Chúng tôi được cậu thanh niên Giàng Mí Pâng dẫn vào cánh rừng nghiến khổng lồ trên dãy Răng Cưa ở bản Hoàng Lỳ Pả (Minh Tân, Vị Xuyên, Hà Giang) để đi tìm cây nghiến khổng lồ.
Tôi chợt nhớ lại lời của ông Linh Hồng Tinh, Trưởng ban quản lý rừng đặc dụng Phong Quang: “Dãy núi Răng Cưa chạy dài từ mãi đất Trung Quốc về gần đến thành phố Hà Giang. Động vật thì chỉ có khỉ vàng, sơn dương. Voọc mũi hếch thi thoảng chạy từ Du Già, Du Tiến sang.
Trước nghiến mọc sát xuống chân núi, đến tận phường Quang Trung, mọc ngay quốc lộ, nhưng giờ bị chặt nhiều quá, nên chỉ còn trên núi cao.
Rừng đặc dụng được thành lập từ năm 1998, nhưng cũng chưa có nghiên cứu gì cả. Lúc thành lập rừng rộng tới 18.400ha. Đến năm 2007 chỉ còn 8.300ha.
Thực vật thì chỉ còn nghiến núi đá. Nghiến to lắm. Tôi chưa có điều kiện vào rừng nhiều, nhưng anh em kiểm lâm bảo nghiến trên núi có đường kính tới 3m”.
Những cây nghiến có đường kính tới 3m |
Chúng tôi lần theo con đường mòn đi bộ của người Mông vào rừng. Cây cỏ bạt đi, lốt đá cũng phải nhẵn thín bởi ngày ngày vẫn có nhiều trâu kéo những súc nghiến từ rừng ra.
Tôi dựng tóc gáy khi một con trăn thân thể mốc meo, chỗ vàng, chỗ đen, chỗ đỏ, to bằng cây luồng trườn qua đường. Tôi định co giò chạy, thì Pâng xông đến đuổi theo nó. Nhưng con trăn đã mất tích trong núi đá. Pâng bảo đó là trăn gấm. Núi Răng Cưa vô số trăn gấm, trăn đá, nuốt chửng cả con dê. Đồng bào nuôi dê toàn nhốt trong nhà, bởi hễ thả vào rừng là bị trăn xơi sạch.
Đang nói chuyện về trăn, thì Pâng bảo đến chỗ “cụ nghiến” rồi. Tôi nhìn quanh chỉ thấy những cây nghiến cỡ vài người ôm. Pâng vạch rừng, nhảy chồm chồm trên những tảng đá. Đá tai mèo sắc nhọn cứa rách cả giày vải, cắt rách ngón tay. Pâng dặn chúng tôi phải bám tay vào dây leo, và giẫm đế giày lên đá, để tránh bị đá cứa. Những bước chân cũng phải đúng chỗ, kẻo đặt nhầm vào… mìn.
Cây nghiến khổng lồ |
Định thần lại, thì đó không phải khối đá, không phải tường thành, mà là một gốc cây! Giời ạ! Đời làm báo mười mấy năm, từng đến gần hết những cánh rừng hoang thẳm, từng ôm cây samu vĩ đại ở Thường Xuân (Thanh Hóa), quỳ gối dưới những đại thụ vân sam trên đỉnh Hoàng Liên, từng vái “cụ nghiến” dáng khủng long ở VQG Ba Bể, đo thân vô số cây được phong di sản, tuổi cả ngàn, nhưng dù trong tưởng tượng tôi cũng không thể tin nổi ở đất nước Việt Nam nhỏ bé, rừng chẳng nhiều, núi chẳng cao này, lại có thân cây khổng lồ, kỳ quái, vĩ đại đến như thế này.
Cái gốc nó to đến nỗi tôi đồ rằng nếu bịt mắt bất cứ ai, đặt vào gốc cây đó, rồi bảo họ mở mắt ra, họ không thể nhận ra đó là gốc cây, mà nghĩ ngay đó là một khối núi đá.
Tác giả trèo lên thân cây nghiến |
Tôi đứng cạnh những chiếc rễ cách gốc cây cả chục mét, mà vẫn không nhìn thấy anh bạn đồng nghiệp đứng bên kia rễ cây. Từ những chiếc rễ này, mọc ra hàng chục, hàng trăm rễ nhỏ, luồn vào các khe kẽ đá trên đường nó trườn, như thể con rết tua tủa chân.
Hệ thống rễ khổng lồ vừa giúp cây bậu chặt vào núi đá, vừa lần tìm dinh dưỡng trong khe sâu, kẽ nứt, để nuôi sống thân cây và tán lá khổng lồ, trùm kín cả vạt núi, khiến không gian dưới tán cây ban ngày cũng như buổi đêm. Đứng dưới tán cây nghiến khổng lồ này, tôi liên tưởng đến hình ảnh Cây linh hồn khổng lồ trong bộ phim bom tấn Avatar của đạo diễn J.Cameron.
Phải cực kỳ khó khăn, bám vào rễ cây, đu trên những dây leo, tôi mới trèo lên được một cái rễ, rồi lần từng bước lên hốc cây. Trèo sang phía bên kia gốc cây, nhìn xuống phía dưới, thấy một cái hố sâu hoắm, dễ đến vài chục mét. Chỉ cần sơ sểnh, trượt chân, rơi xuống cái hố đó thì mất mạng như chơi.
Hốc cây rộng như một cái hang nông, đủ che mưa nắng |
Nhìn cảnh tôi đu xuống cái hố sâu hoắm đó, Pâng luôn miệng can ngăn. Theo Pâng, trong hốc những cây cổ thụ khí hậu thường ấm cúng, là nơi trăn, rắn độc cư ngụ. Dãy núi này là lãnh địa của rắn chúa và trăn đất, nên có thể mất mạng như chơi.
Tuy nhiên, lời đe đọa của Pâng không cản được máu liều của tôi. Bám chắc vào dây leo, tụt xuống một đoạn, thì thấy một miệng hang lộ ra. Cửa hang có đường kính độ 1m. Tôi chui vào trong. Càng vào sâu, hang càng rộng, rồi chia ra nhiều ngóc ngách.
Như vậy, cây nghiến khổng lồ này đã mọc trùm lên một cái động lộ thiên, giấu cửa động dưới gốc của mình. Lò dò một hồi, nhưng đường đi tối om, không khí rất nóng, nên tôi đành quay ra.
Vì không chuẩn bị thước dây, nên hôm sau chúng tôi quay trở lại cánh rừng này với cuộn thước dây 20m mua được ở thành phố Hà Giang.
Phải mất nửa tiếng đồng hồ lần mò từng bước, đánh đu với tính mạng, chúng tôi mới căng được thước dây hết một vòng thân cây. Khi sợi thước dây 20m bị rút ra hết, thì cũng là lúc hết một vòng thân cây. Như vậy, gốc cây nghiến này có chu vi tới 20m.
Gốc cây nghiến có chu vi 20m |
Thế nhưng, theo cụ Giàng Mí Vâng, thì “siêu cụ nghiến” này chỉ ở thuộc hạng chút chít của “tổ nghiến” trên đỉnh Răng Cưa. Theo lời cụ Vâng, “tổ nghiến” trên đỉnh Răng Cưa to gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần cây nghiến mà chúng tôi cho là vĩ đại này.
Quả thực, đại ngàn nghiến Phong Quang đầy những sự kỳ diệu chưa được khám phá. Việc bảo tồn những "cụ nghiến" này quả là đều đáng quan tâm.
Còn tiếp…
Phạm Ngọc Dương
Bình luận