• Zalo

Kiếm chục triệu đô nhờ bán quần áo trẻ em trên Facebook

Kinh tếChủ Nhật, 15/09/2013 10:07:00 +07:00Google News

Nhờ tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, công ty Lolly Wolly Doodle chuyên bán quần áo trẻ em theo đơn đặt hàng kiếm được hơn 10 triệu USD hàng năm.

Nhờ tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, công ty Lolly Wolly Doodle chuyên bán quần áo trẻ em theo đơn đặt hàng kiếm được hơn 10 triệu USD hàng năm. Trong đó, 60% doanh số đến từ Facebook.

Từ khi Brandi Temple bắt đầu tự may quần áo cho 2 con gái nhỏ ở lứa 3 và 8 tuổi vào năm 2008, cô sớm nhận ra năng khiếu của mình trong lĩnh vực thiết kế. Vì vậy, cô thử đăng vài mẫu trên trực tuyến và chẳng bao lâu số lượng quần áo do cô thiết kế bán rất chạy trên website eBay. Vào thời điểm đó, cô chưa thể hình dung là chính sở thích may vá này có thể giúp cô trở thành một doanh nghiệp với khoảng 160 nhân viên.

Bước ngoặt kinh doanh đã đến khi chồng Temple mất việc trong ngành xây dựng 2 năm sau đó. Vợ chồng họ quyết định mở rộng hình thức bán hàng trực tuyến từ eBay sang Facebook. Tại mạng xã hội này, Temple cung cấp mẫu thiết kế theo mô hình ai đến trước, phục vụ trước. Cô nói: “Không thể ngờ tình hình kinh doanh vượt ngoài mong đợi và phát triển với tốc độ chóng mặt”.

Hiện tại, công ty may mặc của cô mang tên Lolly Wolly Doodle, trụ sở Lexington, North Carolina, có doanh thu hơn 10 triệu USD hàng năm. Bên cạnh đó, Lolly Wolly Doodle cũng là một trong những chủ doanh nghiệp lớn nhất ở Lexington, vừa được quỹ đầu tư của tỷ phú Steve Case rót thêm 20 triệu USD.

Để được thành quả nói trên, Temple cho rằng có 2 yếu tố dẫn đến thành công: thứ nhất, áp dụng phương pháp sản xuất tiên tiến, nghĩa là quy trình sản xuất tinh gọn, giảm tối đa những chi phí. Thứ hai là tập trung chủ yếu bán hàng trên mạng xã hội. 60% doanh số bán của Lolly Wolly Doodle đến từ Facebook và phần doanh thu còn lại thông qua website của công ty.

Những ngày đầu, Temple ít có tập trung vào mục tiêu bán hàng mà chỉ chú trọng đến việc gầy dựng mối quan hệ với khách hàng trên mạng xã hội. Temple bỏ ra nhiều công sức để chăm chút cho trang Facebook qua cách chia sẻ câu chuyện kinh doanh và những mẫu quần áo thiết kế dựa trên yêu cầu của khách hàng. Nhưng đổi lại, khách hàng sẽ gửi bức ảnh những đứa con của họ đang mặc thiết kế của cô. Cách này biến người mua hàng trở thành người truyền bá sản phẩm miễn phí.

Brandi
Brandi Temple, Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Lolly Wolly Doodle. Ảnh: website của lollywolydoodle 
Kết quả là sức lan tỏa qua truyền miệng rất nhanh chóng, giúp cho Lolly Wolly Doodle hiện có hơn 586.000 người theo dõi trên Facebook. "Đối với phần lớn các thương hiệu nổi tiếng thì Internet và mạng xã hội thường là yếu tố phụ, nhưng Lolly Wolly Doodle đã làm điều ngược lại khi họ biết cách sử dụng Internet để tạo tiếng vang cho thương hiệu của mình”, theo tỷ phú Case nhận xét.

Tuy nhiên, trong thời gian Lolly Wolly Doodle phát triển nhanh chóng cũng là lúc công ty gần như rơi vào tình trạng sắp đóng cửa vào mùa hè năm 2010. Nguyên nhân là do Temple không có nền tảng về kinh doanh, công nghệ hay sản xuất cũng như không có đủ tiền để mở rộng hoạt động. Do vậy cô phải rất vất vả mới đáp ứng được nhu cầu khách hàng, chủ yếu là nhờ vào sự giúp đỡ từ bạn bè và gia đình. Cô nói: “Tôi đã từng nghĩ chắc phải bán công ty cho một ai đó bởi không thể tự mình kham nổi công việc nữa”.

May mắn thay, Shana Fisher, người sáng lập các đối tác quỹ đầu tư High Line tại New York, đã có mặt kịp thời để giúp Temple. Fisher đã biết đến công ty Lolly Wolly Doodle và ấn tượng bởi phương thức kinh doanh của Temple khi công ty này tự thiết kế mẫu áo và mang chúng tiếp cận với mạng xã hội.

Cuối cùng, Fisher quyết định rót vốn cho Temple để duy trì công ty, nhưng không tiết lộ số tiền đầu tư. Vào tháng 9 năm 2010, nhờ vào sự hậu thuẫn nói trên, Lolly Wolly Doodle có một cơ sở may hoàn chỉnh, diện tích khoảng 743 mét vuông. Và Temple tiếp tục quảng bá những mẫu thiết kế riêng trên các mạng xã hội và website công ty, nhưng thực ra cô hoàn toàn không lưu kho bất kỳ mẫu thành phẩm nào.

Lolly Wolly Doodle dùng phương pháp giao hàng ngay, nghĩa là chỉ thực hiện may theo số lượng yêu cầu được đặt. Khi giao dịch mua bán kết thúc, người mua có 72 giờ để trả tiền và họ sẽ nhận được sản phẩm trong vòng từ 2 đến 4 tuần.

Case cho biết phương pháp sản xuất này khiến các công ty Mỹ có thể cạnh tranh tốt hơn với những thương hiệu khác có các nhà máy sản xuất đặt ở nước ngoài. Vào tháng 8 này, cô có kế hoạch chuyển từ xưởng sản xuất hiện tại, diện tích 1.858 mét vuông sang một cơ sở mới rộng khoảng 9.290 mét vuông. Với số tiền đầu tư 20 triệu USD từ tỷ phú Case, công ty Lolly Wolly Doodle dự định thuê thêm 100 nhân viên trong hai năm tiếp theo. Song song đó, công ty vẫn nhắm đến công nghệ số khi tháng rồi phát hành một ứng dụng di động và bắt đầu bán hàng trên Pinterest và Instagram.

“Cho dù có bao nhiêu lượng người hâm mộ hay cơ sở may có lớn như thế nào thì tôi luôn cảm giác mình đang làm việc ở xưởng may đầu tiên của mình. Vào cuối mỗi ngày, tôi vẫn giữ cho mình một tình yêu nguyên vẹn dành cho thiết kế và tập trung vào mục tiêu ban đầu đặt ra”.

Theo Thanh Thanh/Vnexpress

Bình luận
vtcnews.vn