ thông lâu đời và danh giá nhất Việt Nam, là nơi những chính trị gia, nghệ sĩ, giáo sư, bác sĩ nổi tiếng của Việt Nam từng theo học.
Với du khách, trường Quốc học Huế lại là địa điểm check-in độc đáo với kiến trúc Pháp nổi bật trong lớp sơn đỏ hồng, xung quanh là ghế đá và rất nhiều cây xanh. Vào mùa mưa âm u, khung cảnh nơi đây không khác gì mùa đông ở châu Âu.
Thời điểm lý tưởng để du lịch Huế
Thuộc vùng chuyển tiếp giữa hai miền Nam – Bắc nên thời tiết ở Huế là sự kết hợp giữa cả hai miền, giảm bớt phần khắc nghiệt và cũng khá ôn hòa. Mùa mưa bão ở Huế bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 11, là thời gian cao điểm của các cơn bão, lụt nên cần theo dõi thời tiết trước khi thực hiện chuyến đi. Tuy Huế không có mùa đông rõ rệt như các tỉnh miền Bắc nhưng nhiệt độ cũng không cao, có thể sẽ thấp hơn 10 độ.
Theo nhiều kinh nghiệm du lịch Huế thì thời gian đẹp nhất cho chuyến tham quan là vào thời điểm giao mùa: giữa hai mùa xuân – hạ và thu – đông.
Tháng 4 – tháng 5: Đây là thời điểm khí hậu ôn hòa, dễ chịu, phù hợp cho mọi hoạt động vui chơi. Đó là chưa kể cứ mỗi 2 năm/ lần, Festival Huế lại được tổ chức vào cuối tháng 4, nhằm tôn vinh các di sản văn hóa và thúc đẩy du lịch. Nếu du lịch Huế đúng thời gian này, chuyến đi của bạn đảm bảo sẽ trọn vẹn đến 200% nhé.
Mùa hoa xứ Huế: Huế sở hữu không ít loài hoa quyến rũ khoe sắc quanh năm. Tháng 3, tháng 4 là mùa hoa ngô đồng; mùa hè là lúc phượng đỏ nở rực một góc trời cạnh cầu Tràng Tiền; xuyên suốt tháng 5 – tháng 8 là những đóa sen trong Hoàng thành nở rộ…Tất cả đều góp phần vào vẻ đẹp mộng mơ của mảnh đất cố đô.
Bình luận