• Zalo

Kinh hãi ‘thần y’ chữa bách bệnh bằng cách ‘rút lưỡi’, vả mặt

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 17/12/2014 02:36:00 +07:00Google News

Phương pháp chữa bách bệnh của Thưởng rất đơn giản, chỉ là bấm huyệt, vả vào mặt và “rút lưỡi” bệnh nhân.

Đang là sinh viên của một trường cao đẳng, Trần Duy Thưởng (ở T.T Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) phút chốc biến mình thành một “thần y” có khả năng chữa được nhiều loại bệnh nan y.


Từ những bệnh thông thường như đau lưng, xương khớp cho đến cả câm, điếc bẩm sinh,“thần y” cũng chữa khỏi. Phương pháp chữa bệnh của Thưởng rất đơn giản,chỉ là bấm huyệt, vả vào mặt và “rút lưỡi”...

Để tìm hiểu thực hư về vấn đề này, phóng viên đã tìm về TT Liễu Đề làm sáng tỏ vấn đề.

Nhìn đất bắt bệnh

Trong vai một người có con bị bệnh câm điếc bẩm sinh, chúng tôi tìm nhà “thần y” những mong chữa được bệnh cho con. Đến nơi, đập vào mắt chúng tôi, là ngôi nhà 3 tầng khá đồ sộ đang xây dang dở hòa lẫn cảnh lố nhố người đứng, ngồi vây kín lấy một cậu thanh niên trông còn khá trẻ. Nhiều người không chịu được cảnh ngột ngạt đã phải dạt ra cả ngoài sân.

Trong nhà một số người có vẻ rất hớn hở vì đã được diện kiến “thần y”, số khác có vẻ số ruột hơn vì đợi đã lâu mà chưa đến lượt. Đang loay hoay tìm chỗ đứng, bất chợt chúng tôi thấy một người phụ nữ mặc bộ quần áo hoa, tay cầm bình nước đi qua, đi lại, miệng luyến thoắng không ngớt: Các bác uống nước đi, đợi “cậu” chút nữa, hôm nay nhà đông khách ở xa đến nên “cậu” ưu tiên khám trước, nói rồi bà cầm bình nước rót lia lịa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi người phụ nữ đó là Phạm Thị Thắm, mẹ Thưởng. Hàng ngày bà có nhiệm vụ đón khách, phát phiếu và thu “đất”, bất kỳ ai muốn diện kiến được với “thần y” cũng phải qua cửa ải này.
Ngôi nhà 3 tầng đang xây dang dở và cũng là nơi hành nghề của thần y 
Được biết, bất kể ai đến đây với mục đích chữa bệnh, hay làm gì đi nữa cũng phải mang theo một ít đất thổ cư (bằng khoảng nắm tay nhỏ – pv) của gia đình, sau đó phải viết tên tuổi những người trong gia đình vào một tờ giấy trắng.

Đặc biệt bên trong tờ giấy trắng phải đặt một tờ tiền 50.000 nghìn đồng, mặt tờ tiền có hình Bác Hồ phải để ngửa lên trên, sau đó gấp giấy và tiền lại theo hình chữ Nhật. Theo quy tắc thì giấy sẽ được gấp từ phải qua trái, từ dưới lên trên. Sau đó tất cả được gói vào trong một cái túi bóng và chờ đợi...

Được biết, trước khi mang đất đến thì người bệnh phải thắp hương gia tiên để kêu gọi tổ tiên đi theo, sau đó “cậu” Thưởng sẽ soi đất cho. Bà Thắm cho biết thêm: “Người bệnh khi mang đất đến sẽ được cậu soi cho, nếu như các “ngài” bảo cậu chữa bệnh cho ai thì cầu mới chữa.

Còn đối với người bị bệnh câm bẩm sinh, cậu sẽ xem “lưỡi gà” còn dài hay không, nếu còn dài cậu sẽ kéo nó ra, và đảm bảo sẽ nói được trong vài lần chữa. Chỉ những trường hợp lưỡi gà bị co rụt hẳn lại thì cậu mới từ chối”.

Đang nói chuyện với bà Thắm chúng tôi bỗng giật mình bởi tiếng bôm bốp, rồi những tiếng kêu thất thanh từ trong nhà vọng ra. Còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì bà Thắm đã quay qua trấn an: “Cậu đang chữa cho một bệnh nhân bị câm bẩm sinh ở Thái Bình đấy, chỉ cần cậu chữa vài lần là khỏi ngay, con bé này người nhà đã mang đi chữa khắp nơi mà không khỏi, cũng may là tìm về đây được “cậu” chữa cho. Nói không điêu, cứ 10 người bệnh thì có đến 9 người là “cậu” chữa khỏi”, bà Thắm quảng cáo.
Bà Phạm Thị Thắm – mẹ của “cậu’ Thưởng đang kể cho phóng viên nghe về khả năng của Thưởng 

Rút lưỡi, vả mặt chữa bệnh

Đưa mắt nhìn về phía gian phòng khách của ngôi nhà, chúng tôi thấy “thần y” chỉ là một cậu thanh niên trạc 21 – 22 tuổi, khuôn mặt khá trẻ. “Cậu” ngồi giữa một đám người đen kịt vây quanh. Hai tay “thần y” cầm nén hương hua hua liên tục trước mặt một cô gái, rồi đưa tay “sờ” lên các huyệt đạo trên mặt của bệnh nhân.

Sau khi làm xong các công tác “bấm huyệt”, bất ngờ “cậu” đưa tay lên vả bôm bốp vào mặt bệnh nhân, cô gái có vẻ đã “thích nghi” nên không còn nghe thấy tiếng kêu la gì nữa.

Không dừng lại ở đó, theo quan sát của chúng tôi “thần y” còn kêu bệnh nhân há miệng ra, rồi cho một cái gì đó trăng trắng vào trong miệng. Thấy lạ tôi quay qua hỏi bà Thắm: “Cậu cho cái gì vào miệng người bệnh vậy (?)/ Có gì đâu, đấy chỉ là cái khăn ướt bằng giấy, cái đó cậu dùng để cầm vào lưỡi người bệnh rồi rút lưỡi ra nhè nhẹ”, bà Thắm trả lời.

Bắt chuyện với một người phụ nữ tên Vân 42 tuổi, nhà ở thị trấn Liễu Đề chúng tôi được biết, trước đây Thưởng là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật ở Nam Định, nhưng “bị hành” nên “cậu” bỏ học rồi về nhà tự xưng chữa được bệnh.
Chân dung “thần y” Thưởng 
Không chỉ chữa bệnh, Thưởng còn nói có thể đi tìm được hài cốt liệt sĩ, và rất nhiều người đã tìm đến nhờ “cậu” giúp đỡ. Thậm chí ngay cả bà Vân, với căn bệnh vôi hóa đốt sống cổ chữa trị lâu năm không khỏi, khi nghe tin Thưởng chữa được bệnh cũng tìm đến chữa thử.

“Khi đến nơi cậu Thưởng khẳng định là sẽ chữa khỏi cho tôi, nếu tôi làm đúng theo phác đồ điều trị của cậu. Một tuần 3 lần đến chữa, nhưng đến nay đã 4 tháng rồi mà tôi không thấy thuyên giảm, nhưng đã lỡ theo rồi thì phải theo nốt, nếu một tháng sau mà không thấy đỡ tôi sẽ không đến nữa”.

Không chỉ có chị Vân, mà chị Thảo (ở Hải Hậu, Nam Định) còn éo le hơn. Chị có cô con gái năm nay đã 19 tuổi nhưng bị câm điếc bẩm sinh, mặc dù đã đưa con đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Khi đến gặp Thưởng “cậu” phán con chị chắc chắn 100% khỏi bệnh, chỉ sau 3 tháng.

Thế nhưng, theo khám đã được hơn 1 tháng, được rút lưỡi, vả vào mặt không biết bao nhiêu lần, mà con chị câm vẫn hoàn câm, điếc vẫn hoàn điếc. “Mỗi lần đến cũng mất vài trăm nghìn, nhưng nhìn con bị đánh còn xót hơn. Thế mà bệnh con vẫn chưa có tiến triển. Nhiều lần định hỏi, nhưng sợ làm thầy phật lòng, với lại tôi cũng cố xong 3 tháng nếu không khả thi sẽ không đến nữa”.
Trao đổi với chúng tôi về chuyện “thần y” Thưởng, ông Phạm Đức Thuận – Phó Chánh văn phòng UBND huyện cho biết: “Trường hợp Thưởng tự nhận mình có khả năng ngoại cảm chữa bệnh cứu người thì chính quyền địa bàn đã nắm rõ. Còn chuyện có chữa được bệnh hay không, thì cần phải có kiểm chứng của cơ quan chuyên môn.

Trước đây cũng có nhiều người tìm đến, nhưng hiện nay thì ít, chủ yếu là những người nơi khác tìm về. Tháng 4.2012, chính quyền đã mời anh Thưởng cùng gia đình lên làm việc, yêu cầu chấm dứt việc hành nghề mang tính chất mê tín dị đoan. Ngoài ra, anh Thưởng cũng không được Sở Y tế Nam Định cấp giấy phép hành nghề y chữa bệnh, bản thân cũng chưa trải qua trường lớp nào về y dược, nên chắc chắn không thể có khả năng chữa bệnh”.


Theo Trần Minh (Ngày nay)
Bình luận
vtcnews.vn