Kỳ 3: “Quái thú” lợn lòi
Bốn bề xung quanh ngôi nhà đang dựng của trưởng bản Ngân Văn Cảnh (bản Co Cài, Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) là bạt ngàn đồi núi. Ngăn cách giữa dãy núi Pù Dào hùng vĩ với hai dải đồi rộng Pom Lúm, Pom Bước là dòng suối Lý đổ vào sông Mã.
Ông Cảnh nhìn về phía đồi Pom Lúm cách lán một con đường đất đỏ: “Tôi dựng nhà sàn ở đây, dự tính khi con đường từ Pá Quăn vào bản Co Cài san ủi xong có thể mở tiệm tạp hóa. Mặt khác, cũng tiện trông coi vườn đồi. Nương sắn nhà tôi ngay ngọn đồi trước mặt, đêm qua có đàn lợn lòi về phá tung. Dạo này lợn lòi trên núi về bản nhiều quá”.
Một phụ nữ trong bản Co Cài ra giúp việc dựng nhà là bà Lò Thị Thịnh, cũng vui miệng góp chuyện: “Nương sắn nhà tôi ở quả đồi bên cũng bị nó cày ủi. Chẳng cứ lợn lòi, cả đàn hoẵng, sơn dương lao vào giày xéo tan nương sắn non. Hại chút hoa màu, nhưng có muông thú về bản thì mới vui, mới là miền núi.
Tiếc rằng mới chỉ thấy các giống lợn lòi, sơn dương, hoẵng với cầy cáo thôi. Hình như khỉ, nai, gấu vắng bóng hẳn rồi, chẳng còn thấy nữa”.
Bà Lò Thị Thịnh rất vui mừng vì gần đây có nhiều muông thú về bản |
Phần lớn người dân Co Cài đều như bà Thịnh đều không lạ gì mùi vị của từng loại thú rừng, nhưng chưa từng được nếm thử mùi thịt hổ. Duy có ông Ngân Văn Cảnh ít nhiều được nhấm nháp chút vị chua chua của thịt gấu.
Vị tanh của thịt hổ ông cũng mới biết từ đợt tự mình hạ thủ được hai con hổ nhỏ như “lợn nít” (theo cách nói của ông Ngân Văn Chưởng). Mấy con hổ to hàng tạ mà bố ông bẫy được, ông Cảnh không được ăn.
“Vì hổ chết trong bẫy cả chục ngày rồi, thịt nó đã ôi thiu, bắt đầu thối rữa thì sao còn ăn được nữa. Người đặt bẫy hổ có phải ngày nào cũng đi thăm đâu. Bao giờ thấy vắng tiếng hổ gầm, hoặc người thợ săn khác đi qua nhìn thấy thì mới về báo cho chủ bẫy đến gỡ về, lấy xương nấu cao thôi” - ông Cảnh cho biết.
Một góc vạt đồi Pom Bước, nơi lợn lòi thường về phá sắn |
Còn có anh chuyên vào rừng đặt bẫy, thường xuyên để thú chết thối trong bẫy mới đến gỡ, không ăn được phải bỏ đi. Như thế là giết thú chứ có phải vì kiếm miếng ăn đâu.
Bây giờ đồ ăn thức uống nào có khan hiếm gì, mùa giáp hạt có ai phải lên rừng đào củ mài, củ chuối ăn vã nữa đâu. Không chỉ vì săn thú rừng đã bị cấm, mà quả thực, ăn thịt thú rừng cũng rưng rưng nước mắt bà con ơi”.
Đám thợ nhà ông Cảnh lại xôn xao về những câu chuyện vào rừng kiếm ăn đầy máu và nước mắt gần đây của cư dân Co Cài trên các đỉnh Pom Bước, Pù Dào... nơi thường xuyên có muông thú tập trung nhiều nhất.
Ông Ngân Văn Chưởng đang giới thiệu về đỉnh núi Pha Xiêng có nhiều muông thú nhất của Co Cài |
Thì ra, đó là ám ảnh khủng khiếp từ một lần vác súng đi săn trên núi Pha Xiêng, đỉnh cao chót vót của dãy núi Pù Dào.
Đêm đó, ông Hương kỳ công nằm phục một con lợn lòi nặng khoảng 80kg trong tiết trời giá rét. Mãi rồi cũng thấy tấm thân mốc thếch của con thú đi vào tầm bắn, ông Hương nghiến răng bóp cò.
“Đoàng” một tiếng, con thú ngã vật xuống. Chưa kịp vui mừng, ông Hương bỗng thấy nó vùng dậy, nhằm thẳng gốc cây ông đang trú ẩn phóng tới với một tốc độ kinh hoàng. Cả tấm thân đồ sộ của nó, cùng cặp răng nanh lợi hại đâm sầm vào, hất tung ông Hương lên không, văng xuống sườn dốc.
Nếu không có những người thợ săn khác nghe tiếng súng tìm đến, phát hiện ông Hương nằm bất tỉnh giữa rừng mà đem về bản, có lẽ ông Hương đã chết từ hôm đó. Phục thuốc cả tháng trời, nhưng vết thương chí mạng đó vẫn hành hạ ông Hương đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Đường vào bản Co Cài |
Đang lúi húi vạch cây rẽ lối, anh bỗng phát hiện một bóng đen to lớn chuyển động ở phía trước. Nhác thấy anh Thịnh, nó liền xăm xăm nhằm thẳng hướng anh nấp tiến tới. “Đoàng” một phát, không trúng. “Đoàng” thêm phát nữa, vẫn không trúng.
Sinh vật ấy dường như không hề sợ hãi âm thanh khủng khiếp của súng săn, vẫn lừng lững tiến tới nhanh hơn. Bóp cò lần thứ ba, đạn hóc, nòng súng vỡ tan. Anh Thịnh vội vã vứt súng, quăng mình xuống bụi cây phía dưới rồi cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, không bao giờ còn ý định trở về vạt rừng đó nữa.
“Tôi và nhiều người khác trong bản cũng từng gặp con thú đó, nhưng không rõ nó là giống gì” - ông Ngân Văn Chưởng bỗng lên tiếng - “Nó rất to lớn, đi bằng hai chân như người, đầu to có lông bù xù rủ xuống trán như tóc, toàn thân màu xám mốc, riêng ở ngực có khoang trắng, nhìn như con gấu chó mà không phải. Thấy người trong rừng là lập tức nó đuổi theo. Tôi phải vứt súng chạy bán sống bán chết mới thoát đấy”.
Những người đàn ông ngang ngạnh và tinh ranh ở Co Cài đều thoát chết trong những lần thú rừng nổi giận. Điều oái ăm là một người phụ nữ hiền lành, quanh năm tảo tần ở gầm nhà sàn và bờ suối của Co Cài lại chịu sự trả thù khốc liệt của rừng xanh.
Ông Ngân Văn Cảnh trầm ngâm kể lại: “Lần đó, cũng lâu rồi từ khi chưa có lệnh cấm săn bắt động vật hoang dã, dân bản đánh bẫy được một con lợn lòi nặng 120kg đem về quẳng giữa sân để chờ xả thịt. Đám đàn ông ngồi trên nhà sàn uống chè hút thuốc, hể hả bàn chuyện “đánh” được bao nhiêu tiết canh, chỗ “mồi” này thì tốn bao nhiêu rượu.
Chẳng hiểu họ trói con lợn lòi đó thế nào, mà nó bứt dây thoát được. Lúc đó, bà Vi Thị Điêu đem rổ sắn đi xay để chuẩn bị đồ xôi. Con thú bị thương đó lập tức lồng lên, xông thẳng vào bà ấy.
Người đàn bà khốn khổ đó mình mẩy đầy máu, chỉ kêu khóc thảm thiết rồi gục xuống tắt lịm, chết tại chỗ.
31 người đàn ông, tính cả tôi lập tức dao gậy quây lại mà không sao hạ nổi con thú đang cơn khát máu đó. Mãi đến sáng hôm sau, khi đám thợ săn đem súng đến nhằm vào gốc lau nó đang trú ẩn, bắn 12 phát đạn thì mới hạ được con lợn lòi đó”.
Còn tiếp…
Lê Quân
Bình luận