• Zalo

Kiến ba khoang 'tấn công' ở HN: Độc gấp 15 lần rắn hổ

Sức khỏeThứ Sáu, 12/10/2012 03:47:00 +07:00Google News

(VTC News) – Trên cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ.

(VTC News) – Trên cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ.

Tại sao kiến ba khoang xuất hiện trong nhà bạn?

Một người bị viêm da khi tiếp xúc với kiến ba khoang. 

Gần đây, kiến ba khoang xuất hiện rầm rộ ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong tháng 8, 9 hàng trăm người dân ở khu tái định cư phường Hương Sơ, TP Huế bị kiến ba khoang tấn công. Đến đầu tháng 10, tại TP Huế nhiều nơi lại bị kiến ba khoang tấn công.

Cụ thể, tại khu ký túc xá Trường Bia (TP Huế) có 16 sinh viên bị kiến ba khoang đốt; ở khu tập thể dành cho công nhân nhà máy Scavi (huyện Phong Điền) có 21 công nhân bị đốt; Một số sinh viên học tại Trung tâm giáo dục quốc phòng (TX Hương Thủy) cũng chung tình trạng tương tự. Tính đến nay, ở khu tái định cư Hương Sơ có tổng cộng 127 người dân bị kiến cắn.

Ở TP. HCM, dân ở khu chung cư Bình Khánh, quận 2 cũng bị kiến ba khoang tấn công. “Nhiều người bị ngứa, cứ gãi đến đâu thì da bị viêm loét đến đấy", chị Hoa sống tại lầu 6, lô J của chung cư cho biết.

Cũng bị kiến ba khoang đốt gây viêm loét da, anh Đăng sống tại lầu 17 cho hay, mấy ngày gần đây trên cửa kính, trước hành lang và bờ rào của chung cư có kiến ba khoang xuất hiện trở lại nhiều hơn.

Tại Hà Nội, nhiều cư dân ở các khu vực gần cánh đồng như Ngọc Thụy và chung cư Đặng Xá, Gia Lâm bị côn trùng giống y hình ảnh kiến ba khoang ở Huế đốt. 

Thậm chí, có độc giả ở khu tập thể Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội) hay chung cư Ngọc Khánh cũng cho biết phát hiện mấy con kiến ba khoang trong nhà và đã mua thuốc diệt côn trùng về phun.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Quang, trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn: Ở khía cạnh nông nghiệp, kiến ba khoang ăn côn trùng, sâu bọ, rầy nâu nên là loài có ích và không phải là đối tượng cần tiêu diệt. 

Loài này thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa, với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm. Kiến ba khoang sống ở ngoài đồng, bờ, bụi. Chúng đẻ trứng trên lá cây. 

Lý giải tại sao loài kiến này có thể xuất hiện ở những chung cư cao tầng, TS Quang phân tích: Bản thân loài kiến này bị thu hút bởi ánh sáng đèn vào buổi tối. Hơn nữa, nhờ sức gió nhất là ở những vùng đất trống, gần cánh đồng, gió sẽ giúp kiến ba khoang bay được lên cao và vào nhà dân ở những tầng trên cao.

Sau khi bay vào nhà cao tầng, kiến ba khoang sẽ rụng cánh và ở lại luôn trong nhà đó.

Tại sao bị sưng đau khi tiếp xúc kiến ba khoang?

Về hiện tượng sưng đau sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang, TS Quang khẳng định miệng kiến ba khoang có thể cắn nhưng không gây sưng, tấy cho người. Lý do nhiều người bị sưng tấy là do tiếp xúc, chà xát với thân kiến. Do trên cơ thể loài kiến này có vi khuẩn cộng sinh có chứa chất độc nên khi con người tiếp xúc, chà xát vào kiến và gãi sẽ bị nhiễm chất độc này. 

Sau khi tiếp xúc với côn trùng, bệnh nhân thấy ngứa, rát, nóng bỏng tại chỗ, sau 6-12 giờ xuất hiện các đám, vết màu đỏ, hơi nề thành vệt, kích thước từ 1-5cm, rộng 3-4 mm, có bờ viền rõ rệt, có vệt có biến sắc màu tím hồng. 

Sau 1-3 ngày xuất hiện các mụn nước trên da đỏ, lấm tấm sau đó xuất hiện bọng nước và bọng mủ (giai đoạn này rất dễ nhầm với các tổn thương như zona, thủy đậu hoặc các mụn virus khác).

Con cái có độc tố pederin (còn gọi là cantharidin, thuộc loại alkaloid) trong một đôi tuyến ở cuối bụng dùng để bảo vệ trứng khi đẻ khỏi bị các loài thiên địch khác tấn công. Cho nên nếu con vật bị chà xát hay chạm mạnh thì độc tố có thể tiết ra ngoài, dính vào da người làm có cảm giác cháy da, đau đớn.

Trong cơ thể của kiến ba khoang có chứa độc tố có tên Pederin (C24H43O9N), có độc tính gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ. Pederin có trong máu con vật. Khi con vật đã chết khô và để trong 8 năm thì độc tính vẫn tồn tại.

Pederin có tính xuyên thấm qua da. Pederin là độc chất tự nhiên có hiệu lực như chất chống ung thư và virus. Trên con vật kiến ba khoang, pederin là chất để phòng vệ chống lại động vật ăn chúng như nhện. Pederin không được tạo ra từ bản thân mà do vi khuẩn nội cộng sinh trong chúng là pseudomonas aeruginosa.

Khi ta giết chết kiến ba khoang trên vùng da mình, pederin tiếp xúc với da, sau đó nó gây viêm da nặng. Nếu ta không rửa tay ngay vô tình sẽ làm dính pederin vào chỗ khác.

Vị trí viêm da là vùng đầu mặt, cổ, tay, chân, hông lưng (sợ nhất là vào mắt có thể làm bỏng võng mạc).... Triệu chứng phồng rộp da, nổi mụn nước có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc độc tố từ 12 - 36 giờ. Nếu không chữa trị, tình trạng viêm sẽ tiến triển sang loét, khi đó những sang thương này sẽ có hình dạng là đường thẳng dài, hay hình chữ Y, hình tròng, đa giác tùy theo cách ta giết chúng.

Viêm da có thể dạng giống như vết thương của bệnh Zona do nhiễm herpes zoster, đôi khi còn gống như eczema hepeticum với viêm da bóng nước đã khô. Nếu pederin dính vào mắt sẽ gây ra viêm kết mạc và phần mềm quanh mắt, có trường hợp mù tạm thời. Nếu được trị thì sau một tuần sẽ hết. Có trường hợp để lại sẹo đỏ đến nhiều tháng mới hết. 

TS Quang tư vấn: Khi gặp kiến ba khoang, cần tập trung chúng lại, tiêu diệt và đổ vào thùng rác nhưng tuyệt đối không được tiếp xúc. Nếu lỡ tiếp xúc với kiến ba khoang, cần rửa ngay tay bằng nước xà phòng. Nếu nặng, cần đến gặp bác sĩ.

Để phòng tránh tiếp xúc với kiến ba khoang, nếu nhà ở khu gần cánh đồng nên dùng cửa lưới, hạn chế ánh sáng gần cửa sổ, đóng cửa nếu cần. Đêm ngủ nên dùng màn.

Nếu có dùng thuốc diệt côn trùng thì cũng khó diệt tận gốc vì chỉ diệt được những con kiến đang có trong nhà.

Tuy nhiên, nếu quá nhiều, có thể dùng thuốc FENDONA 10SC (Alpha permethrin 10%) thuốc phun diệt côn trùng muỗi, dán… để diệt.

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc Họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Cánh cứng. Loàicôn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2cm, ngang 2-3mm), nhiều màu sắc khác nhau, nhìn giống con kiến.
Do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong, ... Khi bị con này đốt sẽ bị chứng viêm da. Loài này là một loài săn rầy trên đồng ruộng. 
Thân chúng có màu đen và cam, với đầu màu đen. Râu dài hình sợi chỉ, chân chạy nhanh, cánh ngắn đến nửa thân mình, cuối bụng nhọn có hai đuôi nhỏ. Kiến ba khoang có thể bò trên mặt nước, thích ăn côn trùng như ăn bọ hóng, thích bay vào ánh đèn ban đêm. Vào mùa mưa chúng sẽ di trú ở nơi khô ráo hơn. 
Con trưởng thành có thể sống vài tháng và sinh sản ra khoảng 2 - 3 thế hệ/năm.

Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn