Kiệt sức, suy dinh dưỡng vì thói quen 'nấu một lần ăn cả tuần'

Tin tứcThứ Năm, 23/05/2024 15:12:50 +07:00
(VTC News) -

Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm để lâu trong tủ lạnh, ông Nghĩa suy dinh dưỡng, kiệt sức phải nhập viện điều trị.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (78 tuổi, quê Bắc Ninh) có tiền sử bệnh lý suy tim, rối loạn mỡ máu, trào ngược dạ dày, đang điều trị thuốc nhưng chưa cải thiện. Ông sống một mình nên ăn uống đơn giản, không cầu kỳ, thường nấu một nồi cháo chia vào từng hộp, để tủ lạnh ăn trong 4 ngày. Các món mặn đã nấu chín ông dùng màng bọc thực phẩm rồi cho vào tủ lạnh, ăn cả tuần.

Gần đây, ông thấy mệt, suy kiệt nên các con cháu đưa ông đưa đi khám. Ông vào viện trong tình trạng rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, thiếu cơ toàn bộ cơ thể, phù nề do mất cân bằng dinh dưỡng.

Để bảo quản đồ ăn cả tuần, bà Phan Thị Hoa (80 tuổi, Hà Nội) chia nhỏ thành từng phần đủ ăn để hạn chế rã đông lượng lớn lớn. Bà không quên ghi ngày để sử dụng theo thứ tự ưu tiên, thức ăn nào đông trước dùng trước, đông sau dùng sau. Có những món ăn bà nấu cả 2 tuần vẫn không hết, đồ đông lại cứng như đá.

Có hôm sau bữa cơm tối, bà đau bụng quằn quại, nôn nhiều lần. Hàng xóm phát hiện đưa bà đến bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bà Hoa được xác định rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, thiếu cơ, thừa chất béo, phải nằm viện điều trị suốt 2 tuần.

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh thăm khám người bệnh gặp vấn đề về dinh dưỡng. (Ảnh: BSCC)

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh thăm khám người bệnh gặp vấn đề về dinh dưỡng. (Ảnh: BSCC)

Theo TS.BS Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu chất dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa ở những người bệnh là do ăn uống không đủ, không đúng. Qua phân tích chỉ số cơ thể BMI, người bệnh suy dinh dưỡng nhưng thừa mỡ toàn thân, thiếu cơ, thiếu nước. Chế độ ăn của người bệnh thiếu cân đối, chứa nhiều carbohydrates, thừa chất béo, thiếu đạm và vitamin.


Người bệnh thiếu chất dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa được điều trị dinh dưỡng kết hợp xây dựng thực đơn ăn uống khoa học. Nâng khối cơ, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện đường tiêu hóa là mục tiêu chính của phác đồ dinh dưỡng. Phác đồ này cũng giúp người bệnh nâng cao thể trạng, đáp ứng điều trị các bệnh lý nền.

Trong suốt những năm làm nghề, bác sĩ Thanh từng tiếp nhận nhiều trường hợp suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi do sử dụng thực phẩm không đủ, không đúng. Các thực phẩm để lâu trong tủ lạnh có thể gây mất chất dinh dưỡng, thiếu đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Trong tủ lạnh tồn tại nhiều vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Vi khuẩn sống có thể xâm nhập vào thức ăn, làm biến chất thực phẩm. Ngay cả khi thực phẩm đã đun sôi, nấu chín vẫn có thể gây hại. Nhiều người sử dụng thực phẩm bảo quản không đúng cách trong tủ lạnh đã phải đối mặt với những hậu quả đáng tiếc như ngộ độc, thậm chí đe dọa tính mạng.

Theo bác sĩ Thanh, khi bảo quản thực phẩm chín trong tủ lạnh nên chú ý một số nguyên tắc:

- Phân loại và sắp xếp thức ăn, để riêng ngăn cho mỗi loại thức ăn, thức ăn cần đóng hộp hoặc bọc nilon cho vào tủ lạnh, nhiệt độ thích hợp để bảo quản thức ăn chín ở ngăn mát là từ 1,7 đến -5 độ C.

- Việc bảo quản thực phẩm đã chế biến trong tủ lạnh để giữ được giá trị dinh dưỡng và đảm bảo an toàn sẽ tùy thuộc vào từng nhóm.

- Mọi người không nên trữ thức ăn quá tải trong tủ lạnh. Với thực phẩm đã nấu chín như cá, hải sản (thịt chế biến hầm) để tủ lạnh nên dùng trước 2 ngày. Các loại thịt gia cầm và súp đã nấu chín có thể lưu trữ trong tủ lạnh 4 ngày.

- Các loại giò chả, bảo quản tại ngăn mát giữ được 4-6 ngày, ngăn đá để được khoảng 10 ngày. Không nên để rau đã chế biến qua đêm. Không để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ thường quá 4 giờ đồng hồ. Các thực phẩm cần được làm nóng trước khi sử dụng.

Chuyên gia khuyến cáo, các gia đình cần lưu ý giữ tủ lạnh luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Dọn dẹp tủ lạnh để hạn chế vi khuẩn giúp bảo quản thực phẩm tốt hơn.

Bình luận
vtcnews.vn