• Zalo

Kiếm sống dưới đáy đại dương

Phóng sự - Khám phá Thứ Ba, 15/11/2022 11:11:00 +07:00Google News

Lặn biển mang lại cho họ nguồn thu nhập khá, nhưng đây lại là nghề vô cùng gian khó, hiểm nguy…

Sống cạnh biển nhưng nguồn thu từ nghề chài lưới không đủ để nuôi sống gia đình, phần lớn thanh niên trai tráng ở làng Vịnh Sơn (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) đã chọn con đường mưu sinh bằng nghề lặn bắt hải sản dưới đáy đại dương. 

Mưu sinh dưới đáy biển 

Trong các làng biển ở huyện Quảng Trạch, gần như chỉ có ngư dân làng Vịnh Sơn (Quảng Đông) làm nghề lặn. Theo các bậc cao niên của làng, nghề lặn biển có từ khi nào thì họ không nhớ rõ, chỉ biết rằng đây là nghề truyền thống, cứ cha truyền con nối mà duy trì cho đến ngày nay. Điều thú vị là ở chỗ, nghề lặn ở làng Vịnh Sơn không qua trường lớp nào mà người này học người kia. Tất nhiên, cũng có một điều khác là thế hệ trước thường lặn bo (không có trang thiết bị hỗ trợ), nay nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, người thợ lặn đã được trang bị đầy đủ hơn trước khi xuống biển.

Anh Nguyễn Văn Hiển, một thợ lặn lâu năm của làng Vịnh Sơn cho biết, mùa lặn biển tại vịnh Hòn La thường bắt đầu vào khoảng tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 8 (âm lịch), gói gọn chỉ thực hiện trong vòng 4 tháng, bởi thời điểm này nước biển trong và ấm nên rất thuận lợi cho ngư dân đánh bắt hải sản.

Kiếm sống dưới đáy đại dương - 1

Thợ lặn Nguyễn Văn Hiển và niềm vui khi săn được cá to

Trước mỗi chuyến đi lặn, ngư dân phải thường xuyên quan sát tình hình thời tiết, nếu trời xanh, gió nhẹ, nước biển trong vắt mới cho tàu vươn khơi. Bởi khi đó, người thợ lặn ở dưới đáy biển sẽ dễ dàng quan sát và không bị hạn chế về tầm nhìn. Nghề lặn biển phụ thuộc chủ yếu vào nước trong hay đục. Một ngày bám biển của thợ lặn bắt đầu từ tờ mờ sáng cho đến chiều tối. Thường thì cứ 4-5 người đi trên một thuyền. Khi làm việc, người thợ lặn khoác áo, đeo ống khí, khoanh chì… thay phiên nhau lặn xuống biển. Cứ 2-3 người lặn thì phải có 2 người ở trên thuyền phụ trách trông coi máy hơi thổi truyền trực tiếp, liên tục cho người lặn chứ không phải dùng bình khí.

Theo anh Hiển, với thợ lặn thì không khí là yếu tố quyết định sự sống còn, chính vì thế trên thuyền lúc nào cũng phải có người túc trực để bảo đảm không xảy ra sự cố bất ngờ. Sự cố ở đây là việc vô tình máy nén oxy ngừng hoạt động hay ống hơi bị gấp khúc, mối mọt hay bị đứt gãy…, khi đó tính mạng người thợ lặn sẽ bị đe dọa. Ngoài ra, nguy hiểm còn đến từ các dòng chảy ngầm dưới nước, các loại cá dữ…

Thông thường mỗi phiên lặn kéo dài khoảng 3 giờ. Ở độ sâu khoảng 20m, người thợ lặn bắt đầu đi lang thang dưới đáy biển, lần theo các khe đá, các rạn san hô để lục tìm hải sản. Người thợ lặn thường sẽ đi khom để có thể di chuyển linh hoạt và tránh được lực cản của nước. Ở vùng biển Hòn La, ngư dân chủ yếu săn bắt tôm hùm, cá mú, ốc, hàu và hải sâm… những loài hải sản có giá trị kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nỗi niềm tha hương… 

So với các loại hình khai thác thủy hải sản khác, nghề lặn biển tuy cực khổ và nguy hiểm nhưng mang lại thu nhập cao. Một thợ lặn có thể kiếm được khoảng 200 triệu đồng một mùa. Cùng với một số nghề tay trái khác dặm thêm, lặn biển mang lại cơm áo gạo tiền cho ngư dân Vịnh Sơn. Họ tích cóp xây được nhà cửa, nuôi con cái ăn học. 

Ông Đinh Văn Trung, Bí thư Chi bộ thôn Vịnh Sơn cho biết, không chỉ hành nghề lặn bắt hải sản ở vùng biển quanh vịnh Hòn La, bước chân của thợ lặn làng Vịnh Sơn đã từng “chạm đáy” các vùng biển từ Bắc vào Nam, như Quảng Ninh, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu… Cùng với 5 người khác, anh Đinh Văn Dũng ở làng Vịnh Sơn đã ra huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) sắm tàu hành nghề lặn biển ở vùng biển Cô Tô từ 5 năm qua. Công việc chính của anh là lặn bắt ốc tu hài, loài đặc sản của vùng biển Quảng Ninh có giá lên đến 300 nghìn đồng/kg. 

Anh Dũng cho biết, mỗi ngày “vật lộn” dưới đáy biển để bắt tu hài, nhóm thợ lặn của thuyền anh có thể thu được tiền triệu. Trung bình mỗi tháng, nếu thời tiết tốt, lặn thường xuyên, mỗi lao động trên thuyền của anh cũng có thu nhập đến 45 triệu đồng. Tuy nhiên, để có nguồn thu nhập khủng đó, mỗi năm anh và những bạn thuyền phải xa gia đình, xa bạn thuyền đến 8 tháng trời…

Kiếm sống dưới đáy đại dương - 2

Anh Đinh Văn Dũng (bên trái), thợ lặn của thôn Vịnh Sơn, hành nghề ở vùng biển Cô Tô (Quảng Ninh) chia sẻ về nghề lặn

Khác với anh Dũng, anh Đặng Văn Thức lại chọn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để mưu sinh. Anh Thức làm thuê cho các chủ tàu khác với tiền công 1 triệu đồng/ngày. Mỗi tháng, trừ tiền ăn uống, sinh hoạt, anh Thức gửi về cho vợ con 20 triệu đồng. Cùng với tiền đền bù từ dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, số tiền dành dụm được từ nghề thợ lặn đã giúp gia đình anh Thức xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang ở khu tái định cư Vịnh Sơn. 

Theo Bí thư Chi bộ thôn Vịnh Sơn Đinh Văn Trung, hiện thôn có 170 lao động làm nghề thợ lặn, nhưng có hơn 100 người trong số này đang tha hương mưu sinh dọc các vùng biển trên khắp mọi miền đất nước. Dẫu nỗi nhớ nhà, nhớ người thân luôn canh cánh trong lòng nhưng để cải thiện cuộc sống, những người thợ lặn của làng Vịnh Sơn vẫn từng ngày miệt mài “cày xới” dưới sóng nước mênh mông. Mỗi lần nhảy xuống biển, họ mang bao kỳ vọng, đợi chờ không chỉ đối với người lặn mà cả vợ, con họ ở quê nhà. Vẫn biết rằng, cuộc mưu sinh nơi đáy biển ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng hàng ngày, những người thợ lặn của làng Vịnh Sơn vẫn đều đặn ra khơi…

“Nghề lặn là một nghề nguy hiểm, cực nhọc. Chỉ có những người trẻ, có sức khỏe mới có thể làm nghề thợ lặn. Từ trước đến nay, ở thôn Vịnh Sơn đã có 3 người tử vong và nhiều người bị thương trong lúc lặn biển. Nhiều thợ lặn ở đây dù biết trước hiểm nguy nhưng vì miếng cơm manh áo, đến nay họ vẫn duy trì nghề lặn như một cái nghiệp dưới đáy biển sâu…”

Bí thư Chi bộ thôn Vịnh Sơn Đinh Văn Trung

(Báo Quảng Bình)
Bình luận
vtcnews.vn