Đứng trước tình hình kinh doanh bất ổn, nhiều doanh nghiệp rất cần nguồn vốn vay lãi suất thấp để giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn treo cao. Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị các ngân hàng phải tiếp tục giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng, nhất là đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy vậy, việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng đến nay vẫn đang là vấn đề khó của nhiều DN.
Gói hỗ trợ của ngân hàng như cuộc triển lãm
Tổng giám đốc một công ty chuyên về đồ gỗ ở TP.HCM cho hay chưa vay được đồng vốn nào với lãi suất thấp mà các ngân hàng đưa ra. Với gói vay lãi suất 7%/năm, khi xét duyệt, ngân hàng có quá nhiều điều kiện, yêu cầu công ty phải chứng minh dòng tiền, phương án kinh doanh khả quan thời gian tới... Những điều này rất khó đáp ứng trong bối cảnh hiện nay.
Theo một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí tại TP.HCM, họ là khách hàng lâu năm của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), được xếp hạng doanh nghiệp tốt, được vay với lãi suất mềm, nhưng vẫn ở mức 8,7%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Đây là một trong 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn có vốn Nhà nước, lãi suất cho vay thường thấp hơn các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Những doanh nghiệp vay vốn từ các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân thường phải chịu lãi suất cao hơn. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng (Hà Nội), chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí, phản ảnh, doanh nghiệp chỉ tiếp cận được nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ với lãi suất khá cao. Còn nguồn vốn vay giá rẻ tại các ngân hàng lớn không tiếp cận được, do thủ tục vay rườm rà, hạn mức thấp.
Hiện phần lớn doanh nghiệp vẫn phải vay vốn ngắn hạn, kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 9%/năm. Một công ty sản xuất nhựa tại Hà Nội cho hay, lãi suất được các ngân thương mại cổ phần hàng cho vay từ 9%/năm trở lên, với kỳ hạn 6 tháng. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không thể “gánh” được mức lãi quá cao như vậy. Hơn nữa với khoản vay cũ cũng kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 10,5%/năm, ngân hàng không cho giảm.
Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 của hầu hết ngân hàng tăng từ 55-65% so với cùng kỳ. Có nhóm ngân hàng tăng từ 75-85%. Đó là do lãi suất huy động thấp, trong khi lãi suất cho vay treo cao đã mang lại khoản “lợi nhuận khủng”. Hiện tại, mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng chỉ khoảng 3%, từ 6-9 tháng còn khoảng 4-6%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 5,3-7%/năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay những lĩnh vực không thuộc ưu tiên kỳ 6 tháng ở mức 8,5% đến 9%/năm.
Giới chuyên môn cho rằng, trong khi lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%/năm nhưng có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%/năm. Gói hỗ trợ của ngân hàng chỉ giống như cuộc triển lãm, nhiều doanh nghiệp chỉ có thể đến xem chứ không với tới được.
Khi nào lãi vay giảm?
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty cơ khí SKD Việt Nam (Hà Nội), cho rằng, với tình hình dịch bệnh kéo dài, nguồn vốn rất quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất. Tuy nhiên, rất khó tiếp cận vốn vay. Doanh nghiệp muốn vay vốn phải có tài sản đảm bảo, có doanh thu,... nhưng họ lúc này rất khó khăn, doanh thu giảm.
Mong muốn của nhiều doanh nghiệp hiện nay là được tiếp cận các gói hỗ trợ như vay vốn ưu đãi dễ dàng hơn, lãi suất giảm sâu hơn nữa để tạo điều kiện phục hồi.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá, việc đại dịch COVID-19 tái bùng phát lần thứ 4 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng khốn đốn.
Trong giai đoạn này, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì các chính sách về tín dụng có vai trò rất quan trọng. Bởi thông qua nguồn vốn, có thể giúp doanh nghiệp tái cấu trúc, đầu tư đổi mới hạ tầng, công nghệ để thích nghi. Do đó, cần tiếp tục có những giải pháp tài chính phù hợp và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vốn quyết định tới 45-50% sự thành công của doanh nghiệp. Ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có các giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi. Theo đó, cần rà soát quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn, tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng từ các tổ chức tín dụng.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, dịch bệnh bùng phát khiến nguồn tiền trong dân không dồi dào, dòng vốn huy động giảm. Tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng hiện thấp hơn tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, thanh khoản của nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ thiếu hụt. Từ đó, dẫn tới lãi suất huy động lại chịu áp lực tăng lên.
Cùng với đó, nền kinh tế cũng đang chịu áp lực về lạm phát có dấu hiệu tăng. Nếu lạm phát tăng sẽ có tác động, đẩy lãi suất huy động tăng lên. Lãi suất huy động tăng, các ngân hàng càng có lý do để không giảm lãi suất cho vay. Hy vọng được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ càng xa vời, ảnh hưởng đến sự tồn tại và hồi phục của nhiều doanh nghiệp.
Bình luận