Sau khi “buôn” đủ chuyện trên trời dưới biển với Thượng tá Nguyễn Công Danh, Trưởng Công an huyện đảo Lý Sơn, tôi chuyển đề tài sang truyền thuyết cá voi cứu người. Thượng tá Danh bảo, chuyện cá voi cứu người chẳng phải truyền thuyết, mà là sự thật, diễn ra thường xuyên ở hòn đảo mà gần 99% cuộc sống của người dân gắn với biển. Thượng tá Danh khuyên tôi nên đến các lăng thờ cá voi ở Lý Sơn để nghe các cụ kể chuyện loài cá mà họ tôn kính gọi là Ông, rất thú vị.
Tôi khoe rằng, vừa mới tận mắt bộ xương cá voi được cho là lớn nhất Việt Nam, không chừng lớn nhất Đông Nam Á ở dinh Vạn Thủy Tú, trong TP. Phan Thiết (Bình Thuận), Thượng tá Danh cười vui bảo: “So với bộ xương cá voi ở Lý Sơn, thì bộ xương cá voi ở Bình Thuận còn thuộc hạng em bé”. Tôi đã từng choáng ngợp và ngỡ ngàng trước bộ xương cá voi khổng lồ, dài tới 22m ở Bình Thuận, nên chưa tin lời Thượng tá Danh lắm. Thượng tá Danh khuyên tôi đi xem, rồi anh liên hệ giúp tôi.
Lý do phải nhờ đến Thượng tá Nguyễn Công Danh, Trưởng Công an huyện liên hệ mới được chiêm ngưỡng xương cốt cá voi là vì theo phong tục của người Lý Sơn, mỗi năm, chỉ có 2 ngày gồm 19 và 20 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), mới được mở hậu cung, tức phòng chứa cốt cá Ông phía sau gian thờ, để lau chùi bụi bặm bám trên cốt. Những ngày thường, mọi người chỉ được ở gian thờ bên ngoài hương khói, tuyệt đối không được mở hậu cung.
Lòng vòng qua những ruộng tỏi, những đụn cát trắng tinh, tôi tìm thấy Lăng Tân (xã An Vĩnh). Lăng Tân khá nhỏ, nằm tơ hơ ngay mép biển. Đứng bên lăng, nghe sóng biển vỗ bờ ì oạp. Có đầy đủ các cụ trong thành phần trông coi, hương khói cho lăng ngồi đợi, gồm cụ Nguyễn Phúc Hưởng – chủ tăng, cụ Ngô Xương – chủ cựu, cụ Nguyễn Phắng – chủ cựu và cụ Nguyễn Hải – thủ từ, người trông nom Lăng Tân hàng ngày.
Cụ Nguyễn Hải cám ơn nhà báo đã quan tâm, tìm hiểu về Ông, tuy nhiên, theo tục lệ, phải xin phép Ông trước. Nếu Ông đồng ý, thì mới được phép vào, còn Ông không đồng ý, thì chỉ có chờ đến ngày 19 và 20 tháng Chạp.
Nói rồi, cụ Nguyễn Hải chuẩn bị lễ vật, gồm trái cây, rượu, trầu cau đặt lên ban thờ. Tôi chắp tay thành kính khấn vái, kính cẩn mong Ông cho được diện kiến xương cốt. Ông Hải nêu tên tuổi của tôi để trình diện ngài, rồi lấy hai đồng xu thả vào cái đĩa nhỏ. Rất may là đồng sấp đồng ngửa, âm dương hòa hợp, có nghĩa là Ông đã “đồng ý”.
Ông Hải thắp đèn, rồi mở hậu cung dẫn tôi vào. Bộ xương cá voi được phủ kín bởi những tấm vải đỏ. Cụ Hải vừa trò chuyện với Ông, vừa nhẹ nhàng dọn những tấm vải phủ kín. Tôi thực sự choáng ngợp trước những khúc xương khổng lồ. Quả thực, nhìn những khúc xương này, tôi không nghĩ nó là xương cá, mà nghĩ nó là xương của loài khủng long vĩ đại từ xa xưa, hoặc của một loài quái vật ngoài hành tinh, chỉ có trong những câu truyện truyền thuyết giàu trí tưởng tượng.
Bộ xương được xếp gọn gàng, ngay ngắn trong một căn phòng hình chữ U. Xương đầu, xương hàm được xếp vào một gian. Giữa phòng xếp những chiếc xương sườn cong đều, dài miên man. Một góc xếp cả đống những đốt xương sống, xương sụn, xương vây, xương đuôi và những miếng xương nhỏ khác. Chỉ là bộ xương của một con cá mà chất đầy một gian phòng rộng chừng 30 mét vuông.
Ông Hải lấy thước dây đo một số mẩu xương điển hình. Vừa đo, ông Hải vừa đọc số liệu để tôi ghi chép: Xương ngà (xương quai hàm) dài 4,7m, xương sườn dài 3,7m, đường kính đốt sống 0,41m, chiều ngang xương đầu 2,9m, chiều ngang xương rẻ quạt 1,6m…
Trời ạ! Tôi tưởng tượng, với cái xương hàm dài gần 5m, dài hơn chiếc ô tô con hạng sang, nếu con cá voi này “chép miệng” một cái, hẳn nó xơi tái một chiếc… xe tải! Nếu nó há miệng căng hết quai hàm, một con tàu cỡ vừa gắn động cơ hơn trăm CV có khả năng chạy đến Hoàng Sa, Trường Sa cũng chui tuột vào bụng!
Tôi đã tận mắt bộ xương cá voi khổng lồ ở Bình Thuận, được sách kỷ lục Việt Nam công nhận lớn nhất nước, tuy nhiên, những số đo của bộ xương cá voi ở Bình Thuận vẫn còn kém xa con cá voi này. Theo đó, xương quai hàm của cá voi ở dinh Vạn Thủy Tú trong Bình Thuận chỉ dài 4,2m và xương sườn chỉ dài chưa đầy 3m.
Theo cụ Hồ Văn Tôn – Trưởng ban Quản lý di tích Vạn Thủy Tú, qua khảo sát, những người làm sách kỷ lục đã khẳng định, bộ xương cá voi ở Bình Thuận không những lớn nhất Việt Nam, mà còn lớn nhất Đông Nam Á. Bộ xương cá voi mà người Thái Lan vẫn tự hào lớn nhất Đông Nam Á, thực tế, chỉ dài có 15m, bộ xương ở Viện Hải Dương học (Nha Trang) cũng chỉ dài 15m, còn bộ xương ở Vạn Thủy Tú dài đúng 22m.
Tuy nhiên, theo các cụ trông nom, quản lý Lăng Tân, dựa vào số đo đốt xương sống và số đo các xương hàm, xương đầu, xương sườn, xương đuôi, thì Ông cá này phải dài cỡ 40m, tức là gần gấp đôi Ông cá ở Bình Thuận. Số liệu về chiều dài con cá này, cũng được ông Mai Giang - Trưởng phòng VH&TT huyện Lý Sơn phỏng đoán trong một đề án tham mưu cho huyện thực hiện dự án khôi phục và trưng bày bộ xương cá voi khổng lồ ở Lăng Tân. Theo đề án, để phục dựng được bộ xương, phải làm một hệ thống giá đỡ dài 40m.
Tôi trộm nghĩ, nếu con cá này dài bằng chục cái ôtô như thế, thì nó là quái vật khổng lồ của biển Đông, chứ không còn đơn thuần chỉ là con cá nữa. Theo tính toán của các ngư dân, với chiều dài như vậy, lúc còn sống, Ông cá này phải nặng trên 100 tấn.
Theo truyền thuyết, cách đây hơn 200 năm, Ông cá này đã cứu mạng rất nhiều ngư dân trên đảo. Xưa kia, người dân Lý Sơn vẫn cưỡi sóng ra tận Hoàng Sa đánh cá. Tàu thuyền khi đó không có động cơ, mà chỉ là thuyền buồm nên gặp bão tố giữa biển, coi như phó mạng cho biển khơi. Mỗi khi gặp nạn, ngư dân lại chắp tay khấn vái, gọi Ông đến cứu giúp. Như một sự thần kỳ, mỗi lần kêu Ông, chỉ trong tích tắc, Ông nổi lên từ biển cả dìu những kẻ gặp nạn vào bờ.
Theo lời kể của những người già, năm 1800, sau khi dìu một con tàu gặp bão vào đến bờ, Ông bị mắc kẹt rồi lụy. Người dân tin rằng, khi Ông vào bờ lụy, có nghĩa là Ông đi tu để tiếp tục bảo hộ cho ngư dân. Ngư dân Lý Sơn khi đó khóc thương Ông nhiều lắm. Họ làm đám tang, chôn cất Ông theo đúng lễ nghi, dựng miếu thờ, bốc cốt Ông vào đó rồi tôn kính gọi là Đồng Đình Đại Vương, thể hiện quyền uy bậc nhất trên biển Đông.
Cụ Nguyễn Hải vừa kéo tấm vải đỏ đắp cốt Ông vừa rưng rưng nói: “Ở Lý Sơn có nhiều lăng thờ cá Ông, nhưng Ông Nam Hải ở Lăng Tân là thiêng nhất. Ông bảo hộ cho ngư dân trong mỗi chuyến ra khơi được sóng yên bể lặng, bảo hộ cho mỗi con tàu cập bến được đầy cá tôm. Mỗi ngư dân khi ra biển, đều thắp hương khấn vái trong đền, hoặc thành kính cắm nhang trên mũi thuyền hướng về nơi thờ Ông sẽ được bình yên. Hàng trăm sự cố bất trắc đã được ông cứu giúp tai qua nạn khỏi”.
Mỗi khi có Ông Nam Hải lụy, tất cả ngư dân trên đảo Lý Sơn, tổng cộng 20.000 người, đều phải tham dự và tổ chức lễ tang như một đại lễ. Hiện ở Lý Sơn có cả trăm bộ xương cá voi với hơn chục lăng thờ, gồm Lăng Ông Nam Hải, Lăng Tân, Lăng Ông, Lăng Chánh, lăng Thứ, chùa Âm Hồn, Lăng Cồn… Người dân Lý Sơn tin rằng, Lý Sơn là đất lành, nên các Ông thường tìm vào để lụy và nhờ đó mà người Lý Sơn được hưởng phúc. Niềm tin vào cá Ông chính là linh hồn cho mỗi chuyến ra khơi, không những để kiếm sống, mà còn để khẳng định chủ quyền biển cả.
Bình luận